Theo văn bản này, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 3322/SGDĐT- GDMN ngày 15/11/2010 về việc hướng dẫn thực hiện xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non (GDMN).
Trong đó yêu cầu 100% trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn nghiêm túc thực hiện đúng quy trình Thông tư hướng dẫn; sắp xếp lại môi trường trong và ngoài lớp học theo quy định, tạo môi trường học chữ, môi trường sáng -xanh - sạch đẹp - an toàn; đẩy mạnh công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh và trẻ em; phối hợp chính quyền trong việc hạn chế mua bán hàng rong trước cổng trường nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ và vệ sinh, mỹ quan trong khu vực trường học.
Rà soát số liệu báo cáo về GDMN của học kỳ 1, tiếp tục thực hiện sắp xếp quy mô trường lớp, đảm bảo số trẻ/lớp và giáo viên/lớp đúng quy định, cân đối định biên giáo viên/lớp (lưu ý hạn chế đến mức thấp nhất lớp học 1 buổi) cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ (CSGD).
Tiếp tục triển khai hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn trong nhà trường, phát huy vai trò tổ khối trưởng trong xây dựng kế hoạch CSGD phù hợp từng độ tuổi của trẻ. Sở GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ thực hiện chương trình cho lớp 1 buổi.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu phòng GD&ĐT chủ động tham mưu với lãnh đạo địa phương trong công tác tạo nguồn giáo viên tại địa phương, phối hợp Trung tâm giáo dục thường xuyên, trường CĐ sư phạm để đào tạo giáo viên theo nhiều hình thức để tăng số lượng đội ngũ đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ.
Hợp đồng thêm nhân viên nấu ăn tại các trường còn thiếu so với số trẻ được quy định Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Hướng dẫn đơn vị thực hiện đúng việc hợp đồng giáo viên theo Thông tư 09/TTLT-BGD ĐT-BTC-BNV; xác định đúng số giáo viên còn thiếu, giáo viên - nhân viên họp đồng chưa đảm bảo các chế độ chính sách, dự báo số lượng giáo viên phù hợp với chỉ tiêu huy động trẻ trên địa bàn.
Có kế hoạch tham mưu với lãnh đạo địa phương, vận động xã hội hóa để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp khu vệ sinh cho trẻ đặc biệt ở điểm lẻ.
Tại nơi có điều kiện nhà vệ sinh cho trẻ cần được thiết kế liền kề trong lớp học tiện cho việc giáo viên bao quát trẻ trong khi vệ sinh...
Trường có tổ chức bán trú cần trang bị đầy đủ đồ dùng, dụng cụ cá nhân trẻ (khăn mặt, ca uống nước, bàn chải đánh răng) có ký hiệu riêng từng trẻ, dạy trẻ nhận biết ký hiệu và sử dụng đúng đồ dùng cá nhân. Tuyệt đối trường không sử dụng ca, ly, chén, muỗng bằng nhựa tái chế không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
Tăng cường các hoạt động chuyên môn thao giảng, tổ chức chuyên đề, thực hiện đúng mục đích yêu cầu từng độ tuổi, giáo viên linh hoạt, sáng tạo, tạo nhiều tình huống, cơ hội cho trẻ tự làm, tự thể hiện để trẻ được trải nghiệm. Sau mỗi hoạt động sản phẩm của trẻ được dùng để trưng bày ở góc chơi, trang trí trong lớp học…