Chẩn bệnh qua Tam quốc diễn nghĩa

Nếu Khổng Minh được đưa đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi bây giờ cấp cứu thì chắc chắn ông sẽ còn rất thọ.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Tại một bệnh viện quân y, nhân lúc rỗi rãi, mấy bác sĩ ngồi đàm đạo, một người nói:

- Trong các bộ tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc mình thích nhất là "Tam Quốc diễn nghĩa" của tác giả La Quán Trung. Những nhân vật trong tác phẩm đều là những nhân vật bất hủ, người thì dũng mãnh, tài trí, mưu mẹo, trung nghĩa, người thì gian thần, đa nghi, bất nghĩa, bất trung…

Bác sĩ khác gật đầu:

- Đúng vậy! Không những thế, dưới góc độ y học hiện đại khi nghiên cứu tác phẩm này chúng ta có thể hội chẩn được rất nhiều vấn đề!

- Tôi cũng thấy thế! Một số nhân vật nổi tiếng như Tào Tháo, Chu Du, Gia Cát Lượng, Trương Phi, Khương Duy tôi thấy họ bị mắc những căn bệnh khác nhau. Nếu họ sống ở thời đại ngày nay, nhiều người sẽ được chữa khỏi, họ sẽ thọ hơn, làm được nhiều việc hơn cho đời!

- Thật vậy! Trước hết tôi xin nói về Tào Tháo. Lần theo những trang sách, lúc cuối đời, ông ta bị chứng đau đầu kinh khủng, có mời danh y Hoa Đà đến khám và chữa bệnh. 

Hoa Đà đề nghị khoan sọ, nhưng Tào Tháo vốn đa nghi, cho là Hoa Đà mưu hại mình nên đã giam Hoa Đà vào ngục và giết chết. Nếu giải phẫu tử thi, tôi chắc Tào Tháo bị bệnh u não nên đau đầu. Ngoài ra có thể chẩn đoán vị trí khối u nằm ở thùy chẩm vì có triệu chứng ảo thị giác!

- Còn đối với Đại đô đốc Chu Du của Đông Ngô, tôi nghĩ ông ta đã bị loét dạ dày hoặc hoành tá tràng, biến chứng xuất huyết tiêu hóa nặng do bị... stress! 

Tại sao tôi chẩn đoán như vậy? Đó là khi Khổng Minh Gia Cát Lượng lấy Kinh Châu, nẫng tay trên của Chu Du sau trận đại thắng Xích Bích, lại đứng trên thành nói khích, khiến Chu Du tức hộc máu về đau mà chết. 

Chưa kể trước đó, ông ta đã có tiền sử bệnh này, lúc đang nằm nhà "nghỉ dưỡng" thì được Tôn Quyền mời ra làm tướng chỉ huy trận Xích Bích. Ngoài ra, Chu Du còn là một người vừa đố kỵ, vừa kiêu căng, nên khi bị "khích tướng" dễ dẫn đến "stress" mà thổ huyết như trên.

- Tôi đồng ý với ông. Cũng là bị thổ huyết nhưng Khổng Minh Gia Cát Lượng lại mắc bệnh khác. Ông là một nhà cầm quân thông thiên văn, tường địa lý, biết phép thuật, hiểu âm dương, tinh trận đồ, giỏi binh pháp. Nhưng xem lại bệnh sử, từ khi Lưu Bị phó thác con côi Lưu Thiện, Khổng Minh đã bẩy lần bắt và tha Mạnh Hoạch, sáu lần ra Kỳ Sơn hòng thu phục giang sơn cho nhà Hán nhưng bất thành, khiến ông lao tâm lao lực, làm việc quá độ, ăn ít, ngủ ít. 

Sau thất bại không hỏa thiêu được cha con Tư Mã Ý tại hang Hồ Lô, bệnh cũ của Khổng Minh tái phát. Ông đã nhiều lần thổ huyết. Do vậy, có thể chẩn đoán Khổng Minh bị lao phổi biến chứng do ra máu. Nếu ông được đưa đến... Bệnh viện Lao và bệnh phổi bây giờ để cấp cứu thì chắc chắn sẽ không phải dùng đến phép cầu sao trấn áp tướng tinh để tăng tuổi thọ.

- Thế Trương Phi mắc bệnh gì?

- Ông ta tính tình nóng nảy, ngủ mắt không nhắm do hai con ngươi lồi ra. Nguyên nhân có thể Trương Phi bị triệu chứng của bệnh bướu cổ lộ nhãn, bệnh... Ba dơ đô!

- Vậy còn Khương Duy - người kế tục sự nghiệp của Khổng Minh?

- Đây là một vị tướng tài. Khi kẻ địch mổ bụng phanh thây ra thì thấy túi mật to bằng quả trứng gà, quân lính thất kinh cho danh tướng này là "to gan lớn mật" hơn người! Dưới góc độ y học, tôi cho rằng Khương Duy có thể bị viêm túi mật do sỏi hoặc giun chui ống mật nhiều lần, làm cho túi mật viêm to như vậy!

Đến đây vị bác sĩ "châm ngòi" cho cuộc đàm đạo hôm nay nói:

- Còn nhiều nhân vật khác trong "Tam Quốc diễn nghĩa" mà chúng ta có thể chẩn đoán bệnh cho họ, nhưng đã đến giờ trực rồi, ta tạm dừng ở đây nhé. Hẹn dịp khác, chúng mình sẽ chẩn đoán và "giải phẫu" tiếp!...

Theo Khám phá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.