Chăm sóc “lá phổi” thế nào khi không khí bị ô nhiễm?

GD&TĐ - Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm môi trường tại Hà Nội lên tới mức báo động. Điều này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Hồng, trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp của Bệnh viện Lao Phổi Trung ương đã chia sẻ với Báo GD&TĐ về vấn đề này.

Khẩu trang đặc chủng có tác dụng ngăn bụi và vi khuẩn.
Khẩu trang đặc chủng có tác dụng ngăn bụi và vi khuẩn.

Khói bụi ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe

- Thưa bác sĩ, do nhiều nguyên nhân đã khiến mức độ ô nhiễm không khí, tại các thành phố như Hà Nội lên tới mức báo động. Vậy ô nhiễm không khí với khói bụi ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ con người?

Bụi trong không khí là những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung. Kích cỡ của bụi bình thường theo phân loại của quốc tế có các loại như: bụi PM10 (từ 2.5 tới 10 micromet), PM2.5 (dưới 2.5 micromet), PM1.0 (dưới 1 micromet) PM0.1 (nhỏ hơn 0.1 micromet) còn được gọi là bụi nanomet, bụi nano.

Nano là loại bụi nguy hiểm nhất, loại bụi này có thể xâm nhập rất sâu vào cơ thể con người.

Bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính đang được bác sĩ thăm khám.
Bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính đang được bác sĩ thăm khám. 

Trong cơ thể của con người, đường hô hấp là đường lưu thông giữa không khí từ môi trường vào cơ thể để trao đổi khí. Đó là một khoảng trống tự nhiên và có cả hệ thống bảo vệ cơ thể bao gồm hệ thống miễn dịch, hệ thống tế bào.

Với những hạt bụi có kích cỡ lớn sẽ bị hệ thống luân chuyển và các tác động vật lý ngăn chặn lại không cho xâm nhập vào sâu bên trong.

Nhưng những loại hạt bụi nhỏ dưới 10 micromet thì có thể xâm nhập vào phế quản và gây ra các bệnh lý như ho, sổ mũi… Trong đó, loại bụi nano nguy hiểm nhất có thể sẽ thâm nhập thẳng vào sâu trong cơ thể mỗi chúng ta.

- Với điều kiện môi trường khó bụi như vậy thì người dân có thể mắc những bệnh lý nào thưa bác sĩ?

Trong thời gian qua, môi trường ở Hà Nội rất bụi, chỉ số quan trắc AQI trên 170 như vậy là ở báo động đỏ. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tùy vào phản ứng nhạy cảm, mạnh hay yếu của cơ thể mà gây ra các triệu chứng khác nhau.

Tuy nhiên, điểm chung nhất đó là các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi… nặng hơn là gây ra các bệnh về tim mạch, các vấn đề phổi mãn tính… Và thông thường các bệnh lý sẽ tăng hơn ngoài dự đoán khi tiếp xúc với bầu không khí bị ô nhiễm.

- Thời gian khoảng 1 tuần trở lại đây, Bệnh viện Phổi TW đã tiếp nhận bao nhiêu trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp? Liệu điều này có liên quan tới vấn đề ô nhiễm không khí?

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Hồng, trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp của Bệnh viện Lao Phổi Trung ương 

Bệnh nhân nhập viện mắc các chứng bệnh về hô hấp có phải do ô nhiễm không khí hay không, chúng tôi chưa thể khẳng định.

Trong tuần qua, số lượng bệnh nhân vào nhập viện ở Bệnh viện Phổi trung ương dù không tăng đột biến so với tuần trước, nhưng đáng lưu ý là các bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính nhập viện đông hơn so với những tuần trước.

Có lẽ điều này một phần nào đó liên quan tới việc không khí ô nhiễm, tuy nhiên chúng tôi chưa có nghiên cứu cụ thể.

Người dân nên dùng loại khẩu trang nào?

- Hiện nay, để ngăn bụi nhiều người dân đang sử dụng các loại khẩu trang khác nhau, bán tại các quầy hàng, hoặc các hiệu thuốc. Vậy những khẩu trang này có an toàn cho người sử dụng không?

Thông thường, người dân có thói quen sử dụng nhiều loại khẩu trang khác nhau trong có khẩu trang y tế. Khẩu trang này mỏng nhưng thường được làm từ 3 lớp vải và được tiệt trùng rất kỹ càng có khả năng tránh những vi khuẩn, virut,.. trong bệnh viện. Nhưng cần nói thêm, khẩu trang y tế chỉ sử dụng trong y tế, còn đi ra đường không có tác dụng ngăn bụi.

Muốn tránh những tác động của sự ô nhiễm tới sức khỏe bản thân, người dân phải hiểu rõ: Trên thực tế kích thước của các loại bụi khác nhau, các hoạt chất gây bụi khác nhau thì sẽ có các loại khẩu trang đeo để phòng tránh ngăn cản được những hạt bụi đó.

Loại bụi từ 2,5 PM trở lên thì những khẩu trang chuyên dụng có thể ngăn ngừa. Nhưng đối với bụi dưới 1 PM và bụi nano thì khẩu trang gần như vô hiệu không có tác dụng ngăn cản.

- Vậy những loại khẩu trang nào an toàn đối với người sử dụng, giá thành có đắt không? Người dân có thể dễ dàng mua được loại khẩu trang này hay không thưa bác sĩ?

Khẩu trang mà chúng tôi khuyến cáo nên dùng hiện nay vẫn là khẩu trang than hoạt tính. Khẩu trang hoạt tính có 3 lớp, ở lớp giữa có than hoạt tính để trung hoà các chất. Với môi trường ô nhiễm, nếu đi liên tục ngoài đường thì nên thay khẩu trang 2 tiếng/1 lần.

Theo tôi biết giá tiền những khẩu trang hoạt tính không đắt chỉ khoản vài ngàn đồng và tác dụng của loại khẩu trang này khá tốt đối với sức khỏe con người và đã được Bộ y tế xác nhận. Loại khẩu trang này cũng khá thịnh hành trên thị trường, người dân có thể tìm mua không hề khó khăn.

Với những khẩu trang đặc chủng thì có thể ngăn cản bụi dưới 2,5 PM. Những khẩu trang này vi khuẩn và một số loại vi rút không thể xâm nhập qua được.

Nhưng loại khẩu trang này khuyến cáo sử dụng trong vùng bệnh dịch, vì nếu đeo hàng ngày sẽ gây khó thở cho người dùng. Khẩu trang này được sản xuất theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Lao động Hoa Kỳ.

- Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Giải pháp bảo vệ sức khỏe: Điều tốt nhất là không để môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, điều này là quá khó đối với những đô thị như ở Việt Nam Vì vậy mọi người khi đi ra đường cần có khẩu trang bảo hộ đúng cách; Nên chọn môi trường sống xung quanh có hồ nước, cây cối để cản, giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm như bụi xâm nhập;

Theo dõi những thông tin quan trắc về môi trường, nếu mức độ ô nhiễm trên 150 nên hạn chế đi ra ngoài nhất là trẻ em và người già; Đối với các gia đình có điều kiện nên trồng thêm cây cối, có cửa kính và điều hòa không khí để tránh những tác động ô nhiễm môi trường đến không gian sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ