Chăm lo cho nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
GD&TĐ - Sau dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà giáo nghỉ việc do áp lực công việc, trong khi lương không đủ trang trải cuộc sống.
Thầy Lê Thanh Liêm – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (Châu Thành A, Hậu Giang) và học trò trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC
Thầy Lê Thanh Liêm – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (Châu Thành A, Hậu Giang) và học trò trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC

Ngoài vấn đề nâng cao thu nhập, mong ước lớn nhất của nhà giáo là được sẻ chia và quan tâm, hỗ trợ cả về đời sống vật chất, tinh thần cũng như chuyên môn nghiệp vụ.

Những trắc ẩn…

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, thầy Nông Ngọc Trọng - giáo viên Trường THPT An Mỹ (Bình Dương) - không khỏi xót xa khi thấy nhiều đồng nghiệp xin nghỉ việc. Dù là bất cứ lý do gì, nhưng việc các thầy, cô giáo xin nghỉ dạy học cũng khiến thầy chạnh lòng và trắc ẩn.

Có lẽ mấu chốt của vấn đề nằm ở thu nhập và áp lực công việc. “Thu nhập của giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ mới vào nghề rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Trong khi đó, hàng ngày họ phải chịu áp lực từ nhiều phía” – thầy Trọng nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo thầy Trọng, nghề dạy học được xã hội “nâng niu”, xem trọng. Vì thế, khi đã chọn đứng trên bục giảng, mỗi thầy, cô giáo cần tự ý thức được những khó khăn thách thức và cả những kỳ vọng mà xã hội gửi gắm vào mình.

Song thầy Trọng cũng mong muốn, các cơ sở giáo dục, địa phương tiếp tục duy trì và lựa chọn cách thức tôn vinh nghề giáo một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn… Cùng với đó, Nhà nước cần có chế độ, chính sách tương xứng với đội ngũ nhà giáo, nhằm giữ chân và thu hút người giỏi theo nghề dạy học.

Đồng quan điểm, thầy Lê Thanh Liêm - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (Châu Thành A, Hậu Giang) - đề xuất, cần nâng lương/thu nhập cho nhà giáo để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Ngoài ra, có các cơ chế, chính sách giúp nhà giáo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, quan tâm đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ nhà giáo, tạo động lực để họ vượt qua khó khăn, áp lực và những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. “Làm được điều này sẽ giúp giáo viên chuyên tâm với nghề, tập trung vào nghiên cứu và đổi mới phương pháp dạy học” - thầy Liêm bày tỏ.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ nhà giáo, người lao động (NGNLĐ), ông Võ Quốc Thoại - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang - cho hay, Công đoàn ngành Giáo dục địa phương đã kịp thời có hỗ trợ thiết thực để nhà giáo yên tâm công tác.

Theo đó, 154 nhà giáo thuộc diện F0, F1 được hỗ trợ gần 120 triệu đồng, cùng các túi an sinh công đoàn. Hỗ trợ hơn 2.700 trường hợp nhà giáo bị ốm đau với số tiền gần 968 triệu đồng. Trao tặng 4 căn “Mái ấm Công đoàn” trị giá 120 triệu đồng... Ngoài ra, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang còn tổ chức Chuyên đề hướng dẫn và tư vấn sức khỏe hậu Covid-19 cho nhà giáo của các đơn vị trực thuộc...

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng quà cho các trường học tại huyện Côn Đảo.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng quà cho các trường học tại huyện Côn Đảo.

Đồng hành cùng nhà giáo

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã mở chuyên mục tư vấn, giải đáp ý kiến của cán bộ, NGNLĐ trên website, fanpage, Facebook. Qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của cán bộ, NGNLĐ trong ngành. Trên cơ sở đó, kiến nghị đề xuất với chính quyền, các cấp lãnh đạo có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo chế độ chính sách, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NGNLĐ.

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, Công đoàn ngành Giáo dục TP Hà Nội đã chủ động, sáng tạo trong triển khai Kế hoạch số 103/KH-CĐN của Công đoàn Giáo dục Việt Nam (Kế hoạch số 103) về phát triển đội ngũ, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo.

Ông Đỗ Văn Nam - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục TP Hà Nội - cho hay: Những năm qua, Công đoàn đã tham mưu với Liên đoàn Lao động thành phố và sở GD&ĐT để tổ chức ký kết phối hợp, chỉ đạo chuyên môn và công đoàn cấp dưới. Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô cũng ký quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện và Liên đoàn Lao động các quận, huyện đã ký kết với phòng GD&ĐT.

“Chúng tôi phối hợp với sở GD&ĐT xây dựng, chỉ đạo, triển khai Kế hoạch số 103 tới 30 phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc” – ông Nam thông tin, đồng thời khẳng định: Việc triển khai phối hợp đã tạo căn cứ pháp lý, là cơ sở để công đoàn và chuyên môn phối hợp chặt chẽ trong hoạt động từ cơ sở đến thành phố.

Cũng theo ông Nam, năm học 2021 – 2022, ngành Giáo dục Hà Nội đã tổ chức tập huấn 2 Bộ quy tắc ứng xử cho 250 hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn các đơn vị trực thuộc.

Đặc biệt, những năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị đã tranh thủ lợi thế trong thời gian giãn cách xã hội, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng “Trường học hạnh phúc” bằng hình thức trực tuyến tới 100% cán bộ, NGNLĐ.

“Có thể nói, qua 3 năm triển khai Kế hoạch số 103, nhiều mô hình hay, sáng tạo được biểu dương, lan tỏa. Từ đó, giúp các đơn vị nâng cao chất lượng đội ngũ và giáo dục. Các nhà trường từng bước xây dựng vững chắc Trường học hạnh phúc” – ông Nam chia sẻ.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực trong lao động nghề nghiệp của NGNLĐ, ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – cho hay, Công đoàn ngành đã tổ chức Chương trình livestream “Đồng hành cùng nhà giáo” trên fanpage; trong đó có nhiều chủ đề được NGNLĐ quan tâm như: Hỗ trợ tâm lý cho giáo viên trong mùa dịch Covid-19; Hỗ trợ giáo viên tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; Trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm, quản trị cảm xúc trong giáo dục học sinh…

Cũng theo ông Ân, điểm sáng trong các chương trình công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam là chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NGNLĐ. Năm học 2021 - 2022, Công đoàn đã ký thỏa thuận hợp tác với 5 doanh nghiệp đem lại nhiều quyền lợi cho cán bộ NGNLĐ.

Ngoài ra, trích 99 triệu đồng từ “Quỹ Xã hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam” và các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ 5 đơn vị trang bị đồ dùng cho nhà công vụ giáo viên; Hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng cho các đơn vị thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, khắc phục thiệt hại do thiên tai và hỗ trợ cho NGNLĐ bị tử vong, bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Món chi chi của ngoại

GD&TĐ - Cốc nước chi chi của ngoại có vị ngòn ngọt nơi cuống họng, thơm thơm ngay đầu mũi làm con mê mẩn từ lúc lên ba, lên bốn.