Chấm dứt lùng nhùng thu chi

GD&ĐT - Cứ mỗi đầu năm học, ở nơi này nơi kia lại rộ lên việc thu chi đầu năm không đúng quy định, làm phụ huynh bức xúc. Tình trạng này không chỉ làm xấu đi hình ảnh nhà trường mà còn làm giảm lòng tin của xã hội vào ngành giáo dục.

Một buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học
Một buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học

Không phải ngẫu nhiên mà mới vào đầu năm học Bộ GD&ĐT đã có hai văn bản liên quan việc thu chi. Một là văn bản gửi các sở GD&ĐT nhắc nhở việc thu chi đầu năm:

“Các địa phương cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm”. Hai là văn bản của Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu thanh tra các sở tiến hành thanh tra việc thu chi trong các cơ sở giáo dục.

Thực tế là trong nhà trường hiện tồn tại nhiều khoản thu ngoài học phí. Trong đó có những khoản thu đúng quy định như tiền học buổi thứ hai, tiền học bán trú, tiền học các môn năng khiếu, ngoại ngữ… Tuy nhiên, cũng còn nhiều khoản thu sai quy định. Các khoản thu này thường núp bóng hội cha mẹ học sinh hoặc chủ trương xã hội hóa giáo dục để vận động phụ huynh “tự nguyện” đóng góp, trong đó có những khoản lên tới vài triệu đồng.

Lạm thu là từ mà truyền thông gán cho tình trạng thu tràn lan ngoài quy định của các cơ sở giáo dục. Lạm thu trở thành nỗi ám ảnh phụ huynh vào mỗi đầu năm học. Dư luận bày tỏ sự bất bình nhưng căn bệnh lạm thu hầu như chưa chấm dứt.

Có ý kiến giải thích lạm thu là do ngân sách eo hẹp trong khi nhu cầu hoạt động giáo dục lớn. Nhưng có thời nào ngân sách được cấp đủ đâu; tại sao những năm đất nước còn khó khăn không hề có lạm thu... Vì vậy, giải thích như trên chỉ là cách chống chế cho một việc làm sai trái. Vấn đề lạm thu nảy sinh từ nhận thức của lãnh đạo nhà trường vì lợi ích cục bộ và việc xử lý chưa nghiêm của ngành, trong đó có trách nhiệm của thanh tra giáo dục.

Mặt khác, nếu ngày trước trong trường học chỉ tập trung vào công tác giảng dạy thì nay có xu hướng... mở cửa cho thị trường tràn vào. Như vào mỗi đầu năm học, nhiều trường tranh thủ bán từ đồng phục, cặp sách, giày dép đến từng nhãn vở, giấy bao tập… Khổ nỗi giá cả do nhà trường đưa ra thường cao hơn thị trường nhưng chất lượng thấp hơn.

Phụ huynh muốn ra ngoài mua nhưng không ai bán. Thế là phụ huynh ấm ức, phản ứng, phàn nàn. Nhưng phàn nàn thì cứ phàn nàn, còn trường học với các hoạt động mua bán như vậy đang có xu hướng lan rộng. Vấn đề đặt ra là vì một nguồn lợi nhỏ mà phải đánh đổi niềm tin phụ huynh, liệu có đáng không?

Ngoài ra, tình trạng lạm thu, mua bán làm cho hình ảnh nhà trường xấu đi. Mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa ra văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục từ năm học mới này không giao cho giáo viên đứng ra thu tiền hoặc nhắc nhở đóng tiền. Đây là nhiệm vụ của bộ phận kế toán tài vụ chứ không phải của giáo viên. Giáo viên đứng ra thu tiền khiến hình ảnh người thầy bị xấu đi trong mắt học sinh. Xã hội cho rằng đây là một văn bản không đáng có nếu nhà trường làm tốt công tác thu chi ngay từ đầu.

Nhưng không thể bảo vệ hình ảnh của người thầy bằng chỉ một văn bản mà phải xem lại các khoản thu trong nhà trường. Các khoản thu cần được tổ chức lại theo hướng càng ít khoản càng tốt. Ngay bây giờ các địa phương cần ngồi lại xem xét những khoản nào được thu, nên gộp vào một khoản chung gọi là dịch vụ giáo dục. Dịch vụ giáo dục cho mỗi cấp học, mỗi lớp, mỗi vùng miền. Nên làm sớm và ban hành thống nhất, công khai. Mặt khác, khi có quy định rạch ròi thì những nơi làm sai sẽ lộ ngay, việc xử lý không đến nỗi quá khó khăn như hiện nay.

Ra hai văn bản liên quan vấn đề thu chi đầu năm học mới, ắt hẳn Bộ GD&ĐT muốn gửi đi một thông điệp cứng rắn: Cần chấm dứt sự lùng nhùng trong vấn đề thu chi. Hãy tạo một bộ mặt mới để xây dựng niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục như gửi gắm của Bộ trưởng trong phát biểu triển khai năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.