Ở đây chúng ta không bàn về nguyên nhân vụ nổ này, mà là sự bất hợp lý khi để tồn tại các điểm thu mua phế liệu ngay trong khu dân cư đông đúc, nguy cơ cháy, nổ rất cao và gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Có thể khẳng định rằng, việc mua bán phế liệu chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Nhiều điểm thu mua phế liệu mọc tự phát ngay giữa các khu dân cư đông đúc mà không bị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, nhất là về mức độ an toàn cháy, nổ.
Nước ta vẫn còn rất nhiều bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Đây cũng là nguồn phế liệu rất “dồi dào”, nhiều nơi người dân coi việc tìm kiếm phế liệu kể cả bom, mìn là nguồn sống, kế mưu sinh.
Nguy hiểm hơn các điểm thu mua phế liệu không chỉ mua các loại phế liệu thông thường, mà họ còn mua từ mảnh bom đạn đã nổ và cả bom, mìn chưa nổ.
Mặc dù nhiều người biết mua bán, tàng trữ bom, mìn và các phế phẩm từ bom, mìn là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Tuy nhiên, vì chủ quan, hám lợi nên nhiều người “liều mạng”, bỏ qua các nguyên tắc an toàn cháy, nổ khi mua bán, tàng trữ bom mìn, phế liệu chiến tranh.
Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ kinh hoàng, gây thương vong lớn về người, thiệt hại lớn về tài sản liên tiếp xảy ra từ các điểm thu mua phế liệu.
Đã đến lúc phải kiên quyết đưa các điểm thu mua phế liệu ra xa các khu dân cư để phòng tránh ô nhiễm, cháy nổ. Đồng thời, để nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy nổ đe dọa tính mạng, sức khỏe và gây thiệt hại đối với tài sản của người dân, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc việc tàng trữ, mua bán vật liệu nổ, bom, mìn sót lại sau chiến tranh của các chủ vựa ve chai thu mua phế liệu.