Chậm công nhận Mường Phăng là An toàn khu cách mạng?

GD&TĐ - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa vào quá khứ được 67 năm. Nhưng đến tận hôm nay, Mường Phăng vẫn mỏi mòn chờ được công nhận là xã An toàn khu cách mạng.

Lán tác chiến tại di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lán tác chiến tại di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm tháng qua đi, trên - dưới đổ cho nhau, hồ sơ công nhận cứ thế mà khất lần…

Quyền và lợi ích chính đáng

Ngày 24/3/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chủ trương này nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh và thực thi đồng bộ các chính sách.

Qua đó, tri ân, nâng mức sống cả về vật chất và tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân sống trong các xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước và của từng địa phương. Đồng thời là bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng của chiến khu An toàn khu cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) là nơi có Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi vị tướng tài ba Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), đến nay gần 70 năm trôi qua, người dân xã Mường Phăng vẫn chờ đợi một ngày xã được công nhận là xã An toàn khu cách mạng. Bởi nếu công nhận xã An toàn khu cách mạng, người dân sẽ được hỗ trợ bảo hiểm y tế và nhiều chính sách khác. Ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước thì đó còn là niềm tự hào của đồng bào Mường Phăng.

Trước đó, năm 1954 xã Mường Phăng là nơi được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm căn cứ cách mạng quan trọng. Nơi đây được đặt làm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, phục vụ cho cuộc chiến chống Pháp.

Đồng bào mong mỏi là vậy, cán bộ cấp xã, huyện cũng đôn đáo chuẩn bị hồ sơ. Song, nhiều năm qua bộ hồ sơ trọn vẹn để trình lên cấp có thẩm quyền vẫn chưa thể hoàn tất.

Ông Lò Văn Biên (con trai của cụ Lò Văn Bóng, người tham gia bảo vệ an ninh vòng ngoài kiêm liên lạc cho Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng chia sẻ: Suốt bao nhiêu năm qua, Mường Phăng chờ mãi mà xã tôi vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu cách mạng.

Đại diện cho chính quyền sở tại, ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, cho biết: Tôi mới đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch UBND xã Mường Phăng hồi đầu năm 2020. Nghe nói trước đây Phòng Nội vụ, huyện Điện Biên cũng đã lập hồ sơ xã An toàn khu cách mạng của xã Mường Phăng. Hiện nay, Phòng Nội vụ của TP Điện Biên Phủ làm tiếp nội dung này (xã Mường Phăng thuộc huyện Điện Biên, sáp nhập về thành phố từ ngày 1/1/2020). 

Mường Phăng là một trong số những xã thuộc diện khó khăn của TP Điện Biên Phủ.
Mường Phăng là một trong số những xã thuộc diện khó khăn của TP Điện Biên Phủ.

Trên ngóng, dưới mong…

“Từ năm 2017 đến nay, trong nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, chúng tôi đề nghị, kiến nghị huyện Điện Biên để xã Mường Phăng trở thành xã An toàn khu cách mạng. Nhưng từ đó đến nay, xã cũng chưa nhận được thông báo hay công văn chỉ đạo gì về việc hướng dẫn, phối hợp với các phòng ban chuyên môn thu thập tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở hoàn tất hồ sơ, thủ tục... trình cấp có thẩm quyền. Hiện nay, chúng tôi cũng không biết đã có hồ sơ chưa; hồ sơ, thủ tục làm đến đâu và gồm những gì. Nên chúng tôi chỉ biết chờ đợi thôi”, ông Hợp chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Đình Duy, chuyên viên Phòng Nội vụ, TP Điện Biên Phủ là người trực tiếp hoàn tất hồ sơ thủ tục xã An toàn khu, xã Mường Phăng. Ông Duy cho biết, bản thân ông cũng đang chờ xã Mường Phăng thu thập thông tin để gửi về Phòng Tổng hợp. Từ đó mới có cơ sở gửi Sở Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền.

Nghĩa là khi chính quyền xã Mường Phăng đang trông chờ vào các phòng chuyên môn của thành phố hỗ trợ hoàn tất hồ sơ thì cơ quan chuyên môn của thành phố cũng đang chờ ngược lại. Có lẽ đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho xã Mường Phăng mãi vẫn chưa được Thủ tướng công nhận là xã An toàn khu cách mạng.

Trước đó, ngày 29/12/2020, UBND TP Điện Biên Phủ có Văn bản số 2003/UBND-NV, gửi Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, về việc đề nghị gia hạn thêm thời gian để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận xã An toàn khu. Theo văn bản trên, thời gian hoàn thành là đến ngày cuối quý IV, năm 2021.

Trong khi cơ quan chuyên môn vẫn đợi, người dân vẫn “ra ngóng, vào trông” thì hơn ai hết, đồng bào các dân tộc Mường Phăng vẫn luôn mong muốn chính quyền TP Điện Biên Phủ chỉ đạo các phòng chuyên môn nhanh chóng hoàn tất hồ sơ trình lên các cấp có thẩm quyền.

Họ mong mỏi hồ sơ sẽ sớm đến với Chính phủ để căn cứ cách mạng xưa được công nhận là An toàn khu cách mạng. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của đồng bào nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.