Cha mẹ "đồng hành" vào lớp 1

Cha mẹ "đồng hành" vào lớp 1

(GD&TĐ) - Đang có chung tâm trạng có con sắp được vào lớp một, chị Thuận Sơn - Bảo tàng Phụ nữ VN không giấu được nỗi băn khoăn: Mình không  muốn theo trào lưu chung là cho con đi học trước vì nghe các chuyên gia giáo dục phân tích  việc đi học trước dễ làm trẻ mất đi sự hứng thú khám phá, tìm hiểu  điều mới lạ. Khi được học trước rồi trẻ sẽ bị giảm niềm ham thích đến trường, không háo hức tìm tòi khám phá thế giới xung quanh. Kiến thức được trang bị trước cũng "lỗ mỗ", thiếu động cơ học tập sẽ dễ khiến đứa trẻ tuy đã đọc thông viết thạo đấy nhưng có khi lại "giậm chân tại chỗ", không tiến bộ bằng những bạn khác. 

Chị Thuý Loan - Phố Tôn Đức Thắng- quận Đống Đa - Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm sau khi đã rút được bài học từ việc cho con đi học trước. "Năm trước, khi con gái sắp đi học lớp 1 tôi cũng cạy cục xin cho cháu đi học  trước ở nhà một cô giáo tiểu học và xin cho cháu vào lò luyện viết chữ đẹp của "thầy Vinh" ở Khâm Thiên. "Đầu tư" là vậy  nhưng không hiệu quả. Lớp học luyện chữ đẹp thì đông, đủ mọi trình độ, lứa tuổi, từ học sinh tiền lớp 1 đến cả các anh chị THCS, cả mấy cô cậu SV. Thầy giỏi nhưng trò đông nên cũng chẳng rèn cho cháu tập trung luyện kỹ năng cầm bút được. Học thầy viết vở 4 ly nhưng đến khi vào học, nhà trường lại yêu cầu viết vở 5 ly. Thế là  "đan đi không tày giặm lại", cháu lại phải tập viết lại từ đầu. Không những công cốc mà còn mất bao nhiêu thời gian mới uốn nắn lại được. 

Cha mẹ "đồng hành" vào lớp 1 ảnh 1

Vào năm học thời gian đầu phải học lại những cái đã biết khiến cháu chủ quan, mất tập trung chú ý. Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho việc tiếp thu các môn học khác. Chương trình lớp 1, không chỉ có tập viết, học toán, đọc thông viết thạo là đủ, mà trẻ phải học đủ 9 môn: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Thể dục, Nghệ thuật (trong nghệ thuật có 3 môn là Âm nhạc, Mỹ thuật và Thủ công). Theo chị Loan: Ở lớp con gái chị, những cô cậu học trò nào không được bố mẹ cho đi học trước tuy thời gian đầu có chuệch choạc, chật vật  hơn thật nhưng qua một học kỳ  bọn trẻ cũng đuổi kịp nhau cả.                            

Chị Loan khẳng định:  Ngay cả có cho con đi học trước thì các cô giáo cũng không thể thay các bậc phụ huynh chuẩn bị đầy đủ cho trẻ các kỹ năng như: Tư thế ngồi đúng, tư thế cầm bút đúng, tập trung chú ý cao, các kỹ năng về âm nhạc, tạo hình... Nếu phụ huynh  không biết quan tâm, đầu tư và chuẩn bị đúng hướng.cho con thì việc cho đi học trước cũng không cho kết quả mong đợi. Việc chuẩn bị cho con vào lớp 1 phải được thực hiện từ ngay lứa tuổi mầm non, các cháu phải được bố mẹ rèn cho nề nếp  trong học tập, trong sinh hoạt và trau dồi nhận thức chứ không chỉ một sớm một chiều hoặc vài tháng gửi vào lò "luyện học sinh lớp 1"...                                                                                                                                        

Khác với nhiều phụ huynh có quan điểm "cứ cho con đi học trước cho chắc", chị Thu Giang - Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cho rằng nhiều phụ huynh cho con đi học trước là vì lười,  vì phụ huynh không đủ kiên nhẫn ngồi kèm con học ở nhà. Muốn con học hành tấn tới, không thể phó mặc cho giáo viên. Giáo viên chỉ là người dạy con điều mới còn bố mẹ phải giúp con mình hoàn thiện điều cũ. Tôi tin nếu phối hợp tốt sẽ chẳng có đứa trẻ nào học dốt cả. Buổi học đầu tiên của con, tôi đến trường đón con từ sớm, gặp con tôi hỏi "Hôm nay con ở lớp thế nào?". Cháu lo lắng kể: "Cô giáo hỏi: Trong lớp những bạn nào chưa biết đọc, chưa biết viết thì giơ tay. Cả lớp chỉ có con và hai bạn nữa giơ tay thôi. Các bạn khác thấy thế thì cười ồ lên, con thấy xấu hổ lắm mẹ ạ. Sao các bạn khác thì đều đã biết đọc, biết viết, còn con thì chưa hả mẹ?"

Nghe con kể vậy, chị Giang cũng thấy hoang mang. "Hai tháng đầu con trai tôi thuộc dạng kém trong lớp, tôi  liên tục gọi điện hoặc trực tiếp gặp giáo viên để biết con mình kém ở môn nào, phần nào, tối về tôi giúp cháu hoàn thiện chỗ cháu chưa hiểu khi cô dạy. Hàng ngày đưa đón con đi học, quan sát các bậc phụ huynh khác ở cổng trường, tôi thấy  họ đang "làm hộ" con rất nhiều,  nào cầm cặp, buộc dây giầy, dắt tay, ép ăn thêm quà bánh... Vì muốn con sớm độc lập, từ mẫu giáo tôi đã dạy con phải tự cầm đồ đạc, tự đi dép, tự dọn đồ chơi khi chơi xong. Tôi  động viên con tự làm mọi việc dù nhỏ nhất. Ngoại trừ vấn đề "chưa đọc thông viết thạo" những ngày đầu nhập học thì cháu hoàn toàn tự tin và háo hức bước vào lớp 1. Tôi tập cho cháu thói quen ngồi vào bàn học đúng giờ, ba tháng đầu rất vất vả nhưng khi cháu học hành có nề nếp tôi nhàn hơn và hiện tại cháu đang là học sinh giỏi của trường..."                             

Thực tế cho thấy chẳng ai có nhiều thời gian hơn ai cả. Chỉ cần biết tận dụng thời gian và sử dụng hợp lý thì các bậc phụ huynh nào cũng có thể hỗ trợ, đồng hành với con. Không cần cho con đi học trước nhưng có thể giúp trẻ có tâm thế và  rèn cho con mình hướng về việc học tập, sẵn sàng cho việc tiếp thu cái mới.

Ở bậc học mầm non, mọi hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi, " chơi mà học, giờ chuyển ngay sang hoạt động chủ đạo là học tập - năm học đầu  tiên đặt nền móng của cả một quá trình lâu dài sau này, nếu không chuẩn bị tốt mà con mình chuệch choạc dù chỉ một học kỳ đầu thôi thì cũng gay go rồi...  Nhiều gia đình lo lắng, bị cái tâm lý sợ  "con mình thua bạn kém bè" chi phối nên mới tạo "bước giậm đà" đi học trước lớp 1 cho trẻ. Vào diễn đàn trao đổi với các bậc phụ huynh khác, thấy một số người ủng hộ quan điểm không nên cho trẻ đi học trước vì học trước là phản khoa học chị Sơn cũng bị "thuyết phục". 

Kim Lê 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ