Tránh các yếu tố gây phân tán
Để con hoàn toàn tập trung làm bài tập, bạn phải loại bỏ các yếu tố có thể khiến trẻ sao nhãng. Tiếng chuông điện thoại kêu liên tục, tiếng tivi, tiếng nhạc hoặc tiếng trẻ em chơi đùa xung quanh có thể là “thủ phạm” khiến con bạn mất tập trung.
Môi trường học tập yên tĩnh là yếu tố đầu tiên giúp trẻ chăm chú vào việc học. Nếu cần, hãy thay đổi một số thói quen sinh hoạt của gia đình hoặc bố trí thời gian biểu hợp lý để con trẻ có được môi trường học tập tốt nhất.
Để con hoàn toàn tập trung làm bài tập, cha mẹ phải loại bỏ các yêu tố có thể khiến trẻ sao nhãng |
Góc học tập tăng hứng thú
Hãy dành một khu vực yên tĩnh trong nhà làm góc học tập cho trẻ. Góc học tập phải đảm bảo đủ ánh sáng, thoáng mát, sách vở và dụng cụ học tập được sắp xếp gọn gàng.
Cha mẹ có thể cùng con trang trí góc học tập phù hợp với sở thích của trẻ để trẻ hứng thú hơn với việc học. Ngoài ra, hãy quy định giờ học bài mỗi tối để con bạn hình thành thói quen ngồi học đúng giờ. Bằng cách đó, bạn sẽ không phải nhắc nhở hoặc giục con học bài.
Sớm đặt ra những quy tắc cơ bản
Ngay từ đầu, cha mẹ hãy thiết lập những quy tắc và trao đổi với con về việc học. Hãy làm rõ với trẻ rằng con phải dành đủ thời gian cho việc tự học. Giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc làm bài tập về nhà cũng thời hạn phải hoàn thành, từ đó con bạn sẽ dần hình thành thói quen tự giác học.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên nhiệt tình hỗ trợ và giúp đỡ trẻ với những câu hỏi khó để trẻ không cảm thấy nản và chán học. Kiên nhẫn gợi ý để con tự tìm ra lời giải và khơi gợi sự tìm tòi, khám phá ở trẻ.
Cha mẹ cũng cần khen ngợi và dành tặng cho trẻ những phần thưởng hợp lý cho các điểm số mà trẻ đạt được |
Không cố kiểm soát
Việc bạn nghiêm khắc với con trong học tập là cần thiết, song điều đó không có nghĩa là bạn tìm cách để kiểm soát mọi hoạt động, hành vi của trẻ. Nếu bạn dùng uy quyền để ép con phải hoàn thành bài tập thì trẻ rất dễ có biểu hiện học kiểu chống đối hoặc thậm chí là ghét học.
Vì vậy, thay vì bắt ép con, cha mẹ hãy tìm hiểu tâm lý của trẻ và giúp con vượt qua cảm giác chán học. Điều quan trọng là cha mẹ phải kiên trì, nhẫn nại, tránh hành vi áp đặt, kiểm soát trẻ. Hãy giúp con nhận thức được những hậu quả khi lười học để chúng hiểu được trách nhiệm của bản thân và từng bước khích lệ hứng thú học tập ở trẻ.
Khích lệ, động viên
Trẻ nhỏ có thể chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc tự làm bài tập về nhà nên sự khích lệ, động viên của cha mẹ là thực sự cần thiết. Cha mẹ hãy từng bước giúp con hiểu được giá trị của việc học tập chăm chỉ và khuyến khích trẻ nỗ lực để đạt kết quả học tập tốt.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần khen ngợi và dành tặng trẻ những phần thưởng hợp lý cho các điểm số tốt mà trẻ đã đạt được. Không nhất thiết đó phải là những món quà giá trị, đơn giản chỉ là cho trẻ có thêm thời gian chơi đùa với bạn bè hay thưởng thức món ăn khoái khẩu một cách thoải mái.