Cha mẹ đầu tư “tận răng”, đua nhau kiếm tiền từ hình ảnh con trên mạng xã hội

Vẻ thơ ngây, biểu cảm ngộ nghĩnh của những đứa trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội luôn dễ dàng "đốn tim" người theo dõi. Và đó còn là nguồn lợi hấp dẫn của các bậc cha mẹ.

Ở độ tuổi còn rất nhỏ, không hiếm những đứa trẻ trở thành cái tên "hot" trên Instagram nhờ vẻ ngoài đáng yêu, biểu cảm dễ thương. Ảnh: Indian Express.
Ở độ tuổi còn rất nhỏ, không hiếm những đứa trẻ trở thành cái tên "hot" trên Instagram nhờ vẻ ngoài đáng yêu, biểu cảm dễ thương. Ảnh: Indian Express.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Atlantic, đề cập đến câu chuyện sự bùng nổ của mạng xã hội khiến nhiều cô bé, cậu bé nhỏ tuổi trở thành cái tên phủ sóng mạnh mẽ trên Internet. Đằng sau những khuôn mặt đáng yêu, những bộ quần áo trẻ con dễ thương là không ít sự đầu tư, xây dựng hình ảnh của cha mẹ.

Khi Ryker Wixom gõ tên mình trên Google, cậu bé 8 tuổi không khỏi cảm thấy bất ngờ. Các kết quả hiện ra đầy ắp hình ảnh của Ryker từ lúc mới chỉ chập chững biết đi cho đến video ghi lại cảnh cậu đang cố gắng thực hiện một trò ảo thuật.

Thông tin về cậu bé cũng được đăng tải trên một trang web chuyên cập nhật sinh nhật của người nổi tiếng.

“Khi chưa gõ tên đầy đủ, hàng loạt bức hình của em đã hiện ra. Còn khi em thử gõ tên của người bạn cùng lớp, tất cả những gì tìm được chỉ là tên một vị tổng thống cũ nào đó trùng tên”, Ryker thích thú nói.

Mẹ của Ryker, bà Collette, cho hay: “Thằng bé về nhà và hỏi tôi liệu nó có phải người nổi tiếng. Tôi trả lời là không hẳn nhưng nhiều người biết con là ai. Bạn bè của Ryker nhìn vào và nghĩ điều thằng bé có thật tuyệt vời”.

Quyền lực trên mạng của các “ngôi sao” nhí

Ryker luôn biết mẹ mình có sở thích chụp hình con cái, nhưng chưa bao giờ rõ về độ phủ sóng của mình trên mạng xã hội. Trên thực tế, tài khoản do mẹ Ryker lập chuyên để đăng tải hình ảnh của 3 cậu con trai thu hút đến hơn 300.000 lượt theo dõi trên Instagram.

Hình ảnh Ryker và 2 người em nhỏ tuổi hơn trong các trang phục nam giới được may lại theo kích cỡ trẻ con, chơi đùa trên bãi biển hay trên các cánh đồng xanh tươi, luôn nhận được lượng “thả tim” lớn từ cộng đồng mạng.

Khi Collete bắt đầu tải lên những bức hình đầu tiên của Ryker, cô đang làm công việc kinh doanh kỷ yếu. Giờ đây, nguồn thu nhập chủ yếu đến từ Instagram và Youtube, nơi ngập tràn hình ảnh của cuộc sống gia đình cô, nhờ vào việc kết hợp với nhiều nhãn hàng khác nhau.

Những “ngôi sao” nhí trên mạng xã hội như Ryker có thể xuất hiện trên trang cá nhân của cha mẹ, hoặc sở hữu kênh riêng đứng tên mình.

Tựu trung lại, hình ảnh các cô bé, cậu bé lung linh trên mạng đều là kết quả của sự đầu tư và điều hành công việc đằng sau hậu trường của cha mẹ.

Nuôi dạy con và sáng tạo nội dung từ lâu đã cùng tồn tại song hành. Kể từ “thuở sơ khai” với hình thức blog chia sẻ của những người mẹ, cuộc sống hàng ngày của các em bé và những mặt hàng liên quan đến đối tượng này đã trở nên phổ biến trên Internet.

“Khi các phương tiện trực quan như Instagram lên ngôi, việc kiếm tiền trở nên dễ dàng hơn thông qua việc chia sẻ hình ảnh của con cái thay vì đơn thuần chỉ là câu chuyện kinh nghiệm nuôi dạy con”, Crystal Abidin, nhà nhân chủng học tại Đại học Deakin (Australia), đánh giá.

Cha mẹ đầu tư tận răng

Đăng tải một bức hình có thể đơn giản hơn là viết blog, nhưng lại đòi hỏi nhiều bước chuẩn bị phức tạp hơn để có được ảnh chất lượng.

“Khi càng ngày càng có nhiều đứa trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội, các bậc phụ huynh lại càng phải đầu tư hơn cho hình ảnh của con. Trước kia, việc đứa trẻ trải qua quá trình thử nghiệm sản phẩm được chú trọng nhưng giờ chúng chủ yếu thành nhân vật để chụp ảnh”, bà Crystal cho biết.

Theo nghiên cứu của nhà nhân chủng học này, cuộc sống của các cô bé, cậu bé thu hút được lượng người theo dõi lớn nhờ vào việc cha mẹ luôn cố gắng “bắt trọn” các khoảnh khắc chân thực, giản dị.

Quần áo màu sắc, bắt mắt, tạo dáng tự nhiên, nụ cười hồn nhiên là những “công thức” quen thuộc cho một bức hình trẻ con đẹp. Mặt khác, những đứa trẻ vẫn sinh hoạt theo thời gian biểu quen thuộc nên bố mẹ có thể lên kế hoạch chụp lại, quay lại từng hoạt động của con.

Để tăng độ nổi tiếng cho con, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng chi tiền thuê ekip chuyên nghiệp. Ảnh: NY Times.

Người mẹ tên Mia Foos biến các thói quen của cô gái Vada, chẳng hạn như đi dạo chơi, thành những buổi chụp hình ngẫu hứng. Cô bé 5 tuổi thường xuyên được mẹ cho diện nhiều bộ cánh thời trang bắt mắt.

Hiện tại, Vada được trả tiền để tự chọn váy vóc, áo khoác, phụ kiện từ các nhãn hàng gửi đến để tạo dáng rồi đăng ảnh lên Instagram.

Người mẹ quản lý toàn bộ công việc của Vada trên mạng xã hội mà không thông qua công ty trung gian nào. “Với mỗi bài đăng, con bé có thể kiếm được từ 100-5.000 USD”, cô Mia chia sẻ.

“Cô bé không hề biết đến sự hiện diện của mình trên mạng. Mỗi lần chụp ảnh, tôi chỉ đơn thuần bảo đấy là hoạt động vui vẻ của mẹ nó. Tôi cũng luôn xin phép con trước khi chụp và hiếm khi chụp lâu hơn 5 phút”, người mẹ nói thêm.

Những cô bé dễ dàng "đốn tim" cư dân mạng nhờ các bộ quần áo, phụ kiện được cha mẹ chuẩn bị công phu, cập nhật liên tục. Ảnh: Instagram.

Ardola Dedukaj đã chụp và chia sẻ hình ảnh của cô con gái Laerta lên Instagram từ khi cô bé mới 4 tuổi. Với người mẹ này, công việc này ban đầu đơn thuần nhằm ghi lại các khoảnh khắc hai mẹ con chơi trò ăn diện thời trang và nhằm giúp cô gắn kết hơn với con mình.

Với số lượng theo dõi lên đến hơn 1 triệu người, mỗi bài đăng gắn mác “nhãn hàng tài trợ” của Laerta có thể giúp mẹ cô “bỏ túi” ít nhất 1.000 USD.

“Có lẽ, tôi sẽ để con bé tự quản lý tài khoản của mình khi nó 15 tuổi”, cô Ardola cho hay.

"Thật không công bằng với con bé"

Tuy nhiên, khi cha mẹ kiếm được số tiền không nhỏ bằng cách đăng hình ảnh của con cái họ, ranh giới giữa công việc và mục đích cho vui trở nên khó rạch ròi.

Trong khi nước Mỹ có luật riêng bảo vệ các diễn viên nhí để cha mẹ không có quyền sở hữu toàn bộ thu nhập của con, không có hướng dẫn nào tương tự với những đứa trẻ kiếm tiền từ mạng xã hội. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về bậc phụ huynh.

Mặt khác, niềm vui của trẻ em có thể mau chóng biến thành công việc bắt buộc nếu cha mẹ chúng không cẩn thận.

Cô Mia từng cảm thấy hối hận khi bắt con gái thức dậy vào ngày nghỉ để đi chụp ảnh. “Điều đó thật không công bằng với con bé”, người mẹ thú nhận.

Cô Ardola cũng từng hủy bỏ lần dự sự kiện của con gái Laerta khi cảm thấy mình đang đặt quá nhiều áp lực lên con.

Hầu hết bố mẹ của những "ngôi sao" nhí trên mạng xã hội đều khẳng định kiểm soát được tác động của danh tiếng đến cuộc sống và tuổi thơ của con cái. Ảnh: Pinterest.

Một câu hỏi khác được đặt ra: Khi các “ngôi sao” nhí này lớn lên, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của cha mẹ, liệu chúng có hài lòng với việc hình ảnh của bản thân được “phơi bày” rộng rãi ngay từ lúc bé?

Princeton Cannon, cậu bé nhận được hàng nghìn USD quảng cáo ở độ tuổi lên 10, hoàn toàn nhận thức được công việc làm mẫu trên Instagram của mình.

Những buổi chụp hình, các sự kiện độc quyền, việc lựa chọn trang phục mỗi ngày khiến cậu băn khoăn hỏi mẹ: “Liệu người hâm mộ của con hoàn toàn ủng hộ những chuyện này?”.

Cô Keira, mẹ của Princeton, cho biết theo thời gian, cậu bé dần thích tự kiểm soát những thứ đăng lên Instagram.

Giờ đây, người mẹ cố gắng không để máy ảnh xuất hiện khi cả nhà ở cùng nhau. Cô cũng không còn ghi lại các hoạt động thường ngày của con trai như nướng bánh hay làm bài tập về nhà.

Hầu hết bậc cha mẹ của những “ngôi sao” nhí trên mạng xã hội đều khẳng định con cái tham gia nhiệt tình vào công việc chụp lại các bộ trang phục hay ghi hình hoạt động vui chơi thường ngày.

Họ cũng nhấn mạnh rằng đến một thời điểm khi những hào quang này chấm dứt, cuộc sống của những cô bé, cậu bé này sẽ trở về bình thường.

“Tôi khó có thể nói điều gì chắc chắn về tương lai. Tôi chỉ có thể nói hiện tại, Laerta thực sự rất yêu thích thời trang và tôi làm tất cả để con bé được hạnh phúc”, cô Ardola cho biết.

Cho đến lúc đó, kế hoạch xây dựng nội dung trên mạng đã kín lịch và các thương hiệu vẫn ồ ạt tìm đến những cô bé, cậu bé nổi tiếng.

“Đây không phải là chuyện tôi buộc con mình phải làm những gì nó không muốn chỉ để đem lại danh tiếng cho cha mẹ. Tôi chỉ làm những thứ tốt nhất cho gia đình mình và ở khía cạnh này, công nghệ và mạng xã hội đã giúp chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn”, mẹ của Princeton khẳng định.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.