“Không ai ngờ con tôi không về nữa…”
Hai ngày qua, dù việc đồng áng bận rộn nhưng nhiều người dân trú tại thôn Thụy Khuê (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) vẫn dành nhiều thời gian đến nhà riêng ông Nguyễn Hữu Oanh để gửi lời động viên, chia buồn sâu sắc trước nỗi đau, mất mát của gia đình khi con trai ông, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng hy sinh trong lúc tham gia tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.
Chia sẻ với báo chí, chị Nguyễn Thị Hà (46 tuổi, em gái Đại tá Nguyễn Hữu Hùng) cho biết bản thân vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết tin người anh trai đã mãi mãi ra đi trong lúc làm nhiệm vụ.
Chị Hà kể, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, ngày 10/10, Đại tá Hùng cùng mấy anh chị em vẫn ngồi ăn cơm với nhau nhưng chẳng ngờ đây là bữa ăn cuối cùng mà 5 anh chị em được ngồi chung mâm với nhau.
Khi nhận được tin dữ của con trai, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Oanh sụp đổ hoàn toàn. Ông Oanh từng là bộ đội công binh, về hưu ông cùng vợ gắn bó với công việc đồng áng ở quê. Ông bà có với nhau được 5 người con (3 trai, 2 gái). Ba người con trai của ông bà người tham gia quân đội, người thì công tác trong lực lượng công an.
Ông Oanh chia sẻ, con ông, Đại tá Hùng là người hiền lành, tận tụy và hết mình với công việc. Do đặc thù về công việc nên con ông thường xuyên vắng nhà. Vợ chồng ông đã có tuổi nên trước mỗi chuyến công tác, ít khi con trai ông chia sẻ nhiệm vụ của chuyến đi cũng bởi sợ bố mẹ già lo lắng. “Chủ nhật anh ấy đi, tôi cũng chỉ thấy con anh ấy nói là đi chống lụt. Ai ngờ đâu anh ấy đi không về nữa”, ông Oanh đau đớn nhớ lại.
Xót thương vô hạn
Đối với các thành viên trong gia đình, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng được biết đến là người tận tụy, hết mình vì công việc còn trong trí nhớ của những người dân tại thôn Thụy Khuê, Đại tá Hùng được nhắc đến như một người hàng xóm thân thiện, giản dị.
“Ban đầu tôi cũng chỉ biết anh Hùng công tác trong quân đội. Mãi đến năm 2014, khi anh ấy tham gia chỉ huy giải cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng và xuất hiện trên tivi lúc đó người dân mới biết anh ấy làm chức to đến thế”, một người hàng xóm của Đại tá Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ.
Trong suy nghĩ của người hàng xóm này thì “chú Hùng là tướng, là tá nhưng vẫn giữ cái giản dị của người xuất thân từ thôn quê. Chú ấy thường thì cứ một tuần mới về nhà một lần, gặp ai cũng hồ hởi, tay bắt mặt mừng. Mà việc nấu nướng, bếp núc chẳng nề hà thứ gì. Chiều hôm nay về là y như rằng thấy sáng hôm sau chú ấy đạp xe ra chợ mua đồ ăn sáng cho vợ con”.
Còn trong trí nhớ của ông Hương, Trưởng thôn Thụy Khuê, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng là một người “rất tốt”. Là bạn học của em trai Đại tá Hùng nên ông Hương có dịp tiếp xúc, trò chuyện nhiều.
“Mỗi lần có dịp ngồi với nhau như vậy, anh Hùng đều động viên, chia sẻ chúng tôi rất nhiều. Anh em ngồi nói chuyện với nhau như người thân trong gia đình”, ông Hương chia sẻ.
Khi biết tin Đại tá Nguyễn Hữu Hùng gặp nạn và hy sinh khi tham gia tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3, chính quyền xã Sài Sơn, đại diện thôn có đến động viên, thăm hỏi cũng như chia buồn cùng gia khuyến.
“Chứng kiến cảnh người dân trong thôn đến chia sẻ với gia đình, ai cũng rơi nước mắt. Đối với người dân chỗ chúng tôi, anh Hùng cũng như một niềm tự hào vậy”, vị trưởng thôn xúc động.
Nhớ về Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó giám đốc HTX Nông Nghiệp xã Sài Sơn tâm sự: “Khi nhận được tin dữ về anh Hùng, bản thân tôi cũng như Đảng ủy, UBND xã Sài Sơn cũng như người thân thôn Thụy Khuê rất đau xót. Ngoài việc sống hết mình, thân thiện với người dân, anh Hùng còn là một người rất hăng say, tích cực trong các hoạt động của xã, huyện.
Mới đây nhất là dịp Chùa Thầy được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, mặc dù rất bận rộn nhưng anh Hùng vẫn về hỗ trợ, giúp đỡ để buổi lễ thành công tốt đẹp. Trong thôn, trong xã có hoạt động gì anh Hùng cũng đều bố trí thời gian để về tham dự”.
Tiểu sử Đại tá Nguyễn Hữu Hùng
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, sinh ngày: 26/7/1970 - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu.
Nguyên quán: xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng từng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng.
Năm 2014, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, khi đó là Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh công binh, đã chỉ huy giải cứu thành công 12 công nhân vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Ngày 13/10/2020, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng và 12 cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã hy sinh khi đang thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3.
Tang lễ Đại tá Nguyễn Hữu Hùng được tổ chức tại hai địa điểm:
Địa điểm thứ nhất tổ chức tang lễ tại Bệnh viện Quân y 268, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lễ viếng từ 7h-11h ngày 18/10. Lễ truy điệu từ 11h00 ngày 18/10. Lễ di quan từ 12h00 ngày 18/10.
Địa điểm thứ hai tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội). Lễ viếng từ 8h-10h30 ngày 19/10/2020. Lễ truy điệu và an táng vào hồi 10h30 cùng ngày.