“Cây muốn lặng mà gió chẳng...”

GD&TĐ - Lâu nay, mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu vẫn bị coi là hai “chiến tuyến”. Có chăng cũng bởi sự thành kiến do không hiểu và cảm thông được với nhau. Đôi khi cũng vì những xử sự không khéo léo khiến cho sự việc đi quá xa. Vậy là mặc dù cùng chung một nhà, nhưng họ không thể có tiếng nói chung.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Muốn chung “chiến tuyến” cũng không xong

Nhiều phụ nữ lúc ở nhà được bố mẹ lo lắng chăm sóc hết mực, vậy mà khi đi làm dâu đã phải chịu những thiệt thòi ấm ức. Không ít những chuyện làm dâu đã khiến các cô gái khóc dở, mếu dở. Vừa nhắc điện thoại tôi đã nghe giọng cô bạn thân buồn bực: “Cậu có rảnh không tớ không chịu nổi mẹ anh ấy nữa rồi.

Có lẽ phải ra ở riêng cậu ạ”. Chuyện Lan với mẹ chồng cô ấy tôi đã nghe kể nhiều lần, thậm chí tôi còn được chồng của bạn nhờ an ủi mỗi khi có chuyện. Hoàn cảnh nhà chồng Lan cũng trớ trêu. Bố Lan mất khi Hùng chồng Lan mới học cấp hai, mẹ chồng cô đã phải bươn trải và hy sinh vất vả để con trai được học hành đến nơi đến chốn. Hùng có được cuộc sống tốt như hiện tại anh rất biết ơn mẹ, nhất nhất điều gì cũng chiều theo sở thích của mẹ mình.

Hiểu được điều đó, Lan bạn tôi cũng rất đắn đo khi chuẩn bị bước chân về làm dâu. Tuy nhiên, chính tình yêu tha thiết của Hùng đã khiến cho Lan vững tâm quyết định lấy chồng.

Khi về nhà chồng, Lan đã phải luôn xem ý của bà để chiều lòng, vậy mà có nhiều lần Lan đã tới nhà tôi tức tưởi khóc. Nói với con dâu bà cứ một hai điều “chị” với “tôi”. Mặc dù cô ấy làm ra kinh tế chẳng kém gì chồng, nhưng lúc nào mẹ Hùng cũng có suy nghĩ tất cả mọi thứ đều do con trai bà làm ra nên chẳng trân trọng gì con dâu.

Bạn tôi vốn tế nhị nên chẳng muốn thể hiện điều gì, ngược lại cô còn hay mùa quà “để nịnh” mẹ chồng. Có những lần cả hai vợ chồng đều về muộn, vậy mà thấy con dâu ngồi ăn cùng chồng bà tỏ vẻ khó chịu buông ra một câu khiến con dâu không thể bưng nổi bát cơm: “Tôi tưởng chị quà bánh no rồi chứ? Làm vợ gì mà cũng đi tối ngày không lo phục vụ chồng còn bày đặt công việc”. Hùng thương vợ cũng góp ý với mẹ rằng vợ mình là một cô gái tốt, mong mẹ đừng xét nét mà hãy yêu thương cô ấy như con ruột. Tuy nhiên, lần nào bà cũng khóc lóc kể lể công lao nuôi nấng con cái, điều đó khiến Hùng không biết phải làm thế nào…

Hôm đó, vừa gặp tôi, cô bạn như tìm được nơi trút những ấm ức: Cậu tính mình đi làm suốt ngày, sáng dậy mình vừa chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà, tất tả đưa con đi học đến cơ quan vẫn bị muộn hơn mười phút. Bà thì ở nhà rảnh rang nên gần 5 giờ chiều không đón kịp con nên mình nhờ bà qua nhà trẻ đón cháu rồi cắm hộ mình nồi cơm.

Mình nhờ cậy bà rất nhẹ nhàng, bà cũng chỉ ừ một tiếng. Vậy mà khi chiều tối về nhà bà nói với chồng mình rằng mình lười biếng dựa vào mẹ chồng để bớt việc. Rồi bà còn có những lời lẽ rất khó nghe khiến mình không thể chịu đựng được hơn. Hôm nay, thấy mình nói kiên quyết sẽ ra ở riêng nên đang khóc lóc gây sức ép với chồng mình ở nhà.

Nói thật với mức lương của hai vợ chồng mình thừa tiền thuê một giúp việc. Chúng mình cũng đã mua được một căn chung cư cũng rất ổn, song chồng mình vì mẹ nên không dám ra ở riêng. Mà mình hết chịu nổi rồi…

Làm thế nào để dung hòa?

Tuy nhiên trong cuộc sống cũng không ít các cô con dâu lại hay cậy mình có học thức, làm ra kinh tế mà chưa biết coi trọng mẹ chồng. Điều này cũng khiến cho gia đình không thực sự hòa hợp và người đàn ông trong gia đình luôn phải làm trọng tài trong mọi việc. Mai về làm dâu bà Hảo ở khu tập thể dễ cũng cũng tới hai năm, tuy nhiên cả khu chưa bao giờ thấy cô động tay quét khoảng sân trước nhà.

Ngày thứ 7, Chủ nhật mẹ chồng lóc cóc đi chợ nấu ăn đợi con dậy. Vậy mà nhiều khi mấy bà hàng xóm lại thấy cảnh vợ chồng con trai chở nhau đi ăn quán còn bà lại lủi thủi ở nhà một mình. Những bà cùng khu cám cảnh mới khuyên bà phải góp ý để con dâu sửa đổi, nhưng bà ngần ngại bởi sợ con dâu lại làm mình làm mẩy với con trai mình.

Đến khi có cháu, Mai lại càng ỷ vào con mọn nên mọi việc đều đến tay mẹ chồng. Thậm chí, mọi người còn thấy cô to tiếng với mẹ chồng khi mẹ lỡ giặt quần áo cho cháu không sạch, hay chuẩn bị đồ ăn cho con mình không như í cô. Những lúc như thế bà có góp ý với con trai để nhắc vợ thì Mai lại giận dỗi vùng vằng.

Vì không muốn thấy cảnh vợ chồng con trai lục đục nên bà không góp ý nữa. Bà tâm sự con dâu đang đòi ra ở riêng, bà cũng buồn lắm nhưng không biết phải như thế nào. Mọi người trong khu tập thể vừa thương, vừa trách con trai bà không biết dạy vợ nên biết kính hiếu với mẹ chồng. Tưởng rằng dâu, thêm con gia đình vui vẻ, ai ngờ cuối đời bà sẽ lại lủi thủi một thân một mình.

Chia sẻ về việc làm thế nào để dung hòa mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, chuyên gia Tâm lý Vêra Hà Anh cho biết: Người con dâu khi về nhà chồng muốn được sống hoà thuận cần phải hòa hợp với các mối quan hệ thông qua các ngôn ngữ yêu thương. Việc thấu hiểu ngôn ngữ yêu thương của các thành viên trong ra đình sẽ giúp các bạn cải thiện được các mối quan hệ của mình. Những ngôn ngữ yêu thương mà các bà mẹ chồng luôn mong muốn ở con dâu đó là sự tận tụy và sự chia sẻ.

Là một người con dâu, bạn nên thể hiện lòng biết ơn của mình với những điều mà cha mẹ chồng đã làm cho các bạn. Trong cách giao tiếp dù có chuyện gì, các bạn cũng nên chọn cách nói chuẩn mực có sự tôn trọng cần thiết. Chúng ta không nên có thái độ khó chịu hay thậm chí bỏ đi khi cha mẹ đang nói, hoặc nói ra những điều không tốt về mẹ chồng. Vì nó chỉ làm cho mối quan hệ của bạn xấu đi mà thôi.

Chuyên gia Tâm lý Vêra Hà Anh cũng đưa ra lời khuyên đó là: Chúng ta cần phải kiểm soát thái độ của mình ở chừng mực, đúng đắn. Bạn đừng tỏ thái độ bất cần mà hãy thể hiện thái độ nhẹ nhàng để tiếp thu ý kiến, giành cho mẹ sự tôn trọng tin tưởng mà mẹ mong muốn.

Sau đó bạn nên sắp xếp và xem xét xem mình cần những điều gì. Còn trong cách xử sự, bạn cần bàn bạc với chồng để có một cách xử trí hợp lý, khéo léo nhất. Bạn không nên thanh minh mà nên lắng nghe và đồng cảm với ý kiến của họ. Bản thân tất cả mọi người đều đang trải nghiệm nên mọi người cần có sự tôn trọng thể hiện những đồng cảm tin tưởng như vậy sẽ tạo mối quan hệ tốt giữa bạn và mẹ chồng. 

    “Trong gia đình, vai trò của người chồng hết sức quan trọng, nó sẽ có thể làm cho mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu tốt lên hay xấu đi. Nếu người chồng không cân bằng tốt mối quan hệ giữa hai người phụ nữ này thì sẽ khiến họ bị tổn thương và họ ngày càng xa cách nhau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ