Ban công rộng 5 m2 trên tầng 19 của gia đình chị Thúy luôn ngập tràn sắc và hương hoa hồng. Cây hồng cổ Sapa một năm tuổi lớn nhanh, xòe tán rộng và sai hoa nhờ được chủ nhà chăm sóc bằng chế độ đặc biệt. Ngoài gốc hồng này, chị Thúy còn trồng nhiều giống hồng khác và lan rừng. |
Chơi hoa hồng đã 8 năm qua, chị Thúy luôn tự mày mò, sáng chế cách chăm sóc và cung cấp chất dinh dưỡng cho chúng. Theo chị, chăm cây cũng như chăm con người và chỉ cần để tâm là cây không phụ. |
Hoa trồng ngoài ban công, nơi gia đình hay ngồi thư giãn, nên chị Thúy tìm hiểu cách bón hữu cơ, thay vì sử dụng các loại phân hóa học ảnh hưởng tới trẻ nhỏ. |
Trước khi trồng, chị Thúy trộn đất với tỷ lệ: một đất, một trùn quế và hai vốc trấu hoặc xơ dừa. Sau khi đưa cây vào bồn và để ổn định vài hôm, chị cắt hết nụ và hoa rồi tưới nước khoảng nửa tháng. Trong thời gian cây ổn định rễ, chị không bón phân đề phòng cây chết. |
"Tôi thường không bón gì mà chỉ cho 5 quả chuối chín cả vỏ vùi dưới gốc hoặc đậu phụ 4-5 bìa bóp nát rắc gốc rồi phủ đất. Hai loại này thay đổi nhau khoảng 1-2 lần/tháng.Ngoài ra thỉnh thoảng con uống sữa thừa, tôi cũng hoà loãng tưới cho cây hoặc nước vo gạo. Một năm tôi cũng bổ sung cho cây khoảng hai lạng thịt bò hoặc thịt lợn chôn góc chậu", chị Thúy nói. Nhờ cách chăm sóc này, cây hồng nhà chị Thúy sau một năm đã to, khỏe và lớn gấp ba những cây cùng lứa được trồng trong khu vườn dưới mặt đất. |
Căn hộ nhà chị Thúy hướng chính Bắc, gió to nhưng nắng không tới mặt hoa. Chị luôn giữ cho cây thoáng nước, ăn đủ đồ tươi nhưng đảm bảo không mốc. "Tôi cũng mất nhiều công để ý cây, chăm sóc không quá cầu kỳ nhưng đảm bảo dinh dưỡng bằng cảm nhận của bản thân", chị Thúy cho hay. |
Góc ban công ngập hoa nhà chị Thúy. |
Mùa này độ ẩm cao, chị khuyên những người yêu hoa hồng không nên tưới cũng như cung cấp quá nhiều dinh dưỡng cho cây. |