(GD&TĐ) - Không năm nào là Hà Nội không có những vụ đổ, gãy cây cối, gây thiệt hại về người và của. Tất nhiên, như thi sĩ Xuân Diệu đã nói (đại ý), Hà Nội mà không có cây xanh thì như cô gái xinh đẹp mà… trọc đầu. Thế nhưng, một phần do cẩu thả trong chọn giống cây trồng đường phố trước đây, một phần do sự bất lực trong quản lý cây cối, những lá phổi xanh của thành phố lại là mối nguy thường trực đối với người dân.
Cây si bị cắt rễ đè bẹp xe anh Huấn trên phố Lê Duẩn (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Những tai nạn trời giáng
Chỉ tính từ tháng 8 đến nay, Hà Nội đã có ba vụ đổ, gãy cây gây thiệt hại về người và tài sản. Đầu tháng 8, cụ thể vào rạng sáng ngày 8/8, một cây muồng trước số nhà 101 phố Bà Triệu (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) bất ngờ gãy đổ khiến một người đi đường tử nạn. Gần đây nhất, trưa ngày 2/10, trên đường Hoàng Hoa Thám, khu vực công viên Bách Thảo (quận Ba Đình), một cây xà cừ bị gãy cành, cũng làm một người đi đường tử nạn.
Xen giữa hai vụ tai nạn trời giáng này là vụ đổ cây xà cừ cũng trên phố Bà Triệu, bị bật gốc do trận mưa lớn kéo dài vào rạng sáng 5/9, kéo theo một cây bàng và một cột điện chiếu sáng trước cửa số nhà 262, đổ xuống chắn ngang đường và đè trúng đuôi xe buýt trên đường. Rất may, khoảng 10 hành khách đều ngồi hàng ghế trên nên an toàn, dù tất nhiên là hồn vía cũng lên mây.
Khi những vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng, mà trực tiếp là lực lượng của Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, đơn vị quản lý cây xanh của thành phố, đều kịp thời có mặt, cưa cắt và di chuyển cây đổ, giải phóng hiện trường. Thế nhưng, đơn vị này không có chức năng chịu trách nhiệm về thiệt hại của người dân do đổ gãy cây. Ai bị thì ráng chịu, coi như vận đen vậy.
Đây không phải là câu chuyện mới. Gần như mùa mưa bão năm nào ở Hà Nội cũng có trường hợp đổ gãy cây xanh, nhẹ thì chỉ gây thiệt hại về vật chất và bị thương người đi đường, nặng thì thiệt hại tính mạng người dân. Hình ảnh này cũng quen thuộc như trước mỗi mùa mưa bão, người dân đều thấy nhân viên của Công viên cây xanh thành phố đưa xe đi cắt tỉa cây cối ở các con phố chính. Thế nhưng, cứ mưa bão là y như rằng có cây đổ.
Mà nếu mưa bão mới có cây đổ thì cũng có thể chấp nhận được. Đất nền thành phố vốn yếu, trải qua một trận mưa kéo dài, nhất là khi có kèm gió lớn, cây bật gốc hay gãy cành cũng không lạ lắm. Thế nhưng, đã có cả những trường hợp, thậm chí không mưa cây cũng đổ. Chuyện xảy ra đã tròn hai năm, nhưng mỗi lần nhớ lại, anh bạn tôi là Nguyễn Lê Huấn (số 567 Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) vẫn không khỏi rùng mình.
Cứ đến ngày 29/9, anh lại tụ tập anh em bạn bè ngồi nhậu, coi như kỷ niệm ngày thoát chết của mình. Đó là năm 2011, gần trưa, trời quang mây tạnh, anh lái chiếc KIA Morning ngang số nhà 179 phố Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm) thì một cây si cổ thụ bỗng dưng bật gốc đổ ập xuống đường. Vốn tay lái già, anh Huấn vọt ga cố thoát qua, dù vẫn bị thân cây đè bẹp đuôi xe nhưng ít nhất bảo đảm được tính mạng.
Anh Huấn nhớ lại, khi ấy có một phụ nữ đi xe máy ngay kế bên bị cây trùm lên, rất may không bị thân cây đè mà nằm giữa tán lá, chỉ xây xước nhẹ và hư hỏng xe. Ngay sau đó, nhân viên Công viên cây xanh có mặt, nhưng cũng hơn hai tiếng sau mới kéo được chiếc xe của anh Huấn ra và giải phóng hiện trường.
Sai nhưng lấy ai ra sửa?
Sẽ là oan uổng khi đổ lỗi cho Công viên cây xanh về tình trạng cứ mùa mưa là cây đổ ở Hà Nội. Càng không thể bắt đơn vị này chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về người và của do đổ cây. Bởi lẽ, khó ai có thể biết được rằng cây này hay cây kia có bị đổ gãy không, bao giờ thì bị. Nói như dân gian, chỉ có trời mới biết được. Thế nhưng, để phân loại những giống cây nào dễ đổ gãy nhất thì lại không hề khó.
Theo thống kê mới đây của Công viên cây xanh Hà Nội, hiện thành phố có khoảng trên 200.000 cây xanh, thuộc 150 loài (trong đó đơn vị này quản lý trực tiếp gần 45.000 cây xanh có bóng mát được trồng trên các tuyến phố tại địa bàn 9 quận nội thành).
Ngoại trừ những trục phố chính nội thành (như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền… vốn là phố Tây thời Pháp thuộc, được người Pháp chọn trồng những giống cây như sấu, cơm nguội, hoa sữa; là những giống cây rễ sâu, thớ dai khó gãy) thì đa số cây xanh Hà Nội, nhiều cây tưởng là cổ thụ cả trăm năm, nhưng thực tế chỉ mới được trồng từ 30 – 40 năm trước. Hầu hết đó là những giống cây dễ trồng, nhanh lớn, tán rộng nhưng rễ chùm dễ đổ như muồng và xà cừ.
Chỉ riêng trong tháng 8 đến nửa đầu tháng 9, Hà Nội đã có hơn 120 cây xanh bị gãy đổ. Đợt mưa giông xảy ra gần đây nhất kéo dài trong hai ngày 8 và 9/9 có 18 cây bị đổ, hơn 10 cây có cành bị gãy (theo thống kê của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội). Hầu hết trong số này là xà cừ. Nhìn lại các năm trước, năm nào mùa mưa bão cũng có cây cổ thụ đổ hàng loạt, chủ yếu cũng lại là xà cừ.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, những vụ việc cây đổ gãy là trường hợp bất khả kháng, khó có thể dự báo trước được. Đơn vị này chỉ có thể tiến hành kiểm tra thường xuyên và dựa trên cả tin báo của người dân để xử lý theo kế hoạch hoặc kịp thời những cây có nguy cơ đổ gãy, nhất là trong mùa mưa bão hàng năm.
Cụ thể theo vị lãnh đạo này, kể từ đầu năm 2913 đến nay, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến phố, Công ty Công viên cây xanh đã cắt, sửa 4.000 cây và chặt hạ trên 300 cây chết, cây sâu mục. Tuy nhiên, có những giai đoạn mưa lớn kéo dài nhiều ngày, khiến cành và tán cây phát triển nhanh, làm tăng số lượng cây bị gẫy đổ, đặc biệt là loại cây có bộ rễ chùm.
Khi được hỏi, hiện nay Hà Nội còn khoảng bao nhiêu cây trên phố có nguy cơ gãy đổ, ông Hưng cho rằng, rất khó đánh giá, bởi lẽ hôm nay kiểm tra thấy cây chắc chắn, nhưng mai mưa xuống lại có thể đổ bất thường. Thừa nhận nguy cơ đổ gãy chủ yếu ở nhóm cây rễ chùm như xà cừ và muồng, nhưng ông Hưng cho rằng việc triệt hạ hay di chuyển những cây này ra khỏi trung tâm thành phố là rất khó khăn, bởi lẽ hầu hết là cổ thụ, đòi hỏi kỹ thuật cao và kinh phí lớn. Ngay cả việc trồng thay thế loại cây gì cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý một vấn đề khác: Nhiều trường hợp cây đổ còn có yếu tố con người chứ không chỉ tại thiên nhiên. Trường hợp anh Nguyễn Lê Huấn bạn tôi là ví dụ điển hình. Si là loại cây tán rộng, thớ dai, lại có nhiều rễ phụ chằng chịt.
Thế nhưng cây si cổ thụ ở Lê Duẩn đổ vào xe anh Huấn không còn chút rễ phụ nào. Lẽ đơn giản, tại vỉa hè này một ngày trước đó, đơn vị điện nước thi công, đã chặt phá sạch rễ của cây để chôn ống cho tiện. Như một cái cọc cắm nông, toàn bộ sức nặng của cây đè lên tán lá phía trên, một cơn gió lớn qua là quật đổ. Chỉ có người dân chẳng may như anh Huấn là chịu thiệt mà thôi.
Khánh Sơn