Những ngày này, người dân khu tập thể Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) thường hay nói đùa với nhau rằng từ giờ đến Tết cũng không lo thiếu củi nấu bánh chưng vì cơn bão số 3 vừa qua đã khiến những cây cổ thụ trong khu bị gãy cành, rơi la liệt.
Đây không phải lần đầu tiên người dân nơi đây phải nhặt cành cây gãy sau mỗi trận mưa, bão. Từ nhiều năm này rất nhiều gia đình trong khu tập thể này đã phải sống chung một nhà với cây cổ thụ. Cả khu có tới 35 - 40 cây cổ thụ mọc xuyên qua nhà dân.
Những thân cây to sần, 2-3 người ôm mới xuể, phát triển mạnh, tán cây rộng, cành to phủ kín nhiều nhà lân cận... cứ vào mùa mưa gió là lại gãy cành lả tả, có khi còn bật cả gốc khiến nứt tường nhà.
Anh Dũng chỉ về cây xà cừ đâm xuyên qua nhà, đợt mưa bão vừa qua, nhiều cành cây bị gẫy đổ đè sập cả mái nhà. Ảnh Thúy Hồng
Anh Đặng Ngọc Dũng (116, Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa) cho biết, khu tập thể Kim Liên được hoàn thành năm 1959, là nơi ở của những cán bộ trong ga Hà Nội và một số khu công nghiệp khác. Khi người dân đến ở đã có những cây cổ thụ trong khuôn viên khu nhà.
Trải qua thời gian, nhân khẩu tăng lên trong khi diện tích khu nhà quá chật chội nên nhiều gia đình đã cơi nới căn hộ, những cây được trồng trong khuôn viên nằm trong diện tích nhà ở của người dân và cứ thế lớn dần theo năm tháng, đe dọa đến an toàn của các hộ dân trong cả khu tập thể.
Anh Dũng kể lại một kỷ niệm đáng quên về cái cây nằm trong nhà mình: “Vào tháng 9/2015, khi mẹ tôi đang nằm nghỉ trước nhà thì một cành cây gãy xuống khiến mái tôn sập xuống, đè lên người. Tiếng cành cây đập vào miếng tôn khiến mẹ tôi cứ tưởng bom ở đâu rơi xuống. Chuyện đó cũng thường xuyên xảy ra thôi, như bão số 3 vừa qua, nhiều hộ gia đình cũng bị cành cây gãy trên mái nhà gây hư hỏng, nặng có, nhẹ có".
Rễ cây phát triển làm nứt tường nhà gây nguy hiểm. Ảnh Thúy Hồng
Ông Phạm Xuân Đàn, tổ trưởng tổ 4, khu tập thể Kim Liên ngán ngẩm: “Tình trạng cây cổ thụ mọc trong khuôn viên nhà dân rất nguy hiểm, đã thế còn có rất nhiều dây điện chằng chịt trên cây, cần phải tích cực cắt tỉa các cành lớn để hạn chế ảnh hưởng tới người dân.
Thấy nguy hiểm, tôi đã viết đơn lên ủy ban phường nhiều lần nhưng chỉ nhận được câu trả lời là nếu cây mọc ngoài đường thì UBND Phường có nhiệm vụ giải quyết còn cây mọc trong nhà thì người dân phải trả tiền thuê công ty xử lý.”
Để chứng minh mối nguy hiểm mà mình vừa nói, ông Đạt chỉ tay lên mái tôn nhà mình nói: “Trong nhà tôi cũng có hai cây. Bão số 1 vừa rồi, 1 cây xà cừ bị đổ làm sập vào mái tôn, đứt dây điện, chập cháy ngùn ngụt khiến người dân khu tập thể hoảng loạn, bỏ chạy ra ngoài.”
Cành cây rơi và thân cây đổ được người dân thu gom lại. Ảnh Thúy Hồng
Trước hiểm họa ngay trước mắt, người dân nơi đây đã nhiều lần viết đơn lên phường đề xuất chính quyền có biện pháp xử lý, nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa có động thái giải quyết.
Một người dân trăn trở: “Cây do nhà nước trồng, quản lý, giờ người dân có muốn cũng không thể tự ý chặt bỏ. Rất mong chính quyền quan tâm đến sự an toàn của hàng trăm người dân khu tập thể mà sớm có biện pháp xử lý.”