Cấy chip vào não để kiểm soát giấc mơ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vào tháng 5/2023, nhà nghiên cứu người Nga, Mikhail Raduga đã tiến hành một thí nghiệm nhằm kiểm soát những giấc mơ sáng suốt của mình.

Mikhail Raduga sau thí nghiệm tự khoan sọ và cấy chip vào não.
Mikhail Raduga sau thí nghiệm tự khoan sọ và cấy chip vào não.

Vào tháng 5/2023, nhà nghiên cứu người Nga, Mikhail Raduga đã tiến hành một thí nghiệm nhằm kiểm soát những giấc mơ sáng suốt của mình (lucid dream - những giấc mơ mà người ta biết mình đang mơ).

Ông đã khoan hộp sọ và cấy một con chip vào não của mình nhằm cố gắng định hình giấc mơ. Nghiên cứu táo bạo này còn đang gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học.

Thử nghiệm táo bạo

Mikhail Raduga (40 tuổi) khá nổi tiếng ở Nga với tư cách là một nhà nghiên cứu và thử nghiệm giấc mơ. Ông đã đưa niềm đam mê của mình đi xa với ca phẫu thuật DIY (tự làm) tiềm ẩn rủi ro đến tính mạng.

Nỗi ám ảnh về những giấc mơ của ông đã đưa chúng ta trở lại với một câu hỏi muôn thuở: Giấc mơ có mục đích không? Hay bộ não chỉ thêu dệt những câu chuyện kỳ lạ, đẹp đẽ, đáng sợ và thường là trần tục xung quanh cuộc sống, để rồi mọi thứ hầu như bị lãng quên vào ngày hôm sau?

Những giấc mơ còn ẩn chứa điều gì lớn lao? Bất chấp các nghiên cứu và lý thuyết, thế giới sống động khi chúng ta ngủ vẫn luôn là điều bí ẩn - một bí ẩn mà Mikhal Raduga muốn tìm lời giải đáp và kiểm soát nó.

Mikhail (Michael) Raduga, đến từ vùng Novosibirsk của Nga, tự xưng là “nhà nghiên cứu và nhà thí nghiệm”. Trong một video lan truyền trên nền tảng truyền thông xã hội Nga, VK, ông đã cho người xem thấy hộp sọ bị tổn thương của mình do nỗ lực cấy chip vào não qua máy khoan, một thí nghiệm mà ông tự thực hiện trong phòng khách ngôi nhà ở Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan.

Trong một đoạn video, Mikhail cho biết, ban đầu ông nghĩ đến việc nhờ một bác sĩ giải phẫu thần kinh trợ giúp về mặt chuyên môn cho ca phẫu thuật nhưng rồi lại từ bỏ ý định đó vì tính hợp pháp và những rủi ro liên quan đến hình sự. Thay vào đó, ông chuẩn bị cho cuộc thí nghiệm này cả năm trời, bằng cách xem rất nhiều video về các thủ thuật phẫu thuật thần kinh.

Không cần bác sĩ giải phẫu thần kinh, bác sĩ gây mê cùng các quy trình và thiết bị y tế thích hợp, Mikhail tự thực hiện ca phẫu thuật của mình, sau khi đã thực hành trên 5 chiếc đầu cừu. Ca phẫu thuật táo bạo và liều lĩnh này kéo dài bốn tiếng đồng hồ, khiến ông mất gần một lít máu.

Mikhail tưởng như đã bỏ cuộc sau 30 phút tiến hành cuộc phẫu thuật vì sợ bất tỉnh giữa chừng. Trong đoạn clip ghi lại ca phẫu thuật, người xem bị sốc khi thấy cảnh Raduga dùng kẹp giấy kẹp da đầu lại để khâu và dùng máy khoan ở cửa hàng kim khí để thao tác ở phần sau của hộp sọ.

Mikhail sống sót một cách thần kỳ. Tuy nhiên, ông cần được chăm sóc y tế 10 ngày sau đó và phải dùng kháng sinh mạnh trong 5 tuần. Ngoài ra, ông cũng bị mất việc làm trong sáu tháng và theo các bác sĩ, khả năng ông bị ảnh hưởng lâu dài, bao gồm cả chứng động kinh là khá cao. Bộ phận cấy ghép phải được lấy ra khỏi não của ông sau năm tuần. Mặc dù vậy, Mikhail vẫn tin vào ước mơ của mình nhưng cảnh báo mọi người đừng cố gắng làm theo những gì ông đã làm.

Nhà nghiên cứu Mikhail Raduga.

Nhà nghiên cứu Mikhail Raduga.

Triển vọng đến đâu?

Thí nghiệm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm của ông chưa được bình duyệt hoặc công bố trên bất kỳ tạp chí nào. Nó cũng không được xác nhận bởi bất kỳ trường đại học hoặc các tổ chức nghiên cứu nào. Ông đã một mình làm tất cả.

Với thí nghiệm này, ông muốn xem liệu có cách nào để con chip não của mình có thể giúp người bị liệt có được những trải nghiệm không thể tận hưởng trong cuộc sống thực thông qua giấc mơ sáng suốt hay không. Theo ông, giấc mơ sáng suốt có thể cho phép bất kỳ ai tận hưởng hoặc trải nghiệm những điều không thể tiếp cận được thông qua sức mạnh của điện.

Trung tâm Nghiên cứu Phase, được thành lập bởi Mikhail, chuyên nghiên cứu về các trạng thái “pha” – chủ yếu là những giấc mơ sáng suốt, trải nghiệm ngoài cơ thể, tê liệt khi ngủ (bóng đè), thức tỉnh giả... Các nhà khoa học của trung tâm tuyên bố tiến hành các thí nghiệm, nghiên cứu và mở các khóa học về cách trải nghiệm xuất hồn và mơ sáng suốt.

Những người tham gia khóa học được yêu cầu cung cấp một kế hoạch hành động mà họ muốn đạt được trong giấc mơ sáng suốt, bao gồm gặp gỡ những người nổi tiếng, những người thân yêu, hiểu biết sâu sắc hoặc có khả năng chữa bệnh... Để trải nghiệm điều này, có những kỹ thuật và quy tắc trước khi chìm vào giấc ngủ, nhiều hành động khác nhau khi thức dậy... Trung tâm Nghiên cứu Giấc mơ của Mikhail tuyên bố sẽ giúp mọi người đạt được điều đó.

Phương tiện truyền thông tin tức Phase Today đã đăng một bài báo về thí nghiệm của Mikhail và cách thức kích thích cảm giác có thể ảnh hưởng đến giấc mơ - như mùi, âm thanh, xúc giác…

Theo đó, Mikhail Raduga và cộng sự đã nghĩ ra thí nghiệm cấy điện cực vào não mà họ khẳng định là một công cụ đáng tin cậy để kiểm soát giấc mơ. Nhưng thí nghiệm cần những người mơ sáng suốt thành thạo. Do đó, Mikhail đã quyết định tự mình thử nghiệm.

Mikhail tin rằng điện cực của ông một ngày nào đó có thể thay đổi tiến trình của những giấc mơ, điều khiển chúng trở thành những gì chúng ta mong muốn một cách có ý thức. Nhưng theo một nhà giải phẫu thần kinh thuộc Đại học Oxford, Alex Green, đây là một việc cực kỳ nguy hiểm. Ông cho rằng, con người còn “nhiều thập niên nữa” mới có thể kiểm soát được giấc mơ.

Theo Unbelievable

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.