Cầu vượt sông dài nhất Việt Nam 5.487 m

TTO - Sáng 8/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cắt băng khánh thành Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C, vượt sông Hồng nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Thịnh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Thịnh
Cầu Vĩnh Thịnh là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm này
Những chiếc xe đầu tiên lăn bánh qua cầu Vĩnh Thịnh

Đây là cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu vượt sông có chiều dài lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay với chiều dài 5.487 m (trong đó cầu dài 4.480 m và đường hai đầu cầu dài 1.007 m).

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh có tổng mức đầu tư 137 triệu USD, được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc 100 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 37 triệu USD. 

Cầu được khởi công ngày 18/12/2011 và dự kiến hoàn thành sau 36 tháng. Tuy nhiên các nhà thầu thi công của Việt Nam và Hàn Quốc là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Nhà thầu GS Engineering & Construction Corp (Hàn Quốc), Liên danh tư vấn Yooshin - Sambo (Hàn Quốc) đã nỗ lực đưa vào khai thác cầu Vĩnh Thịnh vượt tiến độ 7 tháng để thay thế cho phà Vĩnh Thịnh.

Theo thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cầu Vĩnh Thịnh có 4 làn xe (rộng 16,5 m), tốc độ thiết kế 80 km/h kết nối quốc lộ 2C với hai trục quốc lộ hướng tâm (quốc lộ 32 và quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh sẽ để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang. 

Việc đưa cầu vào khai thác góp phần giảm áp lực giao thông cho các quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 6, quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía nam và ngược lại.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các đơn vị liên quan nỗ lực làm việc ngày đêm để sớm đưa cầu Vĩnh Thịnh vào sử dụng, vượt tiến độ 7 tháng. 

Thủ tướng đánh giá cây cầu này là niềm ước mơ nhiều đời nay của đồng bào Hà Nội - Vĩnh Phúc. Mặt khác đây là cây cầu có ý nghĩa quan trong trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vựa Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh Tây Bắc,

Thủ tướng gửi lời cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ vốn ODA để xây dựng cầu Vĩnh Thịnh và khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết sử dụng tốt vốn ODA, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng từ nguồn vốn này.

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ