Cầu thủ Việt kiều đổ về V-League: Nâng chất nguồn nhân lực

GD&TĐ - Với việc Ban tổ chức V-League thay đổi chính sách liên quan đến cầu thủ Việt kiều, đội tuyển Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn

Hà Nội FC đã ký hợp đồng có thời hạn 1 năm với Kyle Colonna. Ảnh: INT
Hà Nội FC đã ký hợp đồng có thời hạn 1 năm với Kyle Colonna. Ảnh: INT

Việc hưởng lợi lớn nằm trong kế hoạch tái thiết và giành lại vị thế đã mất, trước mắt là giải vô địch Đông Nam Á vào cuối năm nay cũng như vị trí trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới.

Thu hút nhân tài

Vừa qua, Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng cho mùa giải 2024 - 2025. Trong đó, điểm đáng chú ý là việc Ban Chấp hành đồng ý đề xuất 2 cầu thủ nước ngoài gốc Việt/câu lạc bộ được đăng ký và được quyền đưa vào sân cả 2/trận tại giải bóng đá chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Những mùa trước, các câu lạc bộ chỉ được phép đăng ký một cầu thủ gốc Việt.

Không chỉ bóng đá nam, mà bóng đá nữ nhiều khả năng cũng triệu tập cầu thủ Việt kiều. Phát biểu vào thời điểm đội tuyển nữ Việt Nam tập trung giữa tháng 8/2024, đội trưởng Huỳnh Như nêu quan điểm, các đối thủ ở Đông Nam Á đang phát triển, đặc biệt là họ sử dụng nguồn lực từ các cầu thủ Việt kiều và đây là thử thách với tuyển nữ Việt Nam (Philippines, PV). Tôi cho rằng, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ đưa ra kế hoạch và trong tương lai có nhiều cầu thủ Việt kiều khoác áo đội tuyển quốc gia, nhất là ở giai đoạn chuyển giao thế hệ.

Quyết định của Ban Chấp hành VFF đã mang đến giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn cho các đội bóng. Bởi với 2 cầu thủ Việt kiều cùng 3 ngoại binh, các câu lạc bộ mùa tới có đến gần một nửa đội hình ra sân là nguồn lực ngoại. Bên cạnh đó, sự thay đổi này mở thêm cơ hội cho các cầu thủ gốc Việt trở về quê hương tìm việc làm, đồng thời hứa hẹn góp phần làm thay đổi bộ mặt của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Những năm gần đây nhóm cầu thủ Việt kiều chưa được đánh giá cao. Số cầu thủ để lại ấn tượng quá ít và mới xoay quanh vị trí… thủ môn. Sau Đặng Văn Lâm, mùa trước là thủ môn Filip Nguyễn (Công an Hà Nội) và Patrik Lê Giang (TPHCM). Tuy nhiên, mùa giải 2024 - 2025 với thay đổi về số lượng, các đội bóng đang tích cực săn lùng những cầu thủ Việt kiều tên tuổi, chất lượng chuyên môn cao. Nhiều bản hợp đồng đã được ký kết.

Đi đầu trong tuyển chọn cầu thủ Việt kiều chất lượng cao có lẽ là câu lạc bộ Công an Hà Nội. Mới đây, đội bóng ngành Công an được cho là đã chi mức lót tay và đãi ngộ khủng để có được chữ kí của Jason Quang Vinh Pendant. Cầu thủ này sinh năm 1997, có bố là người Pháp, mẹ người Việt Nam. Anh từng thi đấu cho câu lạc bộ Sochaux, Quevilly-Rouen tại giải hạng Nhì Pháp (Ligue 2), sau đó là New York Red Bulls ở giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS). Quang Vinh đã khoác áo đội tuyển U16 và U18 Pháp.

Bên cạnh đó, Hà Nội FC chính thức công bố bản hợp đồng với Kyle Colonna, thời hạn 1 năm. Trung vệ Việt kiều này có mẹ là người Việt Nam và bố người Mỹ. Kyle Colonna từng thi đấu 4 năm tại Đại học San Diego State (2018 - 2022), ra sân 69 lần và 2 năm liền mang băng đội trưởng. Sau đó, Colonna ký hợp đồng chuyên nghiệp với câu lạc bộ New Mexico United và thi đấu tại giải hạng Nhất Mỹ. Trung vệ sinh năm 1999 này ra sân 11 lần, ghi 2 bàn thắng. Sở hữu cầu thủ với chiều cao 1,88m, Hà Nội FC hy vọng sẽ giải quyết triệt để những vấn đề của hàng phòng ngự đã bộc lộ khá rõ ở mùa giải trước.

Câu lạc bộ TPHCM là đội thử việc nhiều cầu thủ Việt kiều nhất, với hậu vệ phải Kean Trần (Đan Mạch), trung vệ Nguyễn Như Đức Anh (Đức), Zan Nguyễn (Mỹ)... Trong đó, trước khi về Việt Nam, Kean Trần thi đấu cho đội U19 Lyngby BK (đội 1 chơi ở giải vô địch quốc gia Đan Mạch). Zan Nguyễn có chiều cao lý tưởng là 1,90m, đang gấp rút hoàn tất thủ tục để ký hợp đồng với đội bóng thành phố mang tên Bác. Nguyễn Như Đức Anh chưa thể thích nghi với điều kiện thời tiết, cũng như hòa nhập được với lối chơi của TPHCM.

cau thu viet kieu do ve v-league2.jpg
Jason Quang Vinh Pendant trong ngày ra mắt câu lạc bộ Công an Hà Nội. Ảnh: INT

Ngoài ra, câu lạc bộ Hải Phòng thử việc tiền đạo cao 1m85 Kaelin Nguyễn Trương Khôi - người ghi 4 bàn và 1 kiến tạo cho câu lạc bộ Wellington Olympic ở giải vô địch New Zealand mùa bóng 2023 - 2024. Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hiện thử việc hậu vệ Việt kiều Pháp Leygley Adou Minh. Trong các buổi tập ở Hà Tĩnh, cầu thủ này thể hiện quyết tâm rất cao, cũng như cho thấy khả năng hòa nhập nhanh chóng lối chơi chung của toàn đội. Nhiều khả năng huấn luyện viên Nguyễn Thành Công sẽ đề nghị lãnh đạo đội Hà Tĩnh ký hợp đồng với Leygley Adou Minh. Mùa trước, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có Viktor Lê chơi khá ổn ở hàng tiền vệ.

Bên cạnh yếu tố gốc gác thì mức độ chịu chi của các câu lạc bộ khiến cho V-League trở thành điểm đến hấp dẫn với các cầu thủ Việt kiều. Thủ môn Đặng Văn Lâm được cho là ký hợp đồng có giá trị hơn 27 tỷ đồng với đội hạng Nhất Thanh niên TPHCM. Công an Hà Nội đã trả cho câu lạc bộ của Nguyễn Filip hơn 10 tỷ đồng để sở hữu thủ thành này. Patrik Lê Giang sau mùa giải thành công với đội TPHCM được nhiều đội bóng săn đón. Trong đó, Thép xanh Nam Định đưa ra mức “lót tay” 10 tỷ đồng/năm, cùng chế độ lương, thưởng hấp dẫn. Tuy nhiên, thủ môn này quyết định ký hợp đồng 3 năm với TPHCM, nhận lương khoảng 18 nghìn USD/tháng.

Để có được Patrik Lê Giang, câu lạc bộ TPHCM cam kết sẽ hỗ trợ thủ môn này có được hộ chiếu Việt Nam để sớm thực hiện được ước mơ cống hiến cho đội tuyển Việt Nam như Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm. Đội bóng thành phố cũng đồng hành cùng quỹ từ thiện STEP BY STEP của Patrik Lê Giang nhằm giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Hai bên còn thảo luận hợp tác thành lập Học viện bóng đá cộng đồng với tôn chỉ đào tạo giáo dục, thể thao và lối sống tích cực dành cho thế hệ trẻ, xuất phát từ mong muốn của thủ môn sinh năm 1992 này.

Nguồn lực cầu thủ Việt kiều còn nhiều tiềm năng. Bên cạnh lợi thế thể hình, ý thức chuyên nghiệp, nhóm này được “ăn học” trong môi trường bóng đá hiện đại. Thế nên, các đội bóng ở V-League đang tích cực tìm kiếm và nhiều cái tên nổi bật đang trong giai đoạn thương thảo. Đơn cử, tiền đạo mang 2 dòng máu Việt Nam và Algeria - Ibrahim Maza hiện khoác áo Hertha Berlin tại Bundesliga 2 (Đức). Chỉ ra sân 2 trận bởi chấn thương ở nửa đầu mùa giải 2023 - 2024 nhưng sau khi trở lại, cầu thủ sinh năm 2005 đã chơi 13 trận, ghi 1 bàn thắng và đóng góp 2 kiến tạo. Ngôi sao 19 tuổi này đang nhận được sự quan tâm lớn từ các đội bóng nước Anh như West Ham, Brighton, Brentford và Leicester City.

Theo Vietnam Football Scout, cầu thủ Việt kiều Aymeric Faurand-Tournaire vừa được đôn lên tập luyện cùng đội một của Stade Laval (Ligue 2, Pháp) cũng là cái tên đáng chú ý. Cầu thủ sinh năm 2004 cao 1m81 có thể chơi ở nhiều vị trí trên hàng công như trung phong, tiền đạo lùi hoặc tiền đạo lệch phải. Hay Lee Williams sinh năm 2007, với chiều cao 1,88m, thuộc biên chế đội U18 của câu lạc bộ Stockport County tại League One, giải đấu thuộc cấp độ 3 trong hệ thống các giải chuyên nghiệp của bóng đá Anh. Và những cái tên đáng chú ý khác như Julien Nguyen (U18 Rayo Vallecano, Tây Ban Nha), Kelvin Cao (U19 Union Berlin, Đức), Võ Tiến Dũng (U19 Rakospalotai EAC, Hungary), Đỗ Chung Nguyên (Slavia Sofia, Bulgaria), Brandon Ly (Burnley, Anh)…

cau thu viet kieu do ve v-league3.jpg
Huấn luyện viên Kim Sang-sik. Ảnh: INT

Tín hiệu vui

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, với thể thao, việc sử dụng tài năng có nguồn gốc nước ngoài đang ngày càng phổ biến. Ngay cả những cường quốc thể thao cũng luôn khai thác hiệu quả nguồn lực này, bổ sung kịp thời vào những vị trí, đội tuyển mà họ còn thiếu, và yếu. Đơn cử, đội tuyển bóng chuyền nữ Italy lần đầu giành Huy chương Vàng tại Olympic Paris 2024. Trong trận chung kết, đội hình Italy với vai trò nổi bật của 2 cầu thủ da màu là Paola Egonu và Myriam Sylla đã đánh bại nhà đương kim vô địch Mỹ. Hoặc chính đoàn thể thao Mỹ cũng sử dụng rất nhiều cầu thủ nhập tịch, chẳng hạn đội bóng bàn, cầu lông…

Bóng đá Đông Nam Á nhiều năm qua cũng hòa mình vào xu thế khai thác, sử dụng nguồn lực ngoại. Đội tuyển Philippines, Thái Lan và Malaysia bên cạnh cầu thủ nhập tịch thì luôn có trong đội hình nhiều cầu thủ ngoại kiều. Tuy nhiên, dấu ấn của nhóm “ngoại binh” chưa thật sự nổi bật. Philippines, hay Malaysia chưa thể giành chức vô địch khu vực, hoặc đoạt Huy chương Vàng bóng đá SEA Games. Những ngôi sao lớn nhất của bóng đá Thái Lan, mang đến nhiều thành công vẫn thuộc về các cầu thủ bản địa. Chỉ đến khi chứng kiến sự lột xác của đội tuyển Indonesia nhờ dàn cầu thủ ngoại kiều thì nguồn lực này nóng trở lại với các đội bóng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Mới đây, đội tuyển Indonesia chính thức được Liên đoàn Bóng đá Thế giới đồng ý về việc sử dụng thủ môn nhập tịch người Hà Lan Maarten Paes tại các giải quốc tế. Trước đó, Maarten Paes đã mang quốc tịch Indonesia từ ngày 30/4, nhưng phải mất thêm 4 tháng để hoàn thiện hồ sơ, thủ môn từng khoác áo nhiều đội tuyển trẻ Hà Lan mới đủ điều kiện thi đấu cho đội tuyển quốc gia Indonesia. Với Maarten Paes, danh sách ngoại kiều của đội tuyển xứ Vạn đảo thêm dài và họ đang rất quyết tâm giành chức vô địch AFF Cup 2024, sau khi giành Huy chương Vàng SEA Games 32, thiết lập kỷ lục tại Vòng chung kết ASIAN Cup 2024, lọt vào vòng 1/8 và vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, có mặt ở vòng đấu loại cuối cùng.

Vừa qua, đội tuyển Việt Nam đã công bố danh sách 26 cầu thủ chuẩn bị cho trận giao hữu quốc tế gặp Thái Lan và Nga ở đợt FIFA Days tháng 9. Những lựa chọn của chiến lược gia người Hàn gần như không có gương mặt nào thực sự mới. Thành phần chính vẫn là nhân sự đã tập trung đợt tập trung gần đây nhất, và như phân tích danh sách đó không mang nhiều dấu ấn của huấn luyện viên Kim Sang-sik, bởi lúc đó ông mới có vài ngày ngồi ghế nóng đội tuyển Việt Nam. Đội tuyển lần này có sự trở lại của cầu thủ kỳ cựu Quế Ngọc Hải, hay những cái tên tưởng chừng chìm vào quên lãng như Thành Chung, Đức Chiến, Hồng Duy, Hai Long.

Tuy nhiên, thật khó đòi hỏi chiến lược gia người Hàn có thể đưa ra lựa chọn đột biến về nhân sự cho đội tuyển Việt Nam. Ông không có nhiều phương án khi bóng đá Việt Nam quá khan hiếm cầu thủ trẻ tài năng. Một số gương mặt trẻ như Đình Bắc, Văn Khang và Thái Sơn được tăng cường cho đội U22 Việt Nam, chuẩn bị cho giải đấu tại Trung Quốc vào tháng 9 tới. Và điều đặc biệt, với thời gian tập trung khoảng nửa tháng, đụng độ toàn đối thủ nặng ký như Thái Lan và Nga, huấn luyện viên sinh năm 1976 này cần cầu thủ kinh nghiệm, nhanh chóng nắm bắt chiến thuật để định hình nhân sự, lối chơi trong thời gian ngắn nhất. Có nghĩa, ông Kim không có thời gian thử nghiệm, tìm kiếm nhân sự.

Do vậy, việc V-League ngày càng nhiều cầu thủ Việt kiều trở thành tín hiệu tích cực cho đội tuyển Việt Nam. Huấn luyện viên Kim Sang-sik khao khát có thêm nhân tố mới, chất lượng để nâng cao trình độ cũng như năng lực cạnh tranh. Đơn cử, như vị trí hậu vệ trái, sau Văn Hậu chưa có cầu thủ nào chơi thực sự ấn tượng. Sự trở lại của Hồng Duy có thể là giải pháp. Nhưng nếu Jason Quang Vinh Pendant thi đấu tốt và đủ điều kiện khoác áo đội tuyển Việt Nam, ông Kim sẽ có thêm sự lựa chọn. Hoặc vào thời điểm trung vệ Duy Mạnh, Tiến Dũng chấn thương, Quế Ngọc Hải chưa chắc kịp lấy lại phong độ, thì Kyle Colonna có thể lấp đầy những khoảng trống ở trung tâm hàng phòng ngự, thậm chí anh sẽ là vũ khí ngăn chặn hiệu quả các tiền đạo cao to nhập tịch của Malaysia, Indonesia.

Bình luận viên Vũ Quang Huy nêu quan điểm, đội tuyển Việt Nam cần khai thác tốt hơn nguồn cầu thủ Việt kiều. Hiện, chúng ta vẫn gặp rào cản về chính sách, chưa có ưu tiên đặc biệt tiền lệ cho vận động viên đặc biệt xuất sắc như Indonesia, Thái Lan. Nhưng nếu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thực sự quyết tâm vẫn có thể khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực Việt kiều đang chơi bóng trên thế giới. Còn bình luận viên Ngô Quang Tùng chia sẻ, Việt Nam cần đầu tư nghiêm túc hơn để tận dụng nguồn tài nguyên Việt kiều tại châu Âu và Mỹ. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải coi đó là chiến lược nghiêm túc, với những chuyên gia “săn đầu người” rộng khắp, với tiêu chí rõ ràng. Tất nhiên, về cơ bản thì Việt Nam phải chú tâm cải thiện hơn nữa chất lượng đào tạo trẻ trong nước vẫn đang chưa thực sự tốt.

Danh sách đội tuyển Việt Nam tập trung tháng 9/2024

Thủ môn (4):Nguyễn Filip (CAHN), Đặng Văn Lâm (Bình Định), Trịnh Xuân Hoàng (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Việt (SLNA).

Hậu vệ (10): Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Thanh Bình, Phan Tuấn Tài (Thể Công), Bùi Hoàng Việt Anh, Vũ Văn Thanh (CAHN), Hồ Tấn Tài, Quế Ngọc Hải (Bình Dương), Nguyễn Phong Hồng Duy (Nam Định), Nguyễn Thành Chung, Phạm Xuân Mạnh (Hà Nội FC).

Tiền vệ (6): Nguyễn Hoàng Đức (Thể Công), Nguyễn Tuấn Anh (Nam Định), Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Hai Long (Hà Nội), Nguyễn Quang Hải (CAHN).

Tiền đạo (6): Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Văn Tùng (Hà Nội), Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương), Nguyễn Văn Đức (CAHN), Đinh Thanh Bình (Thanh niên TPHCM).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ