Câu chuyện về vị trí thứ 34 của phi công Trần Quang Khải

Ngày 21/6, học trò và đồng đội của phi công Trần Quang Khải ở Trường Sỹ quan Không quân Nha Trang đã đứng lặng dưới mưa tưởng nhớ anh.

Câu chuyện về vị trí thứ 34 của phi công Trần Quang Khải

Nhà báo Vũ Thanh Hường – người phụ trách chương trình Chúng tôi là chiến sĩ đã có 10 năm gắn bó như gia đình với các chiến sĩ trên khắp cả nước. Những ngày này, ê-kíp thực hiện đang sống trong sự tiếc thương, đau buồn của Trung đoàn 923 Thọ Xuân – Thanh Hóa.

Nước mắt lặng lẽ rơi ở một chương trình giải trí

Chị Hường chia sẻ, ngày 21/6, chương trình đã ghi hình tại Trường Sỹ quan Không quân Nha Trang. Nơi đây, thượng tá Trần Quang Khải và 9 chiến sĩ không quân trong tổ bay CASA-212 đã học tập và trưởng thành.

“Không khí ở Trường Sỹ quan Không quân Nha Trang những ngày này trĩu nặng nỗi tiếc thương, đau buồn. Chúng tôi có phần bối rối, bởi ê-kíp của nhà đài đến là để ghi hình cho một chương trình mang tính giải trí. Thấy vậy, những sĩ quan và học viên của trường đã nói, hãy cứ ghi hình. Chúng tôi quyết định tiếp tục công việc của mình, nhưng tất nhiên, kịch bản của chương trình phải thay đổi rất nhiều, các tiết mục, phóng sự cũng thay đổi. Sự vui tươi, tính giải trí phải tiết chế lại”, nữ nhà báo kể.

Cau chuyen ve vi tri thu 34 cua phi cong Tran Quang Khai - Anh 1

Nhà báo Vũ Thanh Hường chụp ảnh cùng các chiến sĩ Phòng không Không quân. Ảnh: NVCC.

Khi chương trình đang ghi hình, trời Nha Trang bỗng đổ mưa như trút. Theo nhà báo Vũ Thanh Hường: “Những người lính Phòng không – Không quân, họ rất giỏi nhìn trời, đoán thời tiết. Chỉ nheo mắt nhìn lên, họ có thể biết được trời sẽ mưa hay nắng. Nhưng khi chúng tôi đang ghi hình ở Nha Trang, trời đang nắng gắt bỗng đổ mưa bất ngờ. Đúng vào thời điểm ấy, ở Nghệ An, anh Khải được đưa vào đất liền. Chúng tôi nói với nhau, trời cũng khóc đấy. Và, chúng tôi đã cùng nhau đứng lặng dưới mưa… Đã có những giọt nước mắt rơi, không thể kìm nén thêm được nữa”.

Cũng vì trời đổ mưa ngày càng to, chương trình Chúng tôi là chiến sĩ đã phải dừng ghi hình, chuyển sang ngày hôm sau.

Khi đứng dưới mưa cùng thầy giáo của phi công Trần Quang Khải và 9 chiến sĩ Không quân trong tổ bay CASA – 212, nhà báo Hường đã được nghe nhiều câu chuyện về các chiến sĩ không quân trong tổ bay CASA – 212.

Theo lời kể của nhà báo Vũ Thanh Hường, ở Trường Sỹ quan Không quân Nha Trang có một tấm bia tưởng niệm những chiến sĩ không quân đã hy sinh. Hiện, danh sách ấy có 33 người. Trên danh sách, có những chiến sĩ sinh năm 1992, hy sinh năm 2014, khi mới 22 tuổi đời. Họ còn quá trẻ.

Cau chuyen ve vi tri thu 34 cua phi cong Tran Quang Khai - Anh 2

Nhà báo Vũ Thanh Hường chụp vội tấm bia tưởng niệm 33 chiến sĩ Không quân ở Trường Sỹ quan Không quân Nha Trang.

Cứ đến ngày rằm, mùng một, gia đình người thân và nhiều bạn bè của 33 chiến sĩ hy sinh thường đến thắp hương trước tấm bia để tưởng nhớ các anh. Nước mắt sau bao nhiêu năm vẫn chưa bao giờ ngừng rơi, vẫn đầy đau xót, tiếc thương.

Mỗi khi có một chiến sĩ hy sinh, tấm bia cũ sẽ bị đập vỡ. Trường dựng lên một tấm bia mới, với nỗi đau cứ thế nhân lên.

Thượng tá Trần Quang Khải sẽ là người thứ 34 trên tấm bia tưởng niệm.

Kể đến tấm bia tưởng niệm thượng tá Trần Quang Khải, nữ nhà báo chịu trách nhiệm chương trình Chúng tôi là chiến sỹ dừng lại: “Anh ấy là một người rất ít nói, ngại tiếp xúc, một người sống tình cảm, và khiêm tốn. Anh ấy đã ra đi trong sự tiếc thương của bao người. Chúng tôi đã sốc và bàng hoàng khi hay tin, đến bây giờ vẫn chưa thể tin được...”.

"Những chiến sĩ Không quân, họ đẹp vô cùng"

3 năm trước, nhà báo Vũ Thanh Hường và ê-kíp sản xuất chương trình Chúng tôi là chiến sĩ đã từng ghi hình tại Trung đoàn 923 ở Thọ Xuân – Thanh Hóa. Nhiều chiến sĩ trong nhóm 9 người trong tổ bay CASA – 212 đã tham gia các tiết mục trong chương trình.

Nhà báo Hường vẫn nhớ, trong 9 chiến sĩ, đã có người tham gia đồng diễn, và có người tham gia chơi trong các phần thi Tình yêu chiến sĩ, Chiến sĩ và những người bạn. “Họ đều còn trẻ và tài năng. Khi gặp những chiến sĩ Phòng không Không quân bạn sẽ rất ấn tượng về họ. Vì họ thực sự trí tuệ, giỏi ngoại ngữ và hiểu biết về công nghệ. Làm việc với họ rất thú vị. Mọi việc đều nhanh chóng, hiệu quả, ngắn gọn. Chưa kể, họ còn là những siêu mẫu đúng nghĩa, chiều cao 1m85, khỏe khoắn. Họ rất đẹp!”.

Cau chuyen ve vi tri thu 34 cua phi cong Tran Quang Khai - Anh 3

Trường Sỹ quan Không quân Nha Trang trong buổi ghi hình chương trình Chúng tôi là chiến sĩ. Ảnh: CTCC.

Đến mỗi đơn vị ghi hình, nhà báo Vũ Thanh Hường đều ấn tượng cuộc sống quân ngũ với kỷ luật nghiêm ngặt. Với các chiến sĩ Phòng không Không quân, ê-kíp sản xuất Chúng tôi là chiến sĩ từng kinh ngạc trước suất ăn của họ. Ở Trung đoàn 923, ê-kíp của nhà đài được yêu cầu phải ăn hết suất ăn, không được bỏ thừa vì họ có cả khẩu hiệu với nội dung rằng, nếu để thừa thức ăn là có tội với nhân dân.

Lịch huấn luyện của các chiến sĩ Phòng không – Không quân vô cùng nghiêm ngặt, chặt chẽ. Giờ ăn, giờ ngủ, giờ huấn luyện được quy định cụ thể đến từng phút. “Và quy trình học để trở thành một phi công rất vất vả, khắc nghiệt. Khi thực hiện chương trình, ê-kíp chúng tôi đã thấy được phần nào sự khổ luyện của các chiến sĩ phòng không không quân. Họ thực sự giỏi…”, nhà báo Vũ Thanh Hường chia sẻ.

Kể lại kỷ niệm về những chiến sĩ Phòng không Không quân với tất cả sự gần gũi, trân trọng, nhà báo Vũ Thanh Hường như thể đã nhớ từng gương mặt, cuộc đời của các chiến sĩ ưu tú, quả cảm mà chị đã gặp, làm việc cùng.

Chị kể đi kể lại ngày ghi hình đặc biệt ở Trường Sỹ quan Không quân Nha Trang như một kỷ niệm khó quên trong đời làm báo của mình. “Ở đấy, chúng tôi đã nhìn thấy nỗi buồn đau, mất mát. Nhưng, là những nỗi đau phải kìm nén. Những giọt nước mắt phải nuốt vào trong. Trên tất cả, trong đôi mắt của từng chiến sĩ, chúng tôi vẫn nhìn thấy sự lạc quan, và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”.

Đi qua nỗi đau, vượt lên trên mất mát, những chiếc máy bay huấn luyện lại cất cánh và bay cao giữa bầu trời Tổ quốc.

Nói như người phụ trách chương trình Chúng tôi là chiến sĩ: "Những chiến sĩ Không quân, họ đẹp vô cùng!".

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.