Câu chuyện về Pixel, “kẻ hủy diệt” iPhone của Google

Google đang thay đổi toàn bộ chiến lược di động khi lần đầu tiên ra mắt bộ đôi điện thoại mạnh mẽ, thời trang đủ sức đối đầu với Apple iPhone.

Câu chuyện về Pixel, “kẻ hủy diệt” iPhone của Google

Ngày 4/10, Google giới thiệu hai smartphone Pixel và Pixel XL. Đây là hai chiếc điện thoại đầu tiên được lên ý tưởng, thiết kế, thử nghiệm bởi chính Google. Chúng trang bị trợ lý ảo tương tự Siri, máy ảnh hiện đại và nền tảng Android 7.1 Nougat.

Màn ra mắt của Pixel đánh dấu tham vọng dấn thân vào thị trường phần cứng di động trị giá 400 tỷ USD của Google và cho thấy công ty sẵn sàng xung đột lợi ích với các đối tác quan trọng như Samsung và LG.

Rick Osterloh, người đứng đầu bộ phận phần cứng của Google, cho biết Google đang quản lý cả hàng tồn kho, tạo dựng quan hệ với các nhà mạng, giao dịch với chuỗi cung ứng và kênh phân phối. Thậm chí, gã khổng lồ tìm kiếm Internet còn sản xuất cả phụ kiện như vỏ bảo vệ và cáp.

Cho đến nay, Google tự thỏa mãn với việc chỉ tham gia một phần rất nhỏ vào thị trường này bằng chương trình Nexus. Khác với Pixel, Google giao phần lớn việc phát triển Nexus cho các đối tác phần cứng.

Dù được đánh giá tốt, Nexus giống như một thí nghiệm của Google. Song theo thời gian, lãnh đạo công ty bắt đầu nhìn ra lợi ích mà cách tiếp cận của Apple mang lại: một danh mục thống nhất các sản phẩm điện tử có khả năng phô diễn dịch vụ tốt hơn giao cho người ngoài. Bên cạnh Pixel, còn có thiết bị giải trí, thực tế ảo, bộ định tuyến Wi-Fi được công bố tại sự kiện đầu tháng 10.

Gia nhập thị trường phần cứng là một cam kết rủi ro và tốn kém. Tuy nhiên, Google cần có thiết bị riêng để bảo đảm phân phối dịch vụ web và các dịch vụ phức tạp hơn như thực tế ảo và thực tế tăng cường.

Vì vậy, mùa hè năm 2015, CEO Sundar Pichai đã phê duyệt dự án Pixel, việc phát triển thiết bị thực chất mới bắt đầu từ năm ngoái. “Sự khác biệt với thiết bị này là chúng tôi bắt tay làm từ đầu”, Dave Burke, người phụ trách kỹ thuật Android cho biết. Ngược lại, Google chỉ “đụng tay” vào Nexus cho đến khi hoàn thiện 90%.

Khi Osterloh, 44 tuổi, được giao nhiệm vụ vào giữa tháng 4, ông mang tất cả nhóm phần cứng Google vào một bộ phận duy nhất, đóng cửa các dự án mà ông xem là không đóng góp gì cho tương lai Google.

Ngày nay, các kỹ sư, nhà thiết kế từ Googel Glass, Chromecast và Pixel đều làm việc cùng nhau. Việc giữ họ tách biệt khiến rất khó đạt mục tiêu chiến lược và sự tập trung.

Phản ánh tham vọng nắm giữ chuỗi cung ứng phong cách Apple, bộ phận này có cả đội quản lý cung ứng, vốn là các chuyên gia của bộ phận smarthome Nest mà Google mua lại 3 năm trước.

Google từ chối tiết lộ đã đổ bao nhiêu tiền vào Pixel. Dù vậy, Jason Bremner, cựu quan chức Qualcomm hiện đang làm sản phẩm phần cứng Google, cho biết đứng ra chịu trách nhiệm toàn bộ với Pixel đồng nghĩa với việc gánh rủi ro về hàng tồn kho, chuỗi cung ứng trên vai, tốn hàng trăm triệu USD mỗi ngày.

Với việc tự thiết kế điện thoại, về lâu dài, Google có thể đặt ra lộ trình sản phẩm cho vài năm tới. Ngày càng nhiều smartphone được phát triển ngay tại thủ phủ Google.

Theo Burke, cuối cùng công ty thậm chí còn có thể xuất xưởng “silicon” riêng, thuật ngữ ám chỉ con chip tùy biến để thiết bị hoạt động tốt hơn.

Đây là một hướng đi rất khác so với trước đây, khi Osterloh còn điều hành bộ phận Motorola. “Khi còn là một phần của Google, chúng tôi rất độc lập”.

Giờ đây, nhóm của anh sớm được tiếp cận với các tiến bộ của công ty trong máy học và sáng kiến từ nhóm Assistant. Điện thoại Pixel cũng là thiết bị đầu tiên chạy phiên bản tiếp theo của Android cùng với các hỗ trợ khác của Google như hiệu ứng camera chuyên nghiệp, chat trực tiếp hay dịch vụ tự động làm trống bộ nhớ qua đám mây.

Tuy vậy, Google vẫn xây “tường lửa” giữa bộ phận phần cứng và Android để công nghệ độc quyền của các nhà sản xuất điện thoại khác không bị rò rỉ. Hiroshi Lockheimer, người phụ trách bộ phận Android, tiết lộ nhóm của ông đối xử với nhóm phần cứng cũng như bất kỳ khách hàng nào khác.

“Samsung là đối tác rất quan trọng, cũng như LG, Huawei… Rick là đối tác quan trọng. Samsung nói cho chúng tôi thông tin tối mật về dòng sản phẩm và kế hoạch của họ.Chúng tôi không nói lại cho LG và ngược lại. Điều đó tiếp diễn. Mọi người đều được đối xử như nhau, kể cả nhóm của Rick”.

Khi Osterloh trình diễn Pixel tại trụ sở Google, nó ngay lập tức cho thấy kỹ năng vượt xa hàng năm ánh sáng so với Google Glass hay Chromecast. Với khung kim loại và những đường cong hấp dẫn, Pixel có nhiều sự tinh tế của Nest hơn.

Bộ đôi điện thoại trang bị camera chụp ảnh nhanh hơn cả cái chớp mắt, ứng dụng tốc độ sánh ngang laptop và thời lượng pin tốt nhất. Ngoài ra, máy quét vân tay trên Pixel hoạt động như một trackpad và con quay hồi chuyển giúp giảm rung khi quay phim.

Pixel được cấu tạo từ linh kiện của một số hãng cung ứng, trong đó có chip Snapdragon của Qualcomm và được HTC lắp ráp tại Đài Loan. Dù vậy, trong phiên bản đầu tiên vẫn có thành phần đặt riêng, chẳng hạn công nghệ modem không dây tiến hóa từ Nexus hay chipset được Google tối ưu hóa để thời gian phản hồi cảm ứng và chụp ảnh nhanh hơn nhiều các thiết bị Android khác.

Google Assistant lại được phát triển độc lập với Android và đưa ra gợi ý dựa trên các từ khóa trước đó. Chẳng hạn, nó liệt kê các địa điểm tại San Francisco sau khi được hỏi về thời tiết địa phương.

Dù HTC là đơn vị lắp ráp Pixel, Osterloh cho biết cách tiếp cận đó không khác biệt so với quan hệ đối tác giữa Apple và Foxconn. Lật Pixel lên, bạn sẽ nhìn thấy dòng “Made by Google”, rất giống với dòng chữ “Designed by Apple in California”. Theo Osterloh, Google sẽ không bao giờ nói Pixel được đồng thiết kế với ai khác. Ông tự hào tuyên bố: “Nó là của chúng tôi”.

Theo ICT News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ