Câu chuyện 'con gà - quả trứng' đất cho trường học

GD&TĐ - Quỹ đất dành cho giáo dục ngày càng eo hẹp, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư. 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Ngữ
Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Ngữ

Trong khi bài toán quỹ đất dành cho giáo dục chưa có lời giải, dân số cơ học tăng hàng năm khiến quá tải trường, lớp trở thành vấn đề “nóng”, gây bức xúc dư luận.

Áp lực trường lớp tăng

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quỹ đất dành cho giáo dục không quá “nóng” so với Hà Nội và TPHCM, tuy nhiên, tại các đô thị trung tâm vẫn xảy ra tình trạng trường học thiếu quỹ đất. Điều này khiến các trường khó đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây thêm trường mới lại càng khó hơn. Việc dồn ghép các điểm trường lẻ vào trường chính nhưng quỹ đất gặp khó khăn, khiến sĩ số các lớp ở trường chính tăng cao, gây quá tải…

Ninh Kiều là quận trung tâm của TP Cần Thơ. Năm học nào cũng vậy, quận chịu áp lực lớn từ sĩ số học sinh cho đến trường lớp. Dù được quan tâm đầu tư nhưng số lượng trường học chưa đáp ứng nhu cầu học tập; đặc biệt là sĩ số học sinh tăng nhanh (nhất là học sinh tiểu học). Thực tế tại nhiều trường tiểu học ở trung tâm quận, sĩ số lớp hơn 40 em...

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, Cần Thơ hiện có 3.037 phòng học/3.078 lớp, trong đó có 2.741 phòng kiên cố (đạt tỷ lệ 89,05%), còn lại là phòng học tạm, mượn. Tỷ lệ phòng học trên lớp đạt 0,98; số trường có đủ phòng chức năng theo Điều lệ trường tiểu học là 134/169 (tỷ lệ 79,28%). TP còn thiếu 41 phòng học phục vụ cho lớp 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Phòng học bộ môn của một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo diện tích, thiết bị theo quy định…

Học sinh tiểu học tại quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).

Học sinh tiểu học tại quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết, bên cạnh những thuận lợi, TP cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như nguồn lực tài chính đầu tư cho đổi mới GD-ĐT còn hạn chế. Tình trạng thiếu quỹ đất nâng cấp các trường học tại khu vực trung tâm quận, huyện… vẫn tồn tại.

Tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), áp lực sĩ số học sinh tại một số trường khá lớn. Sĩ số bình quân học sinh/lớp nhiều hơn so với quy định tập trung ở một số trường tiểu học tại trung tâm TP Cà Mau như Tiểu học Quang Trung (43 học sinh/lớp), Tiểu học Hùng Vương (44 học sinh/lớp), Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (43 học sinh/lớp), Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu (45 học sinh/lớp), Tiểu học Lê Quý Ðôn (44 học sinh/lớp)…

Tương tự, Long An là tỉnh có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh nên gặp nhiều khó khăn do quá tải trường lớp. Đơn cử như huyện Đức Hòa là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, giáp ranh với TPHCM, diện tích hơn 42.000ha, dân số trên 345.000 người.

Với 7 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, dân số cơ học tại địa phương tăng nhanh. Năm học 2022 - 2023, toàn huyện Đức Hòa tiếp nhận trên 55.000 học sinh. Chỉ tính riêng Trường THCS Hậu Nghĩa đã có 56 lớp với hơn 2.400 học sinh, do không đủ lớp để học 2 buổi nên học sinh chỉ học 1 buổi với sĩ số hơn 40 học sinh/lớp.

Trường mầm non tại Khu dân cư T.T (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bị bỏ hoang nhiều năm.

Trường mầm non tại Khu dân cư T.T (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bị bỏ hoang nhiều năm.

Chuyển đổi mục đích sử dụng

Trong quy hoạch phát triển GD-ĐT TP Cần Thơ định hướng đến năm 2030, diện tích đất xây dựng trường được mở rộng thêm khoảng 145ha (khoảng 55% diện tích đất trường học hiện tại). Trong đó, bậc mầm non 34,4ha; Tiểu học 53ha; THCS 39ha và THPT 17,7ha. Thành phố Cần Thơ cũng xác định ưu tiên quỹ đất cho phát triển mạng lưới trường lớp, tránh những nơi có nguy cơ ngập lụt hoặc sạt lở đất. Các quận, huyện phải bảo đảm có đất sạch để xây dựng trường, lớp khi có kế hoạch đầu tư vốn...

Tại các khu chung cư, khu đô thị đều có quy hoạch đất để xây dựng trường học và hạ tầng xã hội. Tuy nhiên khi xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp, một số địa phương và chủ đầu tư chưa chú trọng đến việc dành quỹ đất xây dựng trường học để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, người lao động đang sinh sống, phục vụ tại nơi đó. Cũng do hạn chế trong nắm bắt, thông thuộc các quy định, thủ tục về đất đai nên việc bố trí quỹ đất, xây dựng trường học còn gặp khó khăn về thủ tục...

Cuối năm 2022, Sở Xây dựng TP Cần Thơ có báo cáo gửi UBND thành phố về rà soát việc chấp hành quy định pháp luật lĩnh vực nhà ở, hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt đối với dự án Khu dân cư T.T (quận Cái Răng).

Theo đó, các vị trí chủ đầu tư đã thi công xây dựng hạ tầng và nhà ở liền kề không đúng với quy hoạch chi tiết được duyệt. Cụ thể, tại vị trí lô có ký hiệu GD (đất giáo dục, diện tích 2.660m2), chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng giao thông và nhà ở có kiến trúc 1 trệt 1 lầu. Tại vị trí lô E1 (khối thư viện, diện tích 2.375m2); lô E2 (khối căng-tin - dịch vụ giáo dục, diện tích 1.894m2); lô E3 (khối ký túc xá, diện tích 2.673,8m2)… chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà ở.

Chị Nguyễn Thị Hường, người dân Khu dân cư T.T, cho biết: “Khi mua nhà, gia đình được giới thiệu khu dân cư có xây dựng trường học. Vào ở gần 10 năm, đến nay khu trường mầm non bị bỏ hoang, còn khu đất cho giáo dục cũng xây nhà ở. Trong khi đó gia đình tôi mỗi ngày phải đưa con đi học 10km. Toàn khu có hơn 800 hộ, hàng nghìn cư dân sinh sống nhưng thiếu trường học nên gặp khó khăn khi tìm trường và đưa đón con đi học”.

Từng dạy tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ), thầy Lê Xuân Bột bày tỏ mong muốn: “Các địa phương cần có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Đối với các thành phố, đô thị trung tâm, tầm nhìn quy hoạch phải tính đến những biến động của tình hình dân cư, kinh tế - xã hội, di dân cơ học…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ