Thiết bị nhỏ bé nhưng thiết thực này có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người mắc chứng Alzheimer gây mất trí nhớ.
“Wearable sensor” là thiết bị cảm ứng siêu mỏng có thể gắn vào chân hay vớ của người bệnh. Mỗi khi họ nhấc chân đi, thiết bị lập tức gửi tín hiệu vào phần mềm cài trên điện thoại và điện thoại sẽ phát ra âm thanh báo cho người chăm sóc biết, tránh tình trạng người bệnh Alzheimer đi lang thang và có thể bị lạc khi không ai để ý.
Tình yêu thương với người ông, một bệnh nhân Alzheimer nhiều năm, là động lực thôi thúc cậu bé 15 tuổi nghiên cứu thiết bị này.
Kenneth Shinozuka cho biết em không bao giờ quên lúc nửa đêm nọ, cảnh sát đưa ông em về nhà khi phát hiện ông đang lang thang trên đường cao tốc trong bộ đồ ngủ.
Trước khi tham gia Hội chợ khoa học Google, Kenneth thử nghiệm thiết bị mới với chính ông của mình trong 6 tháng liên tiếp. Kết quả, nó thông báo 437 lần di chuyển của ông và chưa lần nào báo sai.
Hiện tại, Kenneth đang chế tạo khoảng 100 thiết bị cảm ứng siêu mỏng dành tặng các nhà dưỡng lão.
Chưa hài lòng với đóng góp mới trong công tác hỗ trợ bệnh nhân Alzheimer, cậu học sinh phổ thông này còn đang ấp ủ dự định giải quyết một vài bí ẩn khác trong não bộ, tìm cách điều trị bệnh Alzheimer cũng như một số bệnh thần kinh khác thường gặp ở người lớn tuổi.
Với phát minh có tính ứng dụng thực tiễn rất cao, Kenneth giành giải thưởng “Science in Action” của Công ty Scientific American trị giá 50.000 USD do Hội chợ khoa học Google 2014 tài trợ.
Đây là giải thưởng thường niên dành cho các bạn trẻ nhằm tôn vinh các dự án có tính ứng dụng hiệu quả trong giải quyết các vấn đề về môi trường, sức khỏe và tài nguyên.