Không áp lực về thời gian
Thời điểm kết thúc năm học được Bộ GD&ĐT điều chỉnh là trước 30/6 (thay vì 30/5 như trước đây). Chỉ đạo này, theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, là rất cơ động, sát với thực tế địa phương. Nếu dịch bệnh không diễn biến phức tạp thêm, thời gian học sinh (HS) nghỉ tương đương với thời gian kết thúc năm học được lùi lại, nên không có gì bị áp lực. Đó là chưa kể trong kế hoạch thời gian năm học còn có tuần dự phòng để cơ sở giáo dục thực hiện một số hoạt động khác như bồi dưỡng HS nghỉ học nhiều, HS yếu kém, tổ chức hoạt động giáo dục khác theo điều kiện cụ thể của nhà trường.
“Cơ sở giáo dục hoàn toàn có thể chủ động được hoạt động giáo dục của trường mình, đảm bảo dạy học đầy đủ chương trình môn học, không được cắt xén chương trình, cắt xén kiến thức nội dung bài học. Đổ cho lý do dịch bệnh để xem nhẹ, dạy học qua loa, không nghiêm túc là không nên. Tôi nghĩ, nếu nhà trường điều chỉnh kế hoạch dạy học tốt, chương trình sát sao, tận dụng thời gian triệt để, có thể rút ngắn được thời gian kết thúc năm học trước 1-2 tuần so với quy định của Bộ GD&ĐT” – ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh.
Đồng tình không cần thiết phải cắt giảm chương trình, ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, nêu lý do: Theo kế hoạch điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, thời gian kết thúc năm học kéo dài thêm 1 tháng. Thực tế hoạt động giảng dạy kết thúc vào khoảng từ 15-20/5 hằng năm. Như vậy, cơ sở giáo dục còn ít nhất 1 tuần dự trữ. Các tỉnh nếu cho HS nghỉ học thêm thì có thể sử dụng quỹ thời gian 1 tuần dự trữ của học kỳ I và 1 tuần dự trữ của học kỳ II; trường hợp thiếu nữa thì lập kế hoạch học bù.
“Tại Quảng Ngãi, kế hoạch học bù (nếu cần thiết) được Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn là dạy 2 buổi/ngày hoặc vào ngày nghỉ trong tuần (HS tiểu học, THCS chỉ học 5 buổi/ngày/tuần)” – ông Đỗ Văn Phu chia sẻ.
Một số ý kiến từ cơ sở giáo dục cũng tự tin xoay sở được để hoàn thành chương trình, đồng thời nhấn mạnh thêm, việc cắt giảm chương trình không phải cứ muốn là có thể làm. Nói như ông Lê Đình Khương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2, Bắc Giang - cắt giảm chương trình là công việc phức tạp, bởi lẽ phải cân nhắc cắt giảm nội dung nào? Khi đó sẽ rất khó để có sự thống nhất giữa các địa phương. Việc cắt bỏ nội dung chương trình cũng phức tạp như xây dựng chương trình, nên trong thời gian ngắn khó mà quyết định được.
Còn theo ông Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS và THPT ICOschool (Bắc Giang), kiến thức dạy trong nhà trường là kiến thức cơ bản, cắt gì, bỏ gì là vấn đề lớn; nhưng tại các trường thì rất linh hoạt. Chỉ cần Bộ/Sở GD&ĐT ra được mốc thời gian kết thúc năm học, giao cho nhà trường chủ động tổ chức rà duyệt chương trình, chủ động thời gian thì sẽ hoàn thành được. “Bình thường chương trình đến khoảng từ 10-15/5 cơ bản đã kết thúc. Do đó, chỉ cần tổ chức học từ 15-31/5, học 2 buổi/ngày đã có thể giải quyết cơ bản vấn đề. Trường không học 2 buổi thì vẫn có quỹ dự phòng để tận dụng để dạy học bù” – ông Hà Đình Sơn cho biết.
Phát huy trách nhiệm, sự sáng tạo
Trong hai tháng gần đây, nhiều hoạt động chuyên môn do ảnh hưởng dịch bệnh phải lùi lại, cho nên, kế hoạch giáo dục từng địa phương tuỳ thuộc rất lớn vào tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo và sự nghiêm túc, chặt chẽ của từng nhà trường. Quá trình đó, theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, đòi hỏi vai trò hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Sở, Phòng GD&ĐT.
“Hiện nay, HS THPT hầu hết các tỉnh thành đã quay lại trường học. Nếu tình hình dịch bệnh tốt lên thì HS các cấp học còn lại sẽ đi học tiếp. Có một thực tế là, HS trở lại trường trong tâm lý còn lo lắng, chưa yên tâm; cộng thêm thời gian nghỉ Tết dài nên "sức ì" xảy ra ở nhiều em là không tránh khỏi. Tỷ lệ phần trăm HS không đi học mấy ngày gần đây, ngoài những em mắc bệnh thông thường, gia đình gặp phải khó khăn đột xuất, số còn lại nói lên điều đó. Cho nên, đòi hỏi các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên phải làm việc với tinh thần quyết tâm cao, sâu sát, nắm rõ từng em, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ HS để từng bước tạo nền nếp, quy củ trong từng trường học” – ông Luân nêu quan điểm.
Việc lùi thời điểm kết thúc năm học 1 tháng thì thời lượng chương trình không ảnh hưởng, nhưng tình hình thực tế diễn biến thế nào thì chưa lường hết được. Bởi vật, để chủ động hơn, ông Tô Ngọc Sơn, chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho rằng, việc thực hiện chương trình còn lại không cần quá cứng nhắc; nên tăng cường vai trò tổ chuyên môn trong việc thực hiện chương trình, tập trung vào kiến thức trọng tâm, như vậy sẽ tránh được áp lực cho giáo viên, HS.
Khẳng định chương trình giáo dục là xương sống, cốt lõi, ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội,nhấn mạnh quan điểm: Trong mọi trường hợp, phải đặt quyền lợi người học lên cao nhất: quyền được học đầy đủ các nội dung kiến thức theo quy định trong một môi trường giáo dục an toàn.
Ngành Giáo dục nên phối hợp với các tỉnh thành, khắc phục khó khăn, sắp xếp thời gian, bù đủ thời gian học tập cho HS, sắp xếp lịch thi, tuyển sinh hài hoà với tình hình thực tế (có thể lấy vào thời gian nghỉ hè). Không nên cắt giảm nội dung chương trình vì nội dung chương trình giáo dục được công bố không chỉ chúng ta mà trên thế giới đều biết. Thế giới cũng qua đó để đánh giá được mức độ đào tạo và năng lực HS Việt Nam. Khi cắt giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc đánh giá của quốc tế tới HS Việt Nam.
“Khó khăn này không phải là khó khăn riêng của ngành Giáo dục. Ngành Giáo dục tất nhiên phải cố gắng vượt khó nhưng cũng rất cần sự chung tay của toàn xã hội, sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước để tìm ra biện pháp khắc phục khó khăn tốt nhất.” – ông Nguyễn Quý Xuân bày tỏ.