Cấp thiết xây dựng môi trường không gian mạng an toàn cho người học

GD&TĐ - Dù cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo nhưng hằng ngày, hằng giờ vẫn có sinh viên bị lừa đảo, thông tin giả, bắt nạt… trên không gian mạng.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Thực tế này đòi hỏi cấp thiết xây dựng môi trường không gian mạng an toàn cho người học.

Lừa đảo không trừ ai

Từ thực tế bản thân, sinh viên Lê Bảo Ngọc Minh - Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV) cho rằng, có 3 loại rắc rối, nguy hiểm khi tham gia môi trường số: Cuộc gọi rác; ăn cắp thông tin hoặc tạo tài khoản giả trên mạng xã hội; tin nhắn cá nhân công kích, bình luận ảnh hưởng đến tâm lý.

“Trong 3 hình thức này, khó giải quyết nhất đối với sinh viên là tin nhắn công kích cá nhân vì có những nội dung riêng tư, bản thân em và các bạn chưa biết phải mở lòng với bố mẹ thế nào”, Ngọc Minh chia sẻ.

Nổi tiếng với vai diễn My Sói trong phim “Quỳnh Búp bê”, diễn viên Thu Quỳnh - Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), từng là nạn nhân của tin giả, bạo lực trên mạng xã hội. Nữ diễn viên kể, có những scandal “trên trời rơi xuống” nhưng phải đi xử lý khủng hoảng truyền thông. Cô không phủ nhận lợi ích của mạng xã hội, nhưng người dùng cũng có thể trở thành người cả tin. “Sự cả tin khi đón nhận thông tin khiến mọi người dễ phán xét trên không gian mạng”, diễn viên Thu Quỳnh chia sẻ.

Nữ diễn viên cho rằng, bất kể ai sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là sinh viên, cũng có thể trở thành thủ phạm lan truyền thông tin sai lệch, gây hậu quả khôn lường. “Ranh giới giữa nạn nhân, thủ phạm rất mong manh”, Thu Quỳnh nói và nhấn mạnh, điều quan trọng mỗi người cần trang bị kiến thức, ý thức để tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội, kịp thời báo cho cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc.

Dành lời khuyên cho sinh viên về cách phòng, bảo vệ bản thân trước tin nhắn quấy rối, công kích trên mạng xã hội; diễn viên Thu Quỳnh cho rằng hãy vững vàng, nếu không làm sai, chúng ta không có gì sợ; cùng chống lại những tiêu cực trên mạng xã hội. Quan trọng là không để tinh thần bị ảnh hưởng.

Lừa đảo không trừ ai khi sử dụng Internet, trong đó có học sinh, sinh viên, bà Đinh Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ tại Tọa đàm “An toàn không gian mạng cho sinh viên”.

Theo bà Như Hoa, trong cẩm nang lừa đảo trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông có đề cập đến 13 hình thức lừa đảo với học sinh, sinh viên Việt Nam. Trong đó, có lừa đảo combo du lịch giá rẻ, cuộc gọi. Thậm chí, có cuộc gọi xưng là Bộ Thông tin và Truyền thông. Nội dung lừa đảo theo kiểu: Quý vị có thể khóa tài khoản trong 2 giờ tiếp theo.

Ngoài ra, trên không gian mạng nở rộ quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen... hoặc hiện tượng giả mạo ngân hàng qua tin nhắn. Cũng có chiêu trò lừa đảo theo kiểu: Để phòng tránh rủi ro mời nhấn vào đường link này. Song, khi nhập đường link thì bị ăn cắp thông tin cá nhân và mất cả tiền.

“Nhiều cuộc gọi trao đổi, mời tham gia vào trang mạng mua sắm trên trang điện tử. Trong lần đầu, khi sinh viên thực hiện mua hàng sẽ được trao trả rất chuẩn. Sau đó, các em được yêu cầu thực hiện giao dịch từ mấy chục và mấy trăm triệu đồng. Khi đã “sập bẫy”, các bạn sẽ bị thoát khỏi nhóm, mất toàn bộ số tiền”, bà Như Hoa chia sẻ.

Sinh viên BUV được trao kỹ năng tham gia vào không gian mạng. Ảnh minh họa/website của trường.

Sinh viên BUV được trao kỹ năng tham gia vào không gian mạng. Ảnh minh họa/website của trường.

Trang bị kỹ năng

Nhằm trang bị kỹ năng cho sinh viên khi tham gia không gian mạng, TS Hamza Mutaher - chuyên gia Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết, BUV có nhiều khóa học, đào tạo, giúp các em tự bảo vệ trước nguy cơ lừa đảo trên thế giới ảo.

Theo đó, nhà trường giới thiệu cho sinh viên những khóa học về cách để bảo vệ tài khoản; nhận thức rủi ro, từ đó đưa bản thân và gia đình vào vùng an toàn, sử dụng hiệu quả, lợi ích từ không gian mạng.

Thực tế, trong chương trình đào tạo của các trường đại học có nhiều hoạt động lồng ghép về an toàn không gian mạng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, để thực hiện tốt việc tăng cường an ninh mạng, cần phân ra 3 nhóm gồm: Xây dựng chính sách; xây dựng môi trường; tăng cường nhận thức người sử dụng. Theo đó, người sử dụng cần trang bị kiến thức và nhận thức.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư về năng lực số. Trong đó, chương trình học nâng cao năng lực về thông tin truyền thông từ cấp tiểu học đến đại học được xây dựng dựa trên tiêu chí, tiêu chuẩn chung của UNESCO. Chương trình này được đưa vào cơ sở giáo dục và có chuẩn đầu ra riêng theo từng bậc học.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Dũng, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và ban hành các quyết định về phát động giáo dục, tăng cường lý tưởng cách mạng, trong đó có nội dung ứng xử văn minh trên không gian mạng. “Mục tiêu cao cả nhất của giáo dục là mang đến tri thức cho nhân loại. Vì thế, chúng tôi đặc biệt quan tâm vấn đề an ninh mạng. Bởi một số thành phần xấu có thể tấn công cả thế hệ thông qua mạng Internet”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học mong muốn, từng cá nhân lan tỏa văn minh trên không gian mạng đến các bạn trẻ. Giới trẻ cần nắm vững kiến thức an toàn khi tham gia môi trường mạng để không bị đối tượng xấu lợi dụng.

Ông Nguyễn Anh Dũng bày tỏ: “Bộ GD&ĐT mong muốn có sự song hành của Trung ương Đoàn và các bên liên quan để tiếp tục thực hiện tốt an toàn không gian mạng. Từ chương trình đào tạo về an ninh mạng của BUV, tôi mong sẽ có sự liên kết, liên minh giữa các trường với nhau để lan tỏa những cách làm hay, mô hình hiệu quả khi đào tạo sinh viên”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ