Cấp thiết đổi mới cơ chế tài chính giáo dục ĐH công lập

Cấp thiết đổi mới cơ chế tài chính giáo dục ĐH công lập

(GD&TĐ)-Hôm nay (17/11), Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học”. Trong một ngày làm việc, các nội dung, quan điểm đổi mới và hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính trong lĩnh vực giáo dục đại học theo đúng nội dung định hướng tại Kết luận số 37-TB/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ đã được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận.

cxcx
Hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học”. Ảnh: gdtd.vn

Cấp thiết phải đổi mới

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học đã luôn được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2009, Nghị định số 49/2009/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 được ban hành… Các cơ chế tài chính trên đã tạo động lực quan trọng giúp các cơ sở giáo dục đại học công lập nâng cao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm,

Tuy vậy, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, thực tế cho thấy, cơ chế tài chính hiện nay đối với giáo dục đại học vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới cho phù hợp với các chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới. Sau thông báo Kết luận số 37-TB/TW về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hinh dịch vụ sự nghiệp công”, yêu cầu đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập càng trở nên cấp thiết.

Theo một số đại diện các trường ĐH đã thực hiện việc tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên tại hội thảo, do cơ chế tự chủ vẫn còn “đóng” nên các trường chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động; các trường tự chủ về tài chính không được tự xác định mức học phí; các chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vẫn bị phân bổ một cách cơ học; chương trình dạy vẫn bị quản lý trên khung định sẵn, giảm tính cạnh tranh cũng như chất lượng dạy và học.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng cho rằng, việc phân bổ ngân sách nhà nước hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào cá yếu tố “đầu vào” nên chưa gắn kết giữa kết quả sử dụng nguồn lực NSNN với kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, mức chi phí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nhiều hoạt động thực hành, thực tập bị cắt giảm, do vậy không đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ và tăng cường cơ sở vật chất...

Thí điểm mở rộng quyền tự chủ

Một trong những nội dung quan trọng được trao đổi tại hội thảo là nội dung Đề án thí điểm đặt hàng đào tạo và Đề án thí điểm việc mở rộng quyền tự chủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với nhóm các cơ sở giáo dục đại học công lập có đào tạo các chuyên ngành có nhu cầu cao trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Trường Giang (Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đang cùng một số trường ĐH nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm việc tự chủ tài chính cho một số ngành đào tạo, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt vào quý IV này và sẽ thực hiện ngay vào năm 2013. Như vậy một số ngành học sẽ phải đóng học phí cao. Cũng theo ông Giang, cơ chế phân bổ NSNN cũng sẽ thay đổi từ theo các tiêu chí đầu sang phân bổ theo tiêu chí đầu ra, gắn với các định mức kinh tế, kỹ thuật trong đào tạo, định mức phân bổ chi phí đào tạo, có sự phân biệt giữa cơ sở đào tạo có chất lượng, hiệu quả với cơ sở kém chất lượng; thực hiện phân bổ kinh phí gắn với các kết quả đánh giá, kiểm định độc lập chất lượng đào tạo.

Về vấn đề này, ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh cần chọn thí điểm các trường được quyền tự chủ theo hướng đầu tư có chiều sâu, các trường nên lựa chọn ngành, chuyên ngành phù hợp với yêu cầu thực tế để thực hiện thí điểm. Cùng với việc đào tạo dựa trên đề án phát triển nguồn nhân lực của bộ, ngành, người đứng đầu nhà trường phải có nhiệm vụ giải trình minh bạch hoạt động của đơn vị. Toàn bộ kết quả trên sẽ là cơ sở để ra quyết định có nên lựa chọn thí điểm những năm tiếp theo.

Còn theo  Giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui, Nhà nước nên giao thêm quyền cho những người đứng đầu các đơn vị. Thêm đó, cũng cần tính đến cơ chế trả lương đặc thù đối với những trường tự chủ và nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các trường đại học tìm nguồn vốn khác như từ đầu tư của doanh nghiệp. 

Hiếu Nguyễn

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ