Chị hẹn tôi ở quán cà phê quen và vô đề rất lạ. Chị bảo tôi hãy hỏi chị tất cả những gì tôi thấy cần và nên hỏi để giúp chị tự tìm ra câu trả lời chứ chị sẽ không hỏi gì cả. Chị bảo chị tin rằng sau màn vấn đáp, chị sẽ có câu trả lời cụ thể cho vấn đề của mình.
Tôi: Chị còn yêu anh không?
Chị: Vẫn vậy, nguyên vẹn như thế!
Tôi: Chị có còn tin vào tình yêu của anh?
Chị: Có. Chị biết anh vẫn yêu chị, dù tình yêu ấy đã bị chia sẻ.
Tôi: Chị đã hỏi anh về việc đó chưa? Anh thừa nhận hay phủ nhận?
Chị: Anh phủ nhận. Nhưng chị đã có bằng chứng xác thực rằng anh đã phản bội.
Tôi: Chị có tha thứ không?
Chị: Không.
Tôi: Chị có nghĩ đến lý do “xa mặt, cách lòng” chứ anh không chủ tâm lừa dối?
Chị: Nếu bảo do xa nhau nên anh ngoại tình, thì tại sao chị vẫn chung thủy được, trong khi xung quanh chị cũng đâu thiếu người săn đón.
Chị từng thấy những người đàn bà phản bội, thậm chí với nhiều người đàn ông khác nhau đến nỗi phải mang bệnh, hay có người trong những ngày tháng chờ đoàn tụ với chồng đã kịp cắm cho chồng một đống sừng trên đầu. Phụ nữ cũng có thể ngoại tình khi xa mặt cách lòng kia mà!
Tôi: Phải chăng việc anh ngoại tình là do người phụ nữ kia quá thủ đoạn?
Chị: Có thể. Nhưng nếu tình yêu đủ lớn và người ta đủ bản lĩnh thì thủ đoạn chắc không phải là điều kiện để sa ngã đâu em nhỉ?!
Tôi: Chị đã từng tự hỏi mình có còn quyến rũ?
Chị: Có người định nghĩa phụ nữ quyến rũ là phải có đàn ông tán tỉnh thì mới chứng minh được mình hấp dẫn. Chị lại nghĩ, ngoài những yếu tố hình thể, ăn mặc đẹp hay thông minh… quyến rũ còn bao gồm cả đức tính thủy chung. Sự son sắt thủy chung ở đàn bà còn quyến rũ hơn cả ánh mắt đong đưa và hành động lẳng lơ đấy em ạ.
Tôi: Chị đã soi rọi lại mình xem mình có điều gì chưa tốt, cần thay đổi hay không?
Chị: Ngay khi biết anh thay lòng, việc đầu tiên chị làm là kiểm điểm lại bản thân xem đã sai sót hay có điều gì chưa tốt, và chị cũng đã hỏi anh cũng như thẳng thắn nói ra tất cả những gì mình nhận xét về bản thân và lắng nghe từ phía anh.
Tôi: Chị có tiếc những tháng năm hạnh phúc?
Chị: Có. Chị đã khóc nhiều và tiếc nhiều mỗi khi nghĩ đến.
Tôi: Chị có sợ con chị thiếu cha không?
Chị: Có, nên chị sẽ không chia rẽ tình cảm cha con họ. Nhưng chị cũng không muốn con chị sẽ trở thành người đàn ông không chung thủy. Trẻ con sẽ nhìn vào những gì người lớn sống và định hình nhân cách từ đó.
Tôi: Chị có nghĩ là sẽ có lúc chị ân hận sau quyết định ly hôn?
Chị: Có thể chị sẽ ân hận và rất đau đớn, nhưng chị tin vết thương nào rồi cũng lành.
Tôi: Chị ly hôn là tạo cơ hội cho họ đến với nhau đấy, chị có biết không?
Chị: Chị biết. Và chị cũng biết, không có gì đau đớn hơn cho kẻ-phản-bội-còn-lương-tri như anh bằng việc mất đi điều họ không còn xứng đáng để có, và sự trừng phạt lớn nhất cho hai kẻ ấy là đến với nhau, trở thành “của quen” trong mắt nhau.
Tôi: Chị còn quá trẻ để đi một mình, nhưng liệu chị có còn đủ lòng tin vào cuộc sống với nỗi đau con chim ngã sợ cành cong?
Chị: Chị không sợ cành cong đâu. Một người đàn ông phản bội, không có nghĩa là tất cả đàn ông trên đời đều phản bội. Chị vẫn tin vào cuộc sống, tin ở mình.
Và chị mỉm cười, mắt long lanh nước.
Sau đó, chị “trả lại” người mẹ già bị tai biến nằm một chỗ của anh cho “đôi vợ chồng mới” ấy, dắt con ra đi. Anh bỏ dở chương trình học để trở về lo cho mẹ, làm thủ tục ly hôn và cưới người đàn bà kia, khi cô ta đã có thai mấy tháng.
Hai năm không gặp chị, suýt không nhận ra khi thấy chị đẹp hơn trước. Giờ chị là chủ 2 ki-ốt tại một trung tâm thương mại lớn, chồng chị là doanh nhân giỏi và hết lòng thương yêu mẹ con chị.
Còn anh và người vợ mới sau khi đến được với nhau thì cũng chấm dứt những tháng ngày hoa mộng mà phải đối mặt với cuộc sống thực tế trần trụi không còn hoa và quà hay những buổi chiều nắm tay dạo phố ở đất nước xinh đẹp kia.
Cô vợ mới dằn hắt, bực dọc khi phải chăm sóc một bà cụ tai biến nằm liệt giường, không thể tự ăn uống tắm rửa hay đi vệ sinh. Một đứa trẻ và một bà cụ khiến cô ta đầu bù tóc rối, anh cũng phải san sẻ trách nhiệm và dành nhiều thời gian ở nhà.
Dù chị luôn tạo điều kiện để anh đến thăm con, nhưng cô ta thì không cho phép. Họ thường xuyên cãi vã, anh chán nản sinh tật rượu chè. Cuộc sống chung chẳng phải là thiên đường như họ từng nghĩ. Anh tiếc những ngày xưa, tiếc người vợ đảm đang chung thủy…
Ngày chị đưa con về thăm mẹ anh khi bà sắp mất và đòi gặp cháu, bà nắm tay chị thật chặt mà nước mắt cứ chảy dài. Còn anh đứng ngay bậc cửa, nhìn nắng xuyên qua những vòm cây trước hiên, mắt hoe hoe đỏ. Anh muốn nói với chị nhiều lắm, nhưng biết đã muộn rồi. Giờ anh chỉ có mỗi cái quyền duy nhất, đó là quyền ân hận.