Cảo thơm lần giở lại ngậm ngùi…

GD&TĐ - Tuy đã nghỉ hưu và cao tuổi, nhưng rất nhiều người ở Vĩnh Yên đều tỏ lòng kính trọng khi nhắc đến cô Nhữ Thị Bích Chí – cựu giáo viên trường THPT Trần Phú (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Cuộc đời riêng của cô như vầng trăng hao khuyết nhưng tỏa ánh sáng soi chiếu cho tâm hồn bao thế hệ giáo viên và học sinh.

Cô Chí giới thiệu với HS về văn bia được tìm thấy tại trường THPT Trần Phú
Cô Chí giới thiệu với HS về văn bia được tìm thấy tại trường THPT Trần Phú

Hạnh phúc dang dở và lời thề trọn đời không phai

Ở tuổi đôi mươi nhiều ước mơ và khát vọng, cô Chí có tình yêu tha thiết với một người lính. Xa nhau đằng đẵng, nhớ thương vời vợi, hai người luôn thầm nhủ và động viên nhau: Ngày đất nước thống nhất sẽ là ngày hạnh phúc của lứa đôi. Nhưng người lính ấy đã anh dũng hi sinh ở chiến trường miền Nam khiến lời hẹn “Đợi anh về” không thành hiện thực.

Dù vậy, kỉ niệm trong lòng cô giáo mãi không phôi pha, đôi mắt nhung huyền thời con gái nay đã bạc màu thời gian của cô vẫn ánh lên niềm yêu thương khi kể về người lính ấy. Cô hỏi chương trình học văn ở phổ thông bây giờ còn học bài thơ “Đợi anh về” của Ximonop không? Rồi như chìm vào quá khứ vẹn nguyên, cô khẽ khẽ đọc:

Em ơi đợi anh về

Đợi anh hoài em nhé

Mưa có rơi dầm dề

Ngày có dài lê thê

Em ơi em cứ đợi…

Lời hứa và niềm tin “Đợi anh anh lại về” trong cô lớn lao và bền vững bất kể thời gian năm tháng, bất kể nhỏ to khuyên nhủ của người đời, cô Chí không xây dựng gia đình, trọn đời thủy chung với người năm xưa. Bây giờ ở tuổi ngoài bảy mươi cô vui vẻ sống cùng các cháu con chị gái ruột và trong sự kính trọng của học trò nhiều thế hệ. Căn nhà nhỏ của cô nằm khiêm nhường bên cạnh những ngôi nhà cao tầng như chứng tích hiếm hoi còn sót lại giữa thành phố đang từng ngày thay da đổi thịt, phát triển lớn mạnh.

Hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”

Cô Chí - người ngồi đầu tiên bên phải của hàng thứ nhất- cùng đồng nghiệp

Cô Chí - người ngồi đầu tiên bên phải của hàng thứ nhất- cùng đồng nghiệp

Sinh ra trong một gia đình điền chủ giàu có, khi bước vào tuổi thanh niên, cô quyết tâm chọn cho mình nghề như nhiều người ví von “Ăn như sư, ở như phạm”. Tốt nghiệp Sư phạm 7+2, cô gái 17 tuổi đã hăm hở nhận nhiệm vụ theo sự điều động của cấp trên đến dạy học ở những trường còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Dù công tác ở đâu, cô Chí cũng luôn được bạn bè đồng nghiệp, học sinh yêu mến, quý trọng. Cô như một người chị thân thiết, một người bạn lớn để học sinh tìm đến, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống còn nhiều khó khăn ngày ấy.

Trong câu chuyện rôm rả ở nhà cô dịp 20/11, sau lời thăm hỏi và lời kể hồ hởi về thành công, phát triển trong công việc, có học sinh bùi ngùi hỏi: “Cô còn nhớ em đã vào tập thể giáo viên, ăn vẹn phần cơm của cô bao lần không?”. Những doanh nhân - học trò cũ, cúi đầu chép miệng: “Ui, cơm cô giáo ngày ấy chả có gì ngoài rau muống, cà muối, gạo kho thấm nước nở xốp lồng phồng, nhưng sao ngon miệng thế không biết!…"

Cô Chí kể, năm 1978 khi chuyển về trường THPT Trần Phú, cô được nhà trường phân công chủ nhiệm và dạy Văn ở một lớp đặc biệt, lớp mà phần đông học sinh là con của các thương binh, liệt sĩ. Lớp có nhiều học sinh lầm lì, bướng bỉnh. Do thiếu vắng tình cảm của người cha mà các học sinh này cứ gồng lên, chứng tỏ mình mạnh mẽ bằng sự lêu lổng, ngang ngạnh, vô kỉ luật, rồi một lúc nào lại nấp vào góc lớp vắng, tủi thân khóc dấm dứt.

Hiểu được nỗi niềm u uẩn của học sinh mình, cô Chí đã dành tất cả tình thương khỏa lấp khoảng trống nhức nhối trong tâm hồn các học sinh con liệt sĩ. “Lớp học gia đình” do cô vừa làm mẹ vừa làm cha, cô thuộc từ cá tính, hiểu về sức khỏe, biết cả ước mơ của các con. Tình yêu thương của cô đã tạo nên sự gắn bó và nỗ lực học hành cho học sinh, nhiều em trong lớp học con liệt sĩ ấy học rất giỏi, sau này trưởng thành giữ trọng trách của xã hội.

Yêu nghề, mến trẻ, vượt qua cả những mất mát của cuộc đời riêng, cô Chí đã truyền ngọn lửa đam mê khám phá tri thức, truyền cả tấm lòng nhân ái giàu yêu thương cho các lớp học sinh. Dưới sự dìu dắt của cô, đã có biết bao học sinh cất cánh bay cao, bay xa trên những vùng trời của Tổ quốc quê hương. Ngoài 70 tuổi, đôi mắt vẫn còn tinh anh, cô Chí nở nụ cười tươi khi kể kỉ niệm về những học sinh cũ: những doanh nghiệp, nhà khoa học, bác sĩ, giáo viên, cán bộ lãnh đạo tỉnh thành…

Tuy đã nghỉ hưu nhưng cô Chí vẫn dõi theo sự phát triển của nhà trường, trong các buổi gặp gỡ, nói chuyện cô luôn chia sẻ những kinh nghiệm dạy học, cách giáo dục học sinh với các giáo viên trẻ.Với sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, cô Chí đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến năm 1985, được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở GD&ĐT Vĩnh Phú và Vĩnh Phúc nhiều lần khen thưởng.

Cùng với những phần thưởng, danh hiệu cao quý của ngành và nhà nước, phần thưởng vinh dự tự hào nhất cho cuộc đời của nhà giáo Nhữ Thị Bích Chí là niềm tin yêu, kính trọng vô bờ mà các thế hệ học sinh và nhân dân dành tặng cô.

Người hàng phố vẫn thỉnh thoảng thấy học trò cũ lại ghé thăm cô. Có “học sinh” đầu đã hai thứ tóc, nắm bàn tay gầy guộc của cô lắc lắc, hỏi han đôi điều rồi lại vội vã ra đi, vì công việc bộn bề. Có những chiều, một người học sinh cũ nào ghé nhà cô rủ rỉ tâm tình. Để rồi sau đó, khi dắt xe ra cổng chào cô, gương mặt trĩu nặng ưu tư bỗng trở nên nhẹ nhõm, tươi sáng, thơ thới, như thể họ đã tĩnh tâm lại sau khi vừa trải lòng mình trước dòng sông cả dịu hiền, sâu lắng.

Có những loài hoa tuy không rực rỡ sắc màu nhưng lại ngát hương dâng đời, như loài hoa Móng rồng dung dị, thơm sâu ở cổng nhà cô. Nhà giáo Nhữ Thị Bích Chí là một tấm gương nhà giáo có tấm lòng nhân hậu và sự hi sinh thầm lặng hết mình vì học sinh thân yêu. Cô giáo Chí như một bài ca về nhân cách cao đẹp của các nhà giáo, cô xứng đáng là tấm gương để cho các thế hệ giáo viên học tập và noi theo.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.