Cao nguyên khởi sắc

GD&TĐ - Hơn 40% dân số 5 tỉnh Tây Nguyên là đồng bào 47 dân tộc thiểu số (DTTS) khác nhau. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh từng nhấn mạnh: “Nâng cao đời sống, ổn định sản xuất cho đồng bào DTTS vùng biên giới là việc gốc rất hệ trọng, góp phần giữ yên biên cương của Tổ quốc”. 

HS trường PT dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum.
HS trường PT dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trong năm 2014, các tỉnh Tây Nguyên đã đào tạo nghề cho hơn 61.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 42,6%, giải quyết việc làm cho khoảng 99.000 người. 

Quy mô trường lớp phát triển đều và rộng khắp, chất lượng GD được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của các nhà giáo và học sinh được đảm bảo.

Hòa nhịp “guồng máy” đổi mới

Năm 2014, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku) vinh dự là trường học đầu tiên của Tây Nguyên được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kì đổi mới”. 

Kết thúc năm học 2014-2015, ngành GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, đồng thời đón nhận “Cờ thi đua đơn vị xuất sắc” của Bộ GD&ĐT tặng về thành tích dẫn đầu vùng thi đua số 4 (gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. 

Có 1 đề tài nghiên cứu khoa học kĩ thuật của Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) được chọn dự thi quốc tế ở Hoa Kỳ. Tại cuộc thi giáo viên (GV) dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) toàn quốc – Đà Nẵng tháng 8/2015, cả 3 GV của Gia Lai và 4 GV của Đắk Lắk đều đoạt giải (1 giải nhất) v.v...

Để theo kịp yêu cầu tăng cường trang thiết bị dạy học hiện đại cho công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”, tỉnh Đắk Lắk đã lập dự án đầu tư hơn 361 tỷ đồng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho ngành GD tỉnh từ 2016-2020. Riêng năm học mới 2015-2016, ngân sách tỉnh và trung ương đã đầu tư 193 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp và mua sắm trang thiết bị dạy học.

Hơn 180 tỷ đồng cũng đã được tỉnh Đắk Nông ưu tiên cho xây dựng trường lớp và sắm sửa trang thiết bị trường học vào năm học 2015 – 2016. Từ năm 2011 đến tháng 9/2015, Đắk Nông đã có thêm 343 phòng học mầm non (MN) mới được xây cất khang trang – một con số ấn tượng – dẫn đầu bậc học MN toàn Tây Nguyên. Đến nay, cơ bản tỉnh đã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi (về đích thứ 2, sau tỉnh Lâm Đồng).

GDMN tỉnh Gia Lai cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng 617 phòng học, nhưng tiến độ triển khai xây dựng còn chậm. Mặc dù vậy, kết thúc năm học 2014-2015, Gia Lai vẫn huy động được 99,7% trẻ 5 tuổi đến lớp, 100% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày; 100% số trường MN có ứng dụng CNTT; hơn 65% trẻ ăn uống bán trú tại trường.

Bằng nhiều nguồn vốn, trong 2 năm 2014 & 2015, Gia Lai đã rót gần 115,3 tỷ đồng đầu tư CSVC và mua sắm đồ dùng dạy học cho các trường trong tỉnh. Tỉnh đang tích cực đẩy mạnh thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại 70 trường tiểu học và chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP) tại 8 huyện với 42 trường tiểu học. Đây là những mô hình tiên tiến giúp học sinh (HS) tăng cường kĩ năng học tập, rèn luyện theo tổ - nhóm, phát huy tốt tính năng động, sáng tạo, khơi dậy năng lực cá nhân, tạo môi trường học hành thân thiện.

“Guồng máy” đổi mới lan tỏa mạnh ở Lâm Đồng. Riêng TP Đà Lạt có gần 100% số trường tiểu học áp dụng mô hình trường học mới VNEN. Toàn tỉnh hiện có 310/702 trường học các cấp thực hiện dạy học theo Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008-2020”. 

Đã có 5 dự án đầu tư xây dựng các trường MN với tổng số vốn đã đăng kí là 233 tỷ đồng. Chưa kể từ nguồn xã hội hóa GD, NH vừa qua đã đầu tư 74 tỷ đồng cho bậc học MN của tỉnh. Đến nay, số trẻ MN 5 tuổi của Lâm Đồng được ăn uống bán trú lên tới 85% (cao nhất 5 tỉnh Tây Nguyên).

Còn không ít thách thức

Nói đến Tây Nguyên là nói đến công tác đặc biệt quan trọng cấp thiết là chăm lo đời sống và học hành cho con em đồng bào các DTTS. HS DTTS ở Tây Nguyên chiếm gần 30% tổng số HS các cấp học, đông nhất là HS DTTS Ê đê, J’ra, Bah’na, M’nông, K’ho, Mạ v.v...

Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Tây Nguyên đạt gần 40 triệu đồng (thấp thứ nhì cả nước, chỉ hơn các tỉnh miền núi phía Bắc). Tỉ lệ hộ nghèo bình quân toàn vùng còn 10,12%, riêng số hộ nghèo đồng bào DTTS trên 23% (theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên). Cá biệt có xã đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo lên tới 70-75%.

Mấy chục năm nay, nan giải nhất với 5 tỉnh cao nguyên vẫn không ngoài chuyện lo chỗ ở, lo đất sản xuất, lo việc làm, lo cái ăn, cái mặc, sự học cho đồng bào di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên kiếm sống.

Tây Nguyên vẫn còn hơn 23.500 hộ DTTS di cư tự do, chưa được bố trí ổn định chỗ ở và cấp đất sản xuất theo quy hoạch (cao nhất là Đắk Nông: 10.947 hộ, Đắk Lắk: 5.762 hộ...). 

Những thôn – buôn thuộc một số xã có tới 70-75% hộ nghèo thuộc các hộ di cư tự do này). Từ 2005 đến nay, Tây Nguyên đã đầu tư hơn 506 tỷ đồng, triển khia 40 dự án giúp 14.080 hộ DTTS (di cư ngoài kế hoạch) đảm bảo ổn định chỗ ở, đất sản xuất cho bà con. 

Nếu tính trung bình 4 hộ dân có 1 con – em đi học, thì các tỉnh cao nguyên đã lo đủ chỗ ăn học cho khoảng 5.500 HS DTTS dạng di cư tự do. Để giải quyết chuyện ăn ở, việc làm, đất sản xuất cho 23.500 hộ dân di cư ngoài kế hoạch nói trên, dự kiến kinh phí cần thiết và cấp bách lên tới 2.100 tỷ đồng chưa biết lấy ở đâu?

Bởi vậy mới xảy ra chuyện đáng lo: hơn 100 HS bản H’Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư m’gar, Đắk Lắk) phỉa dậy từ 3-4 giờ sáng băng rừng, lội suối đi học. Điểm trường tiểu học gần nhất 4 cây số, xa nhất là trường THCS ở trung tâm xã 17 km. Bản này của DTTS di cư tự do từ Bắc vào đã gần 20 năm, bà con tự ý phá rừng làm rẫy, chưa chấp thuận quy hoạch chỗ ở mới của chính quyền thiết lập... Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện đứng thấp nhất Tây Nguyên, khi mới chỉ có khoảng 67% số phòng học kiên cố.

Tại Lâm Đồng, vẫn còn 141 phòng học cấp 4 đã tàn tạ cần thay thế gấp, chưa kể còn 69 phòng học tạm và mượn. Vào năm học mới rồi, Đắk Nông vẫn thiếu 475 GVMN.

Đặc biệt, sau 7 năm (2007 – 2014) thực hiện chính sách cử tuyển HS DTTS của 5 tỉnh Tây Nguyên vào học các trường ĐH, CĐ, TCCN, đã có 1.194 sinh viên (SV) tốt nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 62,3% (744 SV) được bố trí việc làm phù hợp. Thấp nhất ở Đắk Lắk, số SV được tuyển dụng chỉ có 31/113 em. 

Chi phí từ ngân sách cho mỗi HS – SV cử tuyển (học dự bị và học trường chuyên nghiệp) bình quân là 115 triệu đồng/em. Tính ra tổng chi phí là không nhỏ: 137,310 tỷ đồng. Được biết, số HS trên là nguồn nhân lực có trình độ cao, để về sau làm cán bộ cho chính quyền, đoàn thể các cấp – nhất là ở vùng có đông đồng bào DTTS.

Nhiều hình ảnh, bông hoa tươi thắm

Đến nay, mấy chục cán bộ, GV trường tiểu học Nguyễn Trãi ở tiểu khu 249 và thôn Bình Lợi sát biên giới (xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, Đắk Lăk) vẫn chưa được hưởng chế độ vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

Vùng này do đồng bào DTTS: Tày, Nùng, Mường, Dao, Thổ, H’Mông di cư tự do đến, nên chưa có địa giới hành chính, không hộ nào được cấp sổ đỏ. Cả vùng nổi danh với 7 không: không điện – không đường – không trạm y tế - không chợ - không nước sạch – không nhà vệ sinh – không hộ khẩu! 

Nhiều thầy cô vào mùa mưa phải lội sình đến trường trên quãng đường 5-7 cây số, một số GV từ trung tâm xã vào đến trường tới 30km. Lớp MN Sơn Ca chưa có GV, các bé phải học chung với tiểu học. Chồng chất gian nan vậy, nhưng không một GV nào bỏ lớp...

Nhiều người dân ở xã L H’dreh, huyện Krông Pa, Gia Lai hết sức cảm kích tấm lòng của cô Cao Viễn Phương – GV trường THCS Lê Hồng Phong của xã. Li dị chồng, mình cô nuôi 2 đứa con nhỏ, hàng ngày cô Phương chạy xa gắn máy và cuốc bộ, lội suối đến lớp hơn hai chục cây số đi và về. 

Mưa lũ, phải đi đường vòng trên 30km, mỗi tháng cô phải chi cho xăng nhớt và sửa xe không ít. Vào rằm tháng 8/2015, thương đám học trò người J’rai nghèo khổ, cô Phương đã đi và về hết 300 km đến Pleiku để xin tài trợ, được hơn 3 triệu đồng và 94 suất sữa giúp đám trẻ đón Trung thu. Nhiều năm liền cô được công nhận là GV dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Cô và hai đứa con vẫn tá túc trong căn nhà công vụ ở thị trấn Krông Pa. Nhiều hôm bận việc trường, đến 8-9 giờ tối cô mới về đến nhà, bùn đất lem luốc, ướt sũng.

Với đồng bào K’ho ở xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, thì hình ảnh cô giáo Rơ Ông K’Thủy của trường tiểu học Păng Tiêng là rất thân thiết. Không chỉ là GV giỏi cấp tỉnh, cô Thủy còn tự nguyện hiến tặng hơn 3.200m2 đất của gia đình mình để góp phần xây dựng trường tiểu học Păng Tiêng.

Đáng khâm phục nhất phải kể đến cô bé Nguyễn Thị Hồng Tú, sinh ra không biết mặt cha. Mẹ của Tú hai mươi mấy năm nay tá túc trong túp lều mưa dột nắng xiên ở ngoại ô TP Kon Tum. Bà đi xin ăn ở nhà chùa để nuôi 4 đứa con (2 đứa đành cho đi tu, 1 đứa đang học CĐ cũng tự bươn chải, Tú là con út trong nhà). 

Đi học, Tú xin bạn bè quần áo cũ, dép cũ để dùng lại. Mỗi ngày, 2 mẹ con chỉ bỏ bụng được nửa chén cơm, bữa ngon thì có nửa kí bún và vài miếng đậu hủ chan nước tương. Vậy mà ai ngờ được, Hồng Tú đã trúng tuyển thủ khoa ĐH Huế môn Sử với tổng số điểm 25,5 ở kì thi vừa rồi!

Tại trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng (Đắk Lắk) ở kì thi tuyển sinh ĐH năm 2015 mới đây, mọi người vẫn nhớ mãi 2 cô bé hết sức đáng nể. Đó là Đinh Thị Thùy Linh – dân tộc Tày, nhà ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar và Đàm Thị Ngọc Anh ở xã Đak Mal, huyện Krông Ana – dân tộc Nùng. Hai cô bé từ Bắc theo gia đình di cư vào Đắk Lắk, nhà nghèo làm rẫy thuê, riêng 4 chị em Ngọc Anh thì mẹ mất sớm.

Thùy Linh đã trúng tuyển vào ĐH Luật TPHCM với 26,75 điểm. Cô bé từng đoạt huy chương bạc Olympic truyền thống 30/4 ở khu vực phía Nam; giải nhất HS giỏi tỉnh môn Địa lý lớp 12. Còn Ngọc Anh giành huy chương đồng môn Sử trong kì thi Olympic 30/4; giải nhì HS giỏi môn Sử cấp tỉnh 2015. Kết quả, Ngọc Anh trúng tuyển Học viện Chính trị Công an nhân dân với số điểm là 27!

Cùng xắn tay gánh vác sự nghiệp “trăm năm trồng người”, phải kể đến công lao rất lớn của các cấp hội khuyến học ở Tây Nguyên. Chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng trong 15 năm qua (2000 – 2015), các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã trao tặng 40.500 suất học bổng cho HS – SV nghèo hiếu học và nhiều phần quà với tổng kinh phí 58 tỷ đồng. 47 tỷ đồng cũng đã được trao và khen thưởng cho 450.000 lượt HS giỏi các cấp. Nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã hiến 20.000m2 đấy xây trường, đầu tư hơn 18 tỷ đồng xây phòng học và nhà công vụ cho GV...

Để đáp ứng yêu cầu “ba đủ”: Đủ ăn, đủ mặc, đủ sách và tập cho HS DTTS có hoàn cảnh khó khăn, hàng năm các tỉnh Tây Nguyên đã cấp hàng trăm ngàn tấn gạo, hàng ngàn bộ đồng phục và hàng vạn tập vở - sách giáo khoa miễn phí cho HS DTTS có hoàn cảnh khó khăn. 

Riêng tỉnh Đắk Lắk, đầu NH 2015-2016 đã cấp sách giáo khoa- tập vở - cặp sách cho đối tượng HS nói trên với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng. Tháng 8-9/2015, đã có 2.182 HS DTTS được cấp 65.460 kg gạo. Các em được cấp theo chế độ do Chính phủ quy định là 13kg gạo/1 năm học.

Tỉnh Gia Lai từ 2011 – 2014 đã đầu tư xây dựng mới và bổ sung nâng cấp các trường phổ thông dân tộc nội trú với số tiền lên tới gần 232 tỷ đồng (trong đó trung ương hỗ trợ gần 109 tỷ đồng). Gia Lai đang dẫn đầu Tây Nguyên với việc tăng cường xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú. Hiện đã có 24 trường theo mô hình này, dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 37 trường phổ thông dân tộc bán trú. 

Đây là mô hình rất tốt để nâng cao chất lượng dạy học, cải thiện đời sống cho HS DTTS – nhất là các em ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đang tích cực đẩy mạnh việc dạy tiếng dân tộc: Ê đê, J’rai, Bah’nar và M’nông song song với dạy tiếng Việt cho HS DTTS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ