Cảnh giác với thông tin bắt cóc trẻ em là cần thiết, tuy nhiên nhân câu chuyện này, phụ huynh, nhà trường, xã hội cũng cần có sự phối hợp để nâng cao cảnh giác, đề phòng chuyện đùa thành thật.
Loạn nguy cơ…
Suốt khoảng thời gian sau Tết đến nay, trên một số trang mạng xã hội, Facebook cá nhân nhan nhản thông tin về việc trẻ em bị lạc, tai nạn… Đặc biệt, liên tiếp xuất hiện những thông tin về vụ việc trẻ em bị bắt cóc ngay trước mặt phụ huynh ở Hà Nội, TPHCM khiến không ít phụ huynh hoang mang lo lắng.
Một số trường MN trước “vấn nạn” được cảnh báo cũng đã thông báo yêu cầu: “Do tình trạng bắt cóc trẻ em ngày càng gia tăng, để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý: Đưa đón trẻ tận tay cô, không để trẻ tự đến lớp. Nếu nhờ người khác đến đón trẻ phải điện thoại trước với giáo viên. Đưa đón trẻ đúng giờ, không để trẻ chơi một mình dưới sân trường”. Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Phòng GD&ĐT thành phố cũng đã có thông báo đến các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn, đề nghị nâng cao cảnh giác trước tình trạng người lạ đến trường dụ dỗ học sinh.
Đặc biệt mới đây, trên mạng xã hội, người mẹ trẻ có tài khoản An. Ng (tại Hà Nội) đã kể lại vụ dàn cảnh định bắt cóc con trai chị nhưng bất thành vì gia đình thấy nghi ngờ đã cảnh giác.
Câu chuyện qua lời kể của An. Ng sống động và bí hiểm: Sáng (19/3), bà ngoại đèo con Ng đi mua thuốc (phố Quốc Tử Giám, Hà Nội). Trong lúc mua thuốc, một người lạ mặt gây ra sự va chạm rồi chạy mất. Khi hai bà cháu ngã xuống thì có một người nằng nặc đòi đèo hộ thằng bé. “May mà nhà tôi lúc nào cũng đề phòng vì thấy cũng nhiều vụ dàn cảnh cướp trẻ em nên đi đâu cũng đeo đai buộc con em vào người. Nhờ dây đai mà người đó không đưa thằng bé đi” - Ng viết.
Câu chuyện mang màu sắc bắt cóc trẻ em rất rõ ràng, tuy nhiên qua kiểm chứng thì thấy đó chỉ là một câu chuyện suy diễn và tô vẽ sai sự thật.
Công an phường Quốc Tử Giám cũng xác nhận không có trình báo tố giác liên quan đến bắt cóc trẻ em trong vài ngày sau khi câu chuyện trên được tung lên mạng.
Trang bị kiến thức phòng vệ cho trẻ
Tuy một vài câu chuyện trên mạng xã hội được thêu dệt, khiến dư luận hoang mang song nếu nhìn lại việc phòng ngừa để trẻ em không bị bắt cóc của gia đình, nhà trường hiện nay thấy nhiều lúc, nhiều nơi còn lơ là.
Chị Nguyễn Thanh (phố Bà Triệu, Hà Nội) chia sẻ: Tôi có con đang học mẫu giáo. Có hôm hai vợ chồng bận việc đột xuất không về đón con được phải nhờ cậu em trai đón hộ. Theo quy định thì người thân muốn đón trẻ phải đăng kí trước và có thẻ dán ảnh, nhưng thực tế thì chỉ cần trẻ xác nhận quen người tới đón, cô giáo cũng có thể cho phép đón trẻ.
Chị Thanh cho biết, đây là một kẽ hở mà những kẻ xấu có quen biết các cháu nhỏ có thể lợi dụng gây họa.
Phụ huynh rất cần trang bị kiến thức cho con đối phó với đối tượng bắt cóc. Theo lời khuyên của các chuyên gia thì: Khi cho trẻ đi học hoặc gửi trẻ, cha mẹ hãy đưa ra một mật khẩu cho bé. Chỉ bố hoặc mẹ và người nào hay đón bé mới biết được mật khẩu này. Khi đón bé, hãy nói thầm mật khẩu vào tai để luyện cho bé thói quen. Đồng thời phải dạy con ghi nhớ, dù người thân hay người lạ tới đón, con nhất định phải hỏi mật khẩu. Nếu người đón không nói được mật khẩu thì bé hãy ngay lập tức bỏ chạy và cầu cứu sự trợ giúp từ những người xung quanh.
Vợ chồng chị Thanh Hòa (29 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: Ngay từ khi con 1 tuổi đã dạy con cách lịch sự nhưng cương quyết từ chối nhận quà từ người lạ, từ cả gói bánh hay vài cái kẹo hàng xóm cho cháu cũng hỏi bố mẹ rồi mới nhận hay không.
Bé Thiên Ý, con gái chị Hòa đang học lớp 1, nhưng từ lúc 2 tuổi đã thuộc vanh vách số điện thoại của bố, mẹ, cậu và cả nhà hàng xóm đề phòng trường hợp xấu xảy ra thì bé có thể nhờ bảo vệ, công an… gọi về. Bé cũng thành thạo những cách phản kháng đơn giản được bố dạy để tự bảo vệ bản thân: Đá vào chân, đầu gối và vùng nhạy cảm của kẻ xấu và cố sức kêu cứu thật to…