Cảnh giác với mặt nạ “thâu đêm”

Mặt nạ là một sản phẩm chăm sóc da thiết yếu của phụ nữ góp phần cung cấp độ ẩm, dưỡng da , làm trắng hay ngăn ngừa nếp nhăn … Tuy nhiên, đắp mặt nạ không đúng cách sẽ phản tác dụng.

Cảnh giác với mặt nạ “thâu đêm”

Hệ lụy từ đắp mặt nạ lâu

Phần lớn nữ giới nghĩ rằng đắp mặt nạ càng lâu càng giúp da có được nhiều lợi ích. Và trong lúc đắp mặt nạ họ tranh thủ làm một số công việc khác như xem phim, đọc truyện, lướt mạng… thậm chí có lúc họ hoàn toàn quên đi lớp mặt nạ, có khi họ để mặc nó khô khốc, bong tróc trên da. Thực ra, việc lưu giữ mặt nạ quá lâu trên da là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, nó khiến bạn không những không đạt được hiệu quả mong muốn mà còn khiến cho bề mặt da bị mất đi độ ẩm.

Cảnh giác với mặt nạ “thâu đêm” 1
Khi ngủ, làn da cần được thông thoáng.

Trong khi đó, hầu hết các mặt nạ đều có hướng dẫn sử dụng rõ ràng thời gian đắp, thường khoảng 15 - 20 phút. Thời gian này đủ để da hấp thụ các chất dinh dưỡng từ mặt nạ và độ ẩm của da cũng được bổ sung trở lại. Ngoài ra cũng cần lưu ý, việc thay đổi quá nhiều loại mặt nạ trong một thời gian cũng có thể gây kích ứng da.

Các sản phẩm mặt nạ dưỡng da đều khuyến cáo tránh để qua đêm. Ngay cả khi loại mặt nạ đó chuyên dùng cho ban đêm thì bạn cũng không dám chắc nó sẽ không hút nước từ da, làm da khô thêm. Hơn nữa, khi bạn nghỉ ngơi, làn da cũng cần được nghỉ ngơi và tái tạo, lúc này tuyến nhờn hoạt động mạnh, nếu bị bít kín, da sẽ không thể “hô hấp”, lúc đó hậu quả sẽ như thế nào? Nếu lớp mặt nạ được đắp quá dày thì mức độ nguy hiểm càng cao hơn. Điều này có thể đúng ở một khía cạnh nhỏ khi chúng khiến cho nhiệt độ bề mặt da tăng, thúc đẩy lưu thông máu, làm cho chất dinh dưỡng thẩm thấu tốt hơn vào tế bào, bề mặt da sẽ không bị bốc hơi, nước giữ lại trong các lớp biểu bì khiến da mịn và săn chắc, nhưng tác động của nhiệt cũng khiến lỗ chân lông mở rộng và cho phép tích tụ bụi bẩn vào sâu bên trong da nhiều hơn.

Đắp mặt nạ “thâu đêm” cũng thúc đẩy sự xuất hiện của những nếp nhăn. Việc da mặt bạn dễ bị khô và mất đi độ ẩm tự nhiên phần lớn là do đắp mặt nạ quá thời gian cho phép. Làn da sẽ bị thít chặt lại và dễ tạo thành các nếp nhăn mới. Ngoài ra, đối với các loại mặt nạ hoa có tính lột tẩy mạnh, việc đắp mặt nạ lâu sẽ khiến da bạn có thể bị dị ứng, mẩn ngứa. Không những thế, nếu việc làm đẹp “thâu đêm” diễn ra thường xuyên, bạn sẽ vô tình làm mất đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ trên bề mặt da khiến da bạn không còn khả năng chống lại những tác động môi trường, da trở nên yếu và dễ bị tổn thương hơn.

Cảnh giác với mặt nạ “thâu đêm” 2
Mặt nạ dưỡng da cần phải dùng đúng cách mới có tác dụng tốt cho da.

Lời khuyên

Bất cứ hãng mỹ phẩm chuyên nghiệp nào cũng chỉ ra “thời gian vàng” để đắp mặt nạ thường vào buổi tối và chỉ nên đắp khoảng 15 - 20 phút. Những loại mặt nạ có tính tẩy mạnh như dâu tây thì chỉ nên để 10 - 15 phút. Để phát huy được hiệu quả từ việc làm đẹp đơn giản này, bạn chỉ nên dùng mặt nạ dưỡng ẩm 2 - 3 lần/tuần, còn các mặt nạ thuốc thì 1 - 2 lần/tuần. Với các sản phẩm tự chế từ hoa quả, trứng gà, bạn cũng chỉ nên duy trì tần suất tương tự vì axit trái cây sẽ làm da trở nên nhạy cảm, dễ kích ứng hơn nếu dùng hằng ngày, trừ dưa leo. Ngoài ra, nếu dưỡng da bằng mặt nạ, bạn cần lưu ý:

Thận trọng khi dùng thử: Bất kỳ thứ gì đắp lên mặt đều có thể gây dị ứng, kể cả những mỹ phẩm được quảng cáo là an toàn cho da nhạy cảm. Vì vậy, bạn cần thử phản ứng da trước khi dùng bằng cách bôi thử lên mặt trong cánh tay và theo dõi trong 20 phút. Với làn da dễ ngứa hay nổi mẩn, bạn càng nên thận trọng.

Tránh vùng mắt: Hầu hết các loại mặt nạ đều được khuyến cáo không đắp cho làn da mỏng manh quanh mắt, vì vậy, bạn nên tuyệt đối tránh vùng này.

Không dùng khi bề mặt da bị mụn và có vết thương: Bạn không nên đắp mặt nạ khi da đang bị mụn trứng cá hay có tổn thương. Nếu dùng mặt nạ trị mụn, nên có sự tư vấn của chuyên gia da liễu xem có phù hợp với mình không.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ