Canh cánh nỗi lo cháy nổ mùa nắng nóng

GD&TĐ - Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, 5 tháng đầu năm 2018 cả nước đã xảy ra 1.762 vụ cháy nổ, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, cùng hàng trăm người chết và bị thương. Riêng trong tháng 5, cả nước đã để xảy ra 309 vụ cháy nổ, làm 9 người chết và 13 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 300 tỷ đồng...

Canh cánh nỗi lo cháy nổ mùa nắng nóng

Mỗi ngày xảy ra trên 11 vụ cháy nổ

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 1.762 vụ cháy nổ, như vậy tính bình quân mỗi ngày cả nước đã xảy ra hơn 11 vụ cháy nổ. Các vụ cháy nổ tập trung ở các khu chung cư cao tầng, khu dân cư, các khu công nghiệp và các cơ sở cho thuê mặt bằng để sản xuất kinh doanh.

Trong số các vụ cháy nổ nghiêm trọng từ đầu năm đến nay có vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng ở chung cư Carina Plaza (ngày 23/3) tại quận 8 - TPHCM, đã làm 13 người thiệt mạng, hơn 50 người bị thương, cùng hàng chục ô tô và hàng trăm xe máy bị thiêu trụi.

Đây là vụ cháy được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay cả nước cũng để xảy ra một số vụ nổ, nghiêm trọng nhất là vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh khiến 2 người thiệt mạng, 5 người bị thương và nhiều ngôi nhà bị hư hỏng nặng...

Riêng địa bàn Hà Nội tính hết quý I/2018 đã để xảy ra trên 200 vụ cháy nổ làm 2 người chết và 18 người bị thương, ước tính gây thiệt hại về tài sản khoảng 31 tỷ đồng (số liệu do Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội công bố).

Trong đó, có 2 vụ cháy lớn, 2 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng , 2 vụ cháy nghiêm trọng, 18 vụ cháy trung bình, 172 vụ cháy nhỏ và 2 vụ cháy rừng. So với cùng kỳ năm trước, Hà Nội giảm 33 số vụ cháy, bằng số người thiệt mạng, giảm 2 người bị thương, giảm 1 tỷ đồng thiệt hại về tài sản.

Vẫn diễn biến phức tạp

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an), mặc dù 5 tháng đầu năm 2018 các vụ cháy nổ trên toàn quốc cơ bản được kiềm chế, tuy nhiên, tình hình cháy nổ ở các khu chung cư, các khu dân cư, nhà dân vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là những khu chung cư, khu dân cư vừa để ở vừa để kinh doanh sản xuất.

Dù nguy cơ cháy nổ vẫn luôn rình rập và diễn biến phức tạp, nhưng hiện ý thức của người dân nói chung và không ít người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nói riêng... về vấn đề phòng chống cháy nổ vẫn còn xem nhẹ, thậm chí coi thường những điều kiện cơ bản về phòng ngừa, dẫn đến nguy cơ cháy nổ ngày càng gia tăng, khó lường; đặc biệt là các khu chung cư cao tầng, khu đông dân cư, các nhà hàng karaoke, các khu công nghiệp, làng nghề và cả các trung tâm thương mại...

Cả nước hiện đang vào mùa nắng nóng cao điểm, bởi vậy nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là các khu chung cư cao tầng. Lực lượng phòng cháy chữa cháy cảnh báo, để phòng ngừa tình trạng cháy nổ mỗi đơn vị, doanh nghiệp, người dân phải tự giác chấp hành, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại đơn vị, nơi mình ở.

Đặc biệt, tuyệt đối phải chấp hành nghiêm luật phòng cháy chữa cháy; lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng quy định; sắp xếp đồ dùng cách xa nơi dễ phát sinh nguồn lửa. Riêng với hệ thống điện cần cần lắp bảo vệ chống quá tải, nên tắt các thiết bị không cần thiết mỗi khi ra khỏi nhà nhằm đảm bảo an toàn về cháy nổ.

Trong trường hợp xảy ra cháy cần bình tĩnh, quan sát lửa cháy ở đâu, nếu lửa không đe dọa tới tính mạng bản thân thì vào phòng đóng kín cửa, lấy khăn, chăn, quần áo... nhúng nước rồi chèn kín các khe cửa sau đó gọi điện cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng phòng cháy chữa cháy...

Số liệu vừa được Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn công bố, hiện nay trên cả nước mới chỉ có 56% cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ đã tham gia mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Có nghĩa, hiện trên cả nước vẫn còn tới 44% cơ sở khác có nguy hiểm về cháy nổ nhưng chưa tham gia mua bảo hiểm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.