Cảnh báo về tình trạng băng đang tan nhanh chóng tại Nam Cực

Các nhà khoa học tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình trạng băng tan nhanh chóng tại Nam Cực trong vòng 10 năm gần đây do hiện tượng Trái Đất nóng lên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Flickr
Ảnh minh họa. Nguồn: Flickr

Các chuyên gia Argentina cho biết một số dải băng ở Nam Cực đã bị tan chảy tới 18% khối lượng trong một thập kỷ qua. Dựa vào các dự liệu chụp từ vệ tinh, các nhà khoa học nhấn mạnh trong giai đoạn 1994-2003, mỗi năm khối lượng các tảng băng tan chảy ở Nam Cực không đáng kể, vào khoảng 25 km3 nhưng từ năm 2003 tới nay, con số này lên tới 310 km3/năm. 

Những điểm nóng được xác định là các vùng biển Amundsen và Bellingshausen, nơi các khối băng bị mất khoảng 18% độ dày trong vòng chưa tới 10 năm.

Trước đó, hôm 19/3, Trung tâm Dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC) cũng công bố số liệu cho thấy diện tích băng ở Bắc Cực đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận trong mùa Đông. 

Theo đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy diện tích phủ băng tối đa tại Bắc Cực trong mùa Đông năm nay chỉ đạt 14,5 triệu km2 trong ngày 25/2. Diện tích phủ băng này thấp hơn 1,1 triệu km2 so với diện tích trung bình trong giai đoạn 1981-2011, đồng thời giảm 130.520 km2 so với mức thấp nhất tối đa quan sát được hồi năm 2011.

Các chuyên gia thuộc NSIDC cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho phần lớn diện tích băng bị tan chảy có thể là do khí hậu nóng bất thường tại các khu vực ở Nga và bang Alaska của Mỹ.

Lượng băng ở cả Bắc Cực và Nam Cực đều tan chảy nhanh hơn dự kiến là một bằng chứng nữa phản ánh tình trạng biến đổi khí hậu cũng như sự nóng lên toàn cầu đang ở mức báo động.

Theo các nhà khoa học, sự biến mất dần dần của lượng băng tuyết tại hai cực sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như các loài động vật và thực vật trên toàn cầu. 

Họ đồng thời hối thúc chính phủ các nước và người dân trên thế giới cần nhanh chóng có những biện pháp hiệu quả để hạn chế việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch gây hiệu ứng nhà kính.

Theo vietnamplus.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.