Cảnh báo thuốc “làm từ thịt người”: Cẩn trọng khi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc

GD&TĐ - Thông tin về việc có một loại thuốc được bào chế từ thịt người do Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát đi đã gây rúng động dư luận. Cục này khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

Thuốc được cho là có thành phần chứa… thịt người (Hình ảnh do cơ quan hải quan Hàn Quốc công bố)
Thuốc được cho là có thành phần chứa… thịt người (Hình ảnh do cơ quan hải quan Hàn Quốc công bố)

Cảnh báo từ thế giới

Công văn 21204/QLD-TTra, ban hành ngày 7/11 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, vừa qua, Nigeria đã truyền đi thông báo gấp về việc có hàng trăm ngàn viên thuốc Trung Quốc làm từ thịt người lưu hành tại nước này. Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria xác nhận, có dược phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nigeria chứa thành phần thịt người. Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh nan y giai đoạn cuối. Các viên thuốc được buôn lậu trong vali qua đường vận chuyển thư quốc tế.

Trước thông tin này, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định: Việt Nam không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người”. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phải phối hợp với các cơ quan như: Hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương, tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Vi phạm đạo đức?

Theo TS.BS Trần Đức Hữu, giảng viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, có nhiều năm nghiên cứu về Đông y: Hiện chưa xác định được có hay không các loại thuốc làm từ thịt người. Tuy nhiên, từ lâu người ta đã sử dụng nhau thai để bào chế vị thuốc Đông y với tên gọi là Tử Hà Sa. Nhau thai là một thành phần trong cơ thể người, nên khi xét nghiệm đều có ADN. Theo y học cổ truyền, nhau thai có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, di tinh, liệt dương, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa sau khi sinh nở… Vì vậy, khi có những thông tin chưa rõ ràng chúng ta cần phải thận trọng và suy xét trên các cơ sở khoa học.

TS.BS Chuyên khoa II Trịnh Quang Dũng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Bào thai là cấu trúc liên tục phát triển từ các tế bào phôi để tạo nên cơ thể người hoàn chỉnh nên có thành phần, cấu trúc hoàn toàn khác với nhau thai. Bào thai qua các giai đoạn phát triển đã hình thành các cấu trúc của hệ xương, cơ, thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu… Nếu thành phần trong các viên thuốc có tìm thấy các cấu trúc ADN của người cùng với các mô tạng như mô xương, sụn, gan, thận… thì đó là các tổ chức cơ thể người chứ không còn là tổ chức nhau thai.

Cũng theo bác sĩ Trịnh Quang Dũng, sử dụng các loại thuốc dù chứa thịt người hay nhau thai mà chưa được kiểm chứng bằng khoa học thì đều rất nguy hiểm vì không kiểm soát được nguồn nguyên liệu (thai nhi hoặc nhau thai) có bệnh lý hay không, có chứa mã di truyền độc hại, chứa các loại nấm, vi khuẩn, virus gây bệnh hay không? Quá trình bảo quản có đảm bảo an toàn, có sử dụng các hóa chất độc không?

“Không thể lấy cơ thể người để chế biến thành thuốc, điều này không thể chấp nhận được, đó là sự vi phạm đạo đức nghiêm trọng”, bác sĩ Trịnh Quang Dũng đã nhấn mạnh như vậy.

Ngoài ra, khi uống các loại thuốc, người sử dụng cũng cần phải biết rõ loại thuốc đó được sản xuất bởi công ty nào, được kiểm soát bởi cơ quan chuyên môn nào, thành phần, hàm lượng, thời hạn sử dụng, liều lượng… để đảm bản an toàn. Không nên uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ