Cảnh báo nguy hiểm nạo phá thai nhiều lần

Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ ngoài buồng tử cung, thường gặp ở vị trí vòi trứng và có khi ngay cả trong ổ bụng.

Cảnh báo nguy hiểm nạo phá thai nhiều lần

Thai ngoài tử cung nguy hiểm ra sao?

Cứ 1.000 trường hợp mang thai thì có thể gặp 10-12 trường hợp thai ngoài tử cung. Theo BS CKI Nguyễn Viết Hậu (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), thông thường thai ngoài tử cung xảy ra khi có sự cản trở trứng thụ tinh từ vòi trứng vào buồng tử cung làm tổ.

Tình trạng này thường do viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu, khối u chèn ép vòi trứng ngay cả nạo phá thai nhiều lần hay thường xuyên dùng các loại viên tránh thai khẩn cấp cũng là những lý do góp phần làm bệnh này dễ xuất hiện hơn.

Theo diễn biến sinh lý tự nhiên, việc phát triển của khối thai làm tăng lượng máu nuôi đến vùng chậu giúp khối thai phát triển tốt. Nhưng nếu thai nằm ngoài buồng tử cung, sự phát triển mạch máu này trở nên bất lợi khi khối thai vỡ ra gây mất máu nhanh chóng, gây tụt huyết áp trầm trọng, choáng váng, ngất xỉu.

Nếu không cứu chữa kịp thời sẽ làm người bệnh hôn mê, suy chức năng tất cả các cơ quan trong cơ thể và có thể tử vong. Thai ngoài tử cung là một cấp cứu sản phụ khoa khẩn cấp, thời gian tính bằng phút, bằng giờ.

Chính vì vậy, người bệnh cần để ý các triệu chứng sớm, đến được các cơ sở y tế có đủ phương tiện chẩn đoán và phẫu thuật sớm giúp tiên lượng cho người bệnh tốt hơn, thậm chí còn có thể được điều trị nội khoa không cần phẫu thuật giúp bảo tồn khả năng sinh sản về sau.

Nếu phát hiện trễ (thai vỡ), người bệnh mất nhiều máu, nặng hơn sẽ bị sốc mất máu, nếu không điều trị kịp nguy cơ tử vong cao, có thể để lại di chứng vô kinh sau này.

Hậu quả của phá thai

BS CKI Nguyễn Thị Lan (Phòng khám Sản Phụ khoa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết: Hơn 95% thai ngoài tử cung đóng ở ống dẫn trứng, còn lại ở các vị trí như thai đóng ở đoạn bóng, loa, eo, đoạn kẻ, loa vòi trứng hoặc ở sừng tử cung.

Ngoài ra, các vị trí ít gặp hơn như thai ở vết mổ cũ, thai ở cổ tử cung, thai ở buồng trứng và thai trong ổ bụng. Nguyên nhân thường gặp khi bị thai ngoài tử cung gồm: viêm vùng chậu, trong đó tác nhân quan trọng gây tổn thương vòi trứng là Clamydia trachomatis, sử dụng thuốc ngừa thai, đặc biệt là thuốc ngừa thai khẩn cấp, thuốc ngừa thai chỉ chứa progestreon, dụng cụ tử cung chứa progesterone, triệt sản, phẫu thuật vùng chậu trước đó như: phẫu thuật trên ống dẫn trứng, bóc nang buồng trứng, gỡ dính vùng chậu, điều trị vô sinh, lạc nội mạc tử cung…

Tất cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều có nguy cơ bị thai ngoài tử cung, tuy nhiên theo những thống kê gần đây thì phụ nữ trẻ chưa muốn có con, có quan hệ tình dục không an toàn, và ngừa thai không đúng cách bị thai ngoài tử cung cao hơn.

Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung

Vì thai ngoài tử cung có nhiều dạng lâm sàng khác nhau nên trong một số trường hợp việc chẩn đoán rất khó khăn. Không có triệu chứng lâm sàng nào giúp xác định chắc chắn thai ngoài tử cung.

Việc chẩn đoán thai ngoài tử cung phải phối hợp bệnh sử, triệu chứng lâm sàng, khám lâm sàng và thực hiện cận lâm sàng. Tuy nhiên, có một số triệu chứng bất thường như trễ kinh, có kinh kéo dài hơn bình thường, kinh ra nhiều lần trong tháng, đau trằn bụng dưới và có yếu tố nguy cơ ngừa thai không an toàn, ngừa thai khẩn cấp thì người bệnh phải khám phụ khoa ngay.

Các triệu chứng này có thể gặp trong bệnh lý thai ngoài tử cung, nang buồng trứng xuất huyết, viêm nhiễm vùng chậu, thai lưu..., theo bác sĩ Lan.

Phòng ngừa

Đây là một bệnh lý không tránh được, nhưng không phải không có cách phòng ngừa. Việc tuân thủ tốt những lời khuyên của bác sĩ sẽ giúp chị em hạn chế đáng kể sự xuất hiện của tình trạng thai ngoài tử cung, như khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm không gây triệu chứng.

Phụ nữ tuổi sinh đẻ cần tư vấn các biện pháp ngừa thai hợp lý, như thuốc ngừa thai uống hằng ngày, bao cao su, dụng cụ tránh thai,… tránh để mang thai ngoài ý muốn sau đó nạo phá thai nhiều lần; đồng thời cũng cần tư vấn sử dụng các thuốc viên tránh thai khẩn cấp một cách hợp lý, tránh tự ý dùng nhiều lần.

Khi thấy đau bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn triệu chứng đường tiết niệu trong lúc ra huyết, hành kinh, hay trễ kinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.

Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ