Việc này được xác định tại lớp học mầm non Đồ Rê Mí (tổ 8, khu 9, phường Hồng Hà, Hạ Long), ngay sau đó cơ sở này đã bị xử lý nghiêm. Mới đây xảy ra vụ việc nghiêm trọng hơn, đó là nhóm trẻ tư thục Đồ Rê Mí (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bỏ quên bé trai 3 tuổi trên xe ô tô đưa đón. May mà cháu bé được phát hiện và cứu chữa kịp thời nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Các nhóm trẻ gia đình đang mọc lên ở khắp mọi vùng miền, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của gia đình công nhân lao động. Tuy nhiên, hoạt động của những nhóm trẻ gia đình này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Chỉ có số ít nhóm trẻ có điều kiện nuôi dạy tốt, còn phần nhiều là sơ sài, thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị phục vụ việc nuôi dạy và vui chơi cho các cháu. Nhiều nhóm trẻ tự phát này thường không xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên theo quy định mà chủ yếu tận dụng phòng ở để trông giữ trẻ.
Theo quy định, các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn phường, xã chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra cấp phép hoạt động. Tuy nhiên chính quyền địa phương nhiều nơi cho rằng, rất khó kiểm tra các nhóm trẻ này vì họ trông nuôi theo cách gửi gắm; các nhóm trẻ hoạt động thường là tự phát nên không được thẩm định và cấp phép. Thế nên, đa số những cơ sở này đều không đảm bảo an toàn cho trẻ; người trông trẻ không có trình độ chuyên môn; giữ số lượng trẻ đông so với quy định... Việc nhắc nhở những cơ sở này thực hiện đúng quy định pháp luật chưa thường xuyên.
NGƯT Đặng Lộc Thọ, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: Do các điều kiện khách quan, hiện nay các trường mầm non chủ yếu nhận trẻ trên 24 tháng tuổi. Do không có nơi giữ trẻ dưới 24 tháng tuổi, nên các bậc phụ huynh đành phải đưa trẻ đến các nhóm trẻ gia đình nhờ trông nom. Việc mở các nhóm trẻ gia đình tương đối đơn giản so với việc mở trường nên cơ sở vật chất các nhóm trẻ thường rất hạn chế; nghiệp vụ của cô nuôi không có nên nguy cơ mất an toàn cho trẻ là điều không tránh khỏi. Do vậy, rất cần sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương. Đặc biệt là chính quyền và người dân các phường xã nơi mở nhóm trẻ.
Quy định thành lập trường mầm non rất khắt khe, từ điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý… Nhưng đối với nhóm, lớp mầm non thì dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ cần có không gian để trẻ ăn, ngủ, có ít đồ chơi, bếp đảm bảo nấu thức ăn theo quy định. Để đáp ứng yêu cầu cấp phép hoạt động, chủ các nhóm, lớp thường cố gắng hợp đồng với các giáo viên, bảo mẫu có văn bằng, chứng chỉ đàng hoàng, đạt yêu cầu.
Nhưng khi được cấp phép rồi, nhiều nơi cho những người có bằng cấp chuyên môn nghỉ việc vì phải trả lương cao. Họ chỉ thuê bảo mẫu hoặc người không có chuyên môn để trả lương thấp hơn. Thêm nữa, các nhóm trẻ gia đình do chủ yếu là trông nuôi con công nhân lao động nghèo nên có mức thu phí thấp. Đó còn chưa kể đến chuyện xà xẻo bữa ăn của trẻ và mua rẻ thực phẩm. Vấn đề đó càng cảnh báo nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ tại các cơ sở nuôi dạy này.