Cảnh báo hiện tượng rao bán thuốc điều trị Covid-19 chưa được cấp phép

GD&TĐ - Bộ Y tế cảnh báo các thuốc quảng cáo điều trị Covid-19 chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng; được gắn mác "hàng xách tay" và rao bán với giá vài triệu đồng/hộp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các loại thuốc như Molnupiravir, Liên Thanh Hoa Ôn… đang được rao bán, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội về công dụng điều trị Covid-19.

Bộ Y tế cảnh báo những loại thuốc này chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, một số đối tượng đã gắn mác các thuốc này với hàng "xách tay" và bán với giá vài triệu đồng/hộp.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, một số đối tượng đã lợi dụng, rao bán các loại thuốc được quảng cáo là thuốc điều trị Covid-19 như Molnupiravir, Liên Thanh Hoa Ôn… trên các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội.

Cũng theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết các loại thuốc trên chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, thuốc đã được gắn mác "hàng xách tay" và rao bán với giá vài triệu đồng/hộp.

Các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lưu hành thuốc điều trị Covid-19 nói chung và thuốc có dược chất Molnupiravir nói riêng, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, điều trị bệnh Covid-19.

Để xử lý triệt để tình trạng này, Cục Quản lý dược đã có văn bản gửi cơ quan chức năng thông tin về hiện tượng vi phạm pháp luật trên, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng xác minh các trang điện tử đã đưa thông tin để xác định và xử lý vi phạm kịp thời.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ như Cục Quản lý dược, Thanh tra Bộ tăng cường quản lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá thuốc bất  hợp lý.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Các đơn vị chức năng chỉ đạo hệ thống cơ quan giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn để lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19; trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu cần kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, nhất là các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc; tuân thủ đầy đủ các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc; thực hiện bình ổn giá các thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi; tổ chức thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; tích cực phối hợp các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ