Cảnh báo hiện tượng "giả làm phụ huynh để giật đồ của nữ sinh"

GD&TĐ - Gần đây, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra tình trạng trấn lột học sinh. Đối tượng thường chọn học sinh đeo nữ trang, mang tài sản có giá trị để ra tay…

Công an huyện An Phú (An Giang) đến nhà tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh. Ảnh: Công an cung cấp
Công an huyện An Phú (An Giang) đến nhà tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh. Ảnh: Công an cung cấp

Giả phụ huynh vào trường trấn lột

Lực lượng Công an huyện Châu Thành (Bến Tre) đang truy tìm các đối tượng gây ra một số vụ trấn lột tài sản học sinh trong trường học. Điều đáng lo ngại là các đối tượng trà trộn vào trường học, giả phụ huynh đưa đón con, sau đó trấn lột tài sản, vòng vàng học sinh.

Theo Sở GD&ĐT Bến Tre, trong giờ đưa học sinh đến trường và giờ ra chơi, một số trường học ở tỉnh Bến Tre có kẻ xấu lợi dụng trà trộn vào để lừa đảo, chiếm đoạt nữ trang của học sinh.

Trên địa bàn các huyện Giồng Trôm, Châu Thành… đã xuất hiện các đối tượng giả dạng cha mẹ học sinh để trà trộn vào các trường tiểu học lúc đầu buổi và giờ ra chơi để dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt nữ trang của học sinh. Đối tượng nhắm vào là học sinh tiểu học, đặc biệt là các nữ học sinh có đeo nữ trang như bông tai, vòng bằng vàng.

Tại huyện Châu Thành, xảy ra 2 vụ kẻ xấu giả dạng phụ huynh vào trường học để chiếm đoạt nữ trang của học sinh tiểu học. Sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Thị trấn Châu Thành và Trường Tiểu học Tân Thạch. 

Tại tỉnh An Giang, đầu tháng 10, địa bàn huyện An Phú xảy ra tình trạng cướp giật nhằm vào học sinh. Các đối tượng thực hiện các hành vi cướp giật rất manh động, khiến học sinh, phụ huynh vô cùng lo lắng.

Theo Công an tỉnh An Giang, từ đầu tháng 10, nhiều học sinh tại Trường THCS Đa Phước (xã Đa Phước, huyện An Phú) thường xuyên bị các đối tượng lạ mặt chạy xe mô tô áp sát cướp giật tài sản trên đường đi học. Các đối tượng nhắm vào là học sinh nữ, điều khiển xe đạp một mình trên những đoạn đường vắng người qua lại để áp sát, giật cặp sách rồi tẩu thoát. 

Em Lê Thị Ngọc Mai, xã Đa Phước kể: “Hôm đó con đi học với chị, có một người phụ nữ chạy xe chở theo một trẻ em chạy ngang rồi giật cái cặp con để trên giỏ xe. Lúc đó đoạn đường vắng người làm con sợ, con khóc, sau đó chạy về nhà”.

Còn em Huỳnh Thị Kiều Oanh, xã Đa Phước cũng bị cướp giật, kể lại: “Hai bạn lớp 8 với một em lớp 7 cũng bị giống như con. Có một chiếc xe ở phía sau chạy tới, sau đó giật cái cặp mà hụt. Chiếc xe sau đó quay lại ép con vô lề nhưng con bỏ chạy được. Không giật được cặp, xe chạy đi một đoạn xa rồi đảo lại giật lần nữa”.

Theo chia sẻ của các phụ huynh, học sinh thường không có tài sản gì giá trị, chủ yếu là tập sách. Nhưng lo nhất là an toàn của con em và sự manh động của các đối tượng cướp giật.

“Học sinh đi học không có tiền bạc bao nhiêu. Trong cặp thường chỉ có tập, sách và vật dụng cá nhân. Nếu bị mất cặp sách thì không đáng lo, có thể mua lại được. Nhưng lo nhất là đối tượng cướp giật đe dọa tính mạng, thậm chí gây ra té ngã, tai nạn thương tích”, chị Lý Thị Hoàng Oanh, phụ huynh em Nguyễn Lý Mộng Trúc, ở xã Đa Phước, huyện An Phú lo lắng.

Đối tượng Lê Thiện Ngọc Trân gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản học sinh huyện An Phú (An Giang). Ảnh: Công an cung cấp
Đối tượng Lê Thiện Ngọc Trân gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản học sinh huyện An Phú (An Giang). 
Ảnh: Công an cung cấp

Lời khuyên của cơ quan chức năng: Không mang đồ trang sức đến trường

Trước sự manh động của các đối tượng, đặc biệt là vấn đề an toàn của học sinh, Công an huyện An Phú (An Giang) vào cuộc ngay khi vụ việc được trình báo. Đến khoảng 17 giờ ngày 28/10, khi các đối tượng vừa ra tay giật chiếc cặp của em Nguyễn Lý Mộng Trúc, sinh năm 2007, ngụ ấp Phước Quản, xã Đa Phước, thì bị lực lượng Công an xã Đa Phước phát hiện bắt giữ cùng phương tiện và tang vật.

Thông tin từ Công an An Giang, đối tượng điều khiển xe mô tô khai tên Lê Thiện Ngọc Trân, sinh năm 1996, ngụ khóm 2, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc (An Giang). Trân khai nhận đã rủ theo em ruột và cháu ruột cùng tham gia cướp giật tài sản học sinh. Số tiền và đồ vật cướp giật được các đối tượng dùng vào tiêu xài cá nhân. Đối tượng Trân còn thừa nhận, bằng thủ đoạn trên đã thực hiện trót lọt 6 vụ cướp giật tài sản của học sinh trên địa bàn huyện An Phú…

Trước tình trạng cướp giật tài sản học sinh, Trung tá Huỳnh Văn Phú, Phó Trưởng Công an huyện An Phú có lời khuyên: Qua vụ việc cũng cảnh báo đối với các em học sinh và phụ huynh, đặc biệt là các em học sinh nữ. Khi đi học, nhất là học về trễ vào buổi tối thì các em nên đi thành từng nhóm bạn trên cùng một đoạn đường. 

Phía phụ huynh, nếu con em đi học trên đường về ít người cũng nên dành thời gian đón, nhằm bảo đảm an toàn. Đồng thời, khi phát hiện những vụ việc tương tự xảy ra, mặc dù tài sản thiệt hại không lớn nhưng phải kịp thời báo ngay cho cơ quan chức năng. Đặc biệt là lực lượng công an xã để có kế hoạch đấu tranh, xử lý triệt để đối với các đối tượng...

Tại tỉnh Bến Tre, Sở GD&ĐT có công văn về việc tăng cường công tác tuyên truyền cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của học sinh. Sở yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các trường trực thuộc đề cao cảnh giác.

Lãnh đạo cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và học sinh về các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trên để phòng ngừa. Thông tin đến cha mẹ học sinh không để học sinh mang trang sức có giá trị khi đi học, nhất là đối với học sinh nữ cấp tiểu học. 

“Thời điểm kẻ xấu trà trộn vào trường học vào lúc đông người nên rất khó quản lý. Các trường đã thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh biết để phòng ngừa. Qua đó cũng có lời khuyên phụ huynh không nên cho con đeo nữ trang, vòng vàng khi đến trường…”, ông Nguyễn Thành Lộc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.