Cảnh báo giật mình Vịnh Hạ Long sau đợt lũ lịch sử

Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, đợt lũ lịch sử mang theo lượng chất bùn, than khổng lồ chứa nhiều kim loại nặng về vịnh Hạ Long sẽ tàn phá hệ sinh thái tự nhiên ở đây lâu dài, nhiều loài hải sản có nguy cơ nhiễm kim loại nặng.

Con suối Lộ Phong mang theo bùn than đổ ra khu vực bãi bồi ven vịnh Hạ Long. Ảnh: Đỗ Hoàng.
Con suối Lộ Phong mang theo bùn than đổ ra khu vực bãi bồi ven vịnh Hạ Long. Ảnh: Đỗ Hoàng.

Những dòng bùn thải đen đổ về vịnh

Mấy ngày nay, con suối Hóa Chất (phường Hà Khánh) chảy từ khe núi ở mỏ than Thành Công (Công ty Than Hòn Gai) qua khu dân cư tổ 26B khu 4 phường Hà Khánh, nước đen kịt. Những trận mưa lũ lớn cuốn theo than và bùn đất từ trên núi xuống đã nhuộm con suối thành màu đen đục ngầu.

Mấy ngày qua, khá đông người dân đổ ra suối để “tận thu” than trôi. Một người tận thu than trôi cho hay lượng than từ mỏ bị cuốn xuống đã giúp họ có thu nhập từ vài trăm đến cả triệu bạc/ngày nhờ vớt than trôi. 

Mỗi nhóm vớt than có thể vớt được ngót chục khối than/ngày. Tuy nhiên, những nhóm này chỉ có thể tận thu được một phần nhỏ than trôi trên suối. Một lượng không nhỏ than lẫn váng dầu cứ vô tư theo dòng nước đổ thẳng ra sông Cửa Lục.

Cách đó không xa, tại khu vực cầu Suối Lại, dòng nước đen đục từ trên núi cũng vô tư xả ra sông Cửa Lục. Trên địa bàn phường Hà Khánh, có chừng 3-4 con suối dẫn từ trên núi, nơi có các mỏ than, đổ ra sông Cửa Lục. Từ đây ra đến vịnh Hạ Long chỉ một quãng ngắn.

Tại khu vực phía cuối thành phố Hạ Long, con suối Lộ Phong (phường Hà Phong) dẫn nước từ mỏ than Hà Tu, Núi Béo ra khu vực rừng ngập mặn ven vịnh Hạ Long, cũng bị đổi màu đen ngòm. 

Từ quốc lộ 18 rẽ ra mé biển, phần cuối của con suối đổ ra bãi bồi ven bờ vịnh Hạ Long, những ngày gần đây, bùn than theo nước lũ tràn ra đã bồi lấp thành một bãi bồi mênh mông lẫn với rác.

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, do đợt mưa lũ lớn kéo dài, tình trạng bùn đất, than trôi theo các suối diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 

Cơ quan chức năng đã nắm được tình trạng này, tuy nhiên hiện nay Quảng Ninh đang tập trung khắc phục hậu quả trận mưa lũ lớn vừa qua để ổn định đời sống người dân. Theo ông Hậu, ở những nơi bùn than làm tắc dòng chảy của các mương, suối sẽ được khơi thông dòng để tiêu thoát nước.

Cảnh báo giật mình Vịnh Hạ Long sau đợt lũ lịch sử - ảnh 1Con suối Hóa Chất (phường Hà Khánh) nước đen ngòm mang theo than bùn đổ ra Cửa Lục.
Lo ngại thủy sản nhiễm kim loại nặng

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe (Đại học Quốc gia Hà Nội), lượng bùn, than khổng lồ theo nước lũ chảy ra vịnh Hạ Long trước hết sẽ làm bồi lấp khá nhiều diện tích ven bờ, làm thay đổi cảnh quan và nhiễu loạn hệ sinh thái nước mặn của vịnh Hạ Long như san hô, thảm cỏ biển.

Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn là các dòng nước thải này mang theo các chất ô nhiễm dưới dạng chất hòa tan và chất rắn lơ lửng. Chất thải mỏ, trong đó có phiến than bao giờ cũng đi đôi với kim loại nặng như coban, kẽm, asen. 

Nước thải mỏ có độ axit cao, trong môi trường có nhiều kim loại nặng thì sẽ hòa tan kim loại và chảy ra biển, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đi vào thủy sản.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân (Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vịnh Hạ Long không chỉ có giá trị đặc biệt về cảnh quan, địa chất, địa mạo (với những dãy núi và hang động hình thành cách đây hàng triệu năm) mà còn có đa dạng sinh học cao, với 2 hệ sinh thái nhiệt đới điển hình.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, hàng năm, vịnh Hạ Long tiếp nhận khoảng 25 triệu m3 nước thải sinh hoạt từ khu dân cư và khách du lịch, hơn 100 triệu m3 nước thải từ ngành than, và một lượng lớn nước thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm và các hoạt động công nghiệp khác trong vùng. 

Với hiện trạng thải như thế, vịnh Hạ Long đang bị lắng đọng trầm tích ở vùng ven bờ. Trận mưa lũ lớn như vừa qua, càng làm trầm trọng hậu quả đối với môi trường vịnh Hạ Long.

Mưa lũ lớn luôn gắn liền với xói lở, bồi lấp và trầm lắng vật chất trên nền đáy làm suy giảm diện tích phân bố thảm thực vật đáy, các rạn san hô cũng như mất nơi cư trú của động vật đáy, nhất là các loài sống cố định, ít di chuyển. 

Một lượng lớn vật chất trầm lắng trên nền đáy, trong đó có hơn một vạn tấn than và bùn thải chứa nhiều kim loại nặng độc hại với hàm lượng cao như: cadmi, chì, crôm, asen, selen, mangan,… chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nguồn lợi sinh vật trong vịnh.

Với đặc thù vịnh Hạ Long, do được bao bọc bởi nhiều đảo lớn nhỏ xen kẽ nhau nên chế độ thủy động lực và khả năng trao đổi nước với đại dương bị hạn chế. Do vậy, nguồn chất thải giàu kim loại nặng này rất dễ trầm lắng hoặc tồn tại trong môi trường nước trong thời gian dài.

Trong khi đó, với khu hệ động vật đáy rất phong phú, trong đó có hơn 300 loài động vật thân mềm thì tác động của nguồn thải này lên sinh vật đáy, nhất là những đối tượng ăn lọc, ít di chuyển như động vật thân mềm là khá lớn.

Theo TS Huân, để đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường lên hệ sinh thái tự nhiên của vịnh Hạ Long cần phải có khảo sát, phân tích, mô phỏng chi tiết. 

Những tác động lên môi trường, các hệ sinh thái, nguồn lợi, tài nguyên thường khó định lượng trực tiếp và hậu quả vô cùng nặng nề, rất khó khắc phục trong một thời gian ngắn, dù có đủ nguồn lực, công nghệ.

Điều đáng ngại hơn là các dòng nước thải này mang theo các chất ô nhiễm dưới dạng chất hòa tan và chất rắn lơ lửng. Chất thải mỏ, trong đó có phiến than bao giờ cũng đi đôi với kim loại nặng như coban, kẽm, asen. 

Nước thải mỏ có độ axit cao, trong môi trường có nhiều kim loại nặng thì sẽ hòa tan kim loại và chảy ra biển, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đi vào thủy sản, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ