Sự ra đời của "khủng hoảng thị thực" đã trở thành cú hích đưa Thổ Nhĩ Kỳ từ đối tác chiến lược của Mỹ ở Trung Đông trở thành đối thủ không khoan nhượng.
Khủng hoảng thị thực
Tuyên Bố của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã trở thành bằng chứng của sự leo thang trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra cách đây vài ngày trong cuộc gặp với nhóm nghị sĩ của đảng cầm quyền Công lý và Phát triển. Cuộc gặp với các nghị sĩ diễn ra trong bối cảnh chỉ số thị trường chứng khoán sụp đổ và sự mất giá mạnh của đồng lira, đạt mức thấp nhất kể từ ngày 30/1.
Cách đây chưa lâu, tại Istanbul, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hai nhân viên của Tổng Lãnh sự quán Mỹ nhưng có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và cáo buộc họ tham gia chống chính phủ. Đáp trả sự kiện trên, Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối cấp thị thực vào Mỹ cho hàng ngàn công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đối tác chiến lược không cư xử theo cách trừng phạt con người" - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố vào hôm Chủ nhật khi Đại sứ quán Mỹ tại Ankara công bố đình chỉ cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Giải thích việc bắt giữ ở Istanbul hai nhân viên của Tổng Lãnh sự quán Mỹ, dẫn đến “khủng hoảng thị thực", Thủ tướng Binali Yildirim khẳng định: Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ khởi tố vụ án hình sự không phải để chống lại người Mỹ và chống lại công dân của đất nước mình. Trên thực tế, những người này làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ nhưng họ không có quyền miễn trừ bị truy tố trên đất nước mình.
"Thổ Nhĩ Kỳ là nhà nước pháp quyền, không cần sự cho phép Mỹ mới có thể bắt giữ một ai đó”- Người đứng đầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định. Và ông Yildirim cảnh báo: “Không có đặc quyền cho các nghi phạm".
Hôm thứ Tư (11/10), Thủ tướng Yildirim tiếp tục bình luận về vụ “khủng hoảng thị thực”. Ông Yildirim nhắc Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ rằng kể từ đầu tuần này phải đình chỉ việc cấp thị thực vào Thổ Nhĩ Kỳ cho người Mỹ. Chính quyền Ankara “không hoan nghênh” sự hiện diện của Đại sứ Mỹ John Bass tại Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng Mỹ không phải là nhà bảo trợ cho an ninh và thịnh vượng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ông Yildirim cũng bày tỏ hy vọng rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.
Vì sao quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng?
Còn nhớ, vào ngày 4/10, thủ phạm “bất đắc dĩ” đang làm việc tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul, công dân của Thổ Nhĩ Kỳ Metin Topuz bị buộc tội "vi phạm các quy tắc của Hiến pháp" và “nỗ lực lật đổ chính phủ". Cái tên Topuz bị phát hiện khi điều tra vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/7 năm ngoái.
Theo Ankara, nhà thuyết giáo Fethullah Gulen, người sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999 là kẻ đứng đằng sau cuộc đảo chính này. Ngay sau khi bắt giữ Metin Topuz, một nhân viên khác của cơ quan ngoại giao Mỹ có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ (tên của ông không được tiết lộ) cũng bị bắt.
Trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng cho rằng họ có quyền khởi tố hình sự đối với công dân của mình mà không cần phối hợp với Washington thì Mỹ cho rằng, trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, Ankara bắt buộc phải có những động thái phối hợp với Mỹ.
"Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không chia sẻ thông tin chứng minh rằng các nhân viên (Tổng lãnh sự quán Mỹ-ND) đã tham gia vào một số hoạt động bất hợp pháp. Việc bắt giữ này đặt ra câu hỏi rằng mục đích là làm suy yếu quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ"- Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ John Bass nói.
Theo Washington, dưới vỏ bọc của pháp luật, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đàn áp chính trị và trong số các nạn nhân của hành động trên có các nhân viên của Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul.
Sau những cuộc thanh trừng hàng loạt tại các cơ quan chính phủ và an ninh trong tuần qua, Ankara đã thông báo bắt giữ hơn 70 người, trong đó có đại diện cho giới lãnh đạo cao cấp, cũng như nhân viên của Lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul. Tất cả những người này bị nghi ngờ có mối liên hệ với tổ chức feto.
Vụ bê bối này khiến mối quan hệ song phương Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nhiều thử thách mà khó có thể nhanh chóng bình thường hóa.
Thực ra, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi khi Washington khước từ lời đề nghị của Ankara về việc dẫn độ Fethullah Gulen, người bị Tổng thống Erdogan cho là mối đe dọa chính đối với quyền lực của ông.
Chưa hết, Washington ủng hộ các tay súng người Kurd ở Syria, trong khi Ankara luôn coi họ là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, cú hích cho căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ phải kể đến việc mới đây Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga.
Báo chí Nga từng loan báo rùm beng về vụ này, rằng lần đầu tiên trong lịch sử, vũ khí hiện đại của Nga có mặt ở một nước là thành viên NATO. Trước sự kiện này, Washington không thể ngồi yên. Theo các nhà phân tích, rất có thể Mỹ sẽ phát lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Và giờ đây, "khủng hoảng thị thực" lại thêm bằng chứng về sự thay đổi của Thổ Nhĩ Kỳ từ một đối tác chiến lược trở thành đối thủ không khoan nhượng của Mỹ ở Trung Đông.
Theo các nhà phân tích, nếu đánh mất đối tác chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ, vị thế của Mỹ ở Trung Đông chắc chắn sẽ suy yếu bội phần. Trong bối cảnh Nga đang thắng thế ở Syria, chuyến viếng thăm Moskva của Quốc vương Ả Rập Xê-út Salman và giờ đây là rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, vị thế của Nga ở Trung Đông sẽ lớn mạnh.