Căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Đôi bên cùng thiệt!

GD&TĐ - Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, với những đòn trả đũa ngoại giao “ăn miếng trả miếng” mới đây thì quan hệ giữa 2 quốc gia vốn là đồng minh chiến lược đã rơi xuống mức rất thấp, thậm chí có thể từ bạn hóa thù…  

Căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Đôi bên cùng thiệt!

Căng thẳng leo thang

Trong 2 năm gần đây, mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị phủ bóng đen bởi sự bất đồng và nghi kị từ cả 2 phía đối với nhiều vấn đề.

Ankara luôn gây sức ép đòi dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania, người được cho là đứng đằng sau âm mưu lật đổ Tổng thống R.Erdogan vào tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên, Mỹ đòi hỏi phải cung cấp bằng chứng về sự liên quan của giáo sĩ này trong âm mưu đảo chính thì mới chuyển giao tội phạm.

Trong khi Ankara liệt nhóm dân quân người Kurd (YPG) vào danh sách các nhóm khủng bố thì Washington lại coi đây là đội quân tinh nhuệ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và “bơm” vũ khí và tài chính cho nhóm này.

Trong diễn biến căng thẳng ngoại giao mới nhất, ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ thêm một nhân viên lãnh sự quán Mỹ (đây là vụ bắt giữ nhân viên lãnh sự quán Mỹ thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tuần) với cáo buộc có liên hệ với giáo sĩ Gulen. Đáp trả, Đại sứ quán Mỹ tại Ankara ngay lập tức ngừng dịch vụ cấp thị thực không định cư tại toàn bộ cơ sở ngoại giao Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc này sẽ hạn chế tối đa hàng nghìn công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến Mỹ với mục đích ngắn hạn như du lịch, chữa bệnh, công tác, học tập, nghiên cứu, hoạt động báo chí… Ngay sau đó Ankara đã có động thái tương tự để đáp trả, đó là đình chỉ “mọi dịch vụ thị thực” cho công dân Mỹ, bao gồm cả thị thực được cấp trực tuyến và cửa khẩu…

Thiệt hại nhãn tiền

Nếu như những phản ứng trả đũa của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trước đây chỉ mang tính ngoại giao và không gây hậu quả hữu hình thì biện pháp trả đũa mới nhất của Mỹ đã gây rúng động nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau khi Mỹ ngừng dịch vụ cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, đồng nội tệ (lira) của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 3,4%; thị trường chứng khoán lao dốc, chỉ số chứng khoán BIST 100 giảm 4,7%, các cổ phiếu hàng không đặc biệt mất giá mạnh, ví dụ cổ phiếu Turkish Airlines giảm 9%; Ngân hàng TƯ Thổ Nhĩ Kỳ đặt ở chế độ giám sát kinh tế đặc biệt; Hiệp hội Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ (TUSIAD) cảnh báo sẽ thiệt hại nặng về kinh tế…

Thổ Nhĩ Kỳ không đơn giản chấp nhận ngồi yên để chịu thiệt thòi từ biện pháp trả đũa của Mỹ. Đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tìm “bạn mới” – những người bạn mà Mỹ không hề mong muốn.

Hồi cuối tháng 9, Tổng thống Erdogan đã nồng hậu tiếp đón Tổng thống Nga Putin ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ, điều ít ai nghĩ tới khi mà chỉ mới cách đây 2 năm, 2 quốc gia còn đứng bên bờ vực giao tranh sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-22 của Nga với cáo buộc vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đổi chính sách ngoại giao thân Nga có thể coi là “hung tin” với NATO nói chung và Mỹ nói riêng. Trong khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng quân sự lớn thứ nhì toàn khối, với 640.000 quân – chỉ ít hơn Mỹ và bỏ xa nước thứ ba là Pháp (220.000 quân). Trong hơn 60 năm là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là tiền đồn ở phía Đông với quân đội hùng mạnh.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ giữ mức độ quan hệ với Nga ở mức “cân bằng quan hệ” với Mỹ hay hợp tác giải quyết các khủng hoảng khu vực thì NATO có thể yên lòng, nhưng nếu trong trường hợp xấu nhất Thổ Nhĩ Kỳ chia tay NATO thì hậu quả sẽ không thể tính đếm được. Bí mật hệ thống vũ khí của NATO có thể rơi vào tay các quốc gia đối nghịch, thậm chí những dàn tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể quay mũi hướng về Tây Âu. Viễn cảnh này sẽ khiến Mỹ phải chùn tay khi tính tới các biện pháp trả đũa kế tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ