Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ gieo họa cho cuộc chiến chống IS

Những rối loạn do cuộc đảo chính bất thành gây ra đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất vai trò của mình trong cuộc chiến chống IS ở khu vực.

Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ gieo họa cho cuộc chiến chống IS
Dao chinh Tho Nhi Ky gieo hoa cho cuoc chien chong IS - Anh 1

Cường kích A-10 Mỹ triển khai tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh:USAF

Cuộc thanh trừng quy mô lớn trong lực lượng quân đội và an ninh mà Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 đã gây ra những xáo trộn rất lớn trong nội bộ nước này, và có thể gây ra những hậu quả to lớn về lâu dài đối với các đồng minh trong khu vực và quốc tế, theoFT.

Khi các tướng lĩnh quân đội huy động lực lượng để tìm cách lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, họ đã đóng cửa căn cứ không quân Incirlik ở miền nam trong vài giờ đồng hồ, nhưng quãng thời gian này là quá đủ để chứng minh sự bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra hậu quả lớn như thế nào ở Trung Đông.

Trong vài giờ căn cứ Incirlik đóng cửa, các chiến đấu cơ của liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu triển khai ở đây buộc phải ngừng hoạt động, và IS đã tận dụng thời cơ phát động một loạt vụ đánh bom tự sát nhắm vào dân quân người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn.

Những cuộc tấn công đó đã khiến hàng chục tay súng của Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) người Kurd thiệt mạng, theo các nguồn tin trên chiến trường. "YPG về cơ bản đã mất lực lượng không quân. Đó có thể là một thảm họa nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra", một quan chức an ninh khu vực giấu tên nói.

Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc ở Trung Đông, và các đồng minh của nước này lo ngại rằng tình trạng bất ổn nội bộ và sự dịch chuyển trọng tâm chính sách vào xử lý các vấn đề trong nước của Ankara sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước với khu vực.

Trong cuộc chiến chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ mở cửa căn cứ không quân Incirlik cho các đối tác phương Tây, mà còn ủng hộ lớn về tiền bạc, vũ khí cho các nhóm nổi dậy Syria hoạt động dọc biên giới, nhằm mục đích diệt IS và lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al Assad.

Các nhóm nổi dậy Syria cho biết hồi tuần trước họ đã nhận thấy sự thay đổi trong chính sách của Ankara. Lúc đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra thờ ơ một cách đáng ngạc nhiên, trong khi phe nổi dậy phải gồng mình chống lại quân đội chính phủ Syria ở thành phố bị vây hãm Aleppo. Nếu Aleppo thất thủ, phe nổi dậy Syria coi như bị xóa sổ, và cục diện chiến trường sẽ thay đổi nhanh chóng.

"Trước đây, người Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tới chỗ chúng tôi, gặp gỡ các chỉ huy và đảm bảo mọi người làm đúng việc của mình, đúng kế hoạch vạch ra", một chỉ huy nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn cho biết. "Người Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát được tình hình, nhưng giờ đây họ hoàn toàn vắng mặt".

Cho đến nay, đã có 6.000 tướng lĩnh, sĩ quan, binh sĩ và gần 9.000 nhân viên Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ, điều tra với cáo buộc tham gia cuộc đảo chính. Chỉ huy trưởng căn cứ không quân Incirlik và sư đoàn trưởng sư đoàn phụ trách Syria, Iraq cũng nằm trong số hơn 100 tướng quân đội bị bắt giữ.

Aaron Stein, chuyên gia phân tích tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho rằng sự hỗn độn trong bộ máy quân sự và an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trong đợt thanh trừng có thể gây ra những rắc rối lớn về khả năng phối hợp với các đồng minh NATO.

Dao chinh Tho Nhi Ky gieo hoa cho cuoc chien chong IS - Anh 2

Các tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ sau cuộc đảo chính. Ảnh: Reuters

"Các nước phương Tây đang rất bối rối, không hiểu đối tác của mình có thể làm được việc nữa hay không", ông Stein nói. "Các quan chức an ninh phương Tây đang giữ rịt lấy điện thoại để liên hệ với các đối tác ở Thổ Nhĩ Kỳ".

Căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Một mối lo ngại nữa là cuộc khẩu chiến đang diễn ra giữa Ankara và Washington, khi ông Erdogan khăng khăng đòi Mỹ phải dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen về nước để xét xử với tội danh xúi giục đảo chính. Trong khi đó, Mỹ khẳng định việc dẫn độ ông Gulen phải tuân thủ quy trình pháp lý, và phải có bằng chứng xác thực chống lại ông.

Tổng thống Barack Obama hôm thứ sáu tuần trước một lần nữa nhấn mạnh phía Mỹ không biết và không liên quan gì tới âm mưu đảo chính này, thể hiện mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara và Washington.

"Nếu mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi, chúng ta có thể chứng kiến thời kỳ hỗn loạn nhất từ trước tới nay", một lãnh đạo phe nổi dậy ở Syria nói. Ông này lo sợ rằng cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể chống lại nhau bằng "cuộc chiến ủy nhiệm" trên chiến trường Syria.

Soner Cagaptay, nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington, cho rằng cách xử lý trường hợp của giáo sĩ Gulen có thể tác động rất lớn đến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. "Nếu Erdogan không cho rằng chính phủ Mỹ đang xử lý vấn đề này một cách nghiêm túc, ông ta có thể ngả theo phe của Nga", Cagaptay nhận định.

Một số chuyên gia phân tích quân sự cho rằng nếu không có căn cứ Incirlik, Mỹ vẫn có thể sử dụng các căn cứ khác ở Vùng Vịnh để ném bom IS. Tuy nhiên, phe nổi dậy Syria cho rằng quãng đường bay một tiếng đồng hồ từ các căn cứ đó đến chiến trường là quá lâu để có thể ngăn chặn những đợt tấn công tự sát bằng bom xe, trong khi những chiến đấu cơ cất cánh từ Incirlik chỉ cần 15 phút là đến được mục tiêu.

Nhắm mục tiêu vào người Kurd

Theo chuyên gia phân tích Kamal Chomani, trong trường hợp các phe phái ở Thổ Nhĩ Kỳ đấu đá kịch liệt sau cuộc đảo chính bất thành, Ankara có thể hướng mũi dùi ra bên ngoài, bằng cách tăng cường cuộc chiến chống lại dân quân người Kurd đòi ly khai, đặc biệt là Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Ông Chomani cho rằng trong cuộc chiến chống IS hiện nay, lực lượng dân quân người Kurd đang trở thành mục tiêu dễ dàng hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi họ phải di chuyển ra khỏi các căn cứ địa ở vùng núi để tấn công phiến quân ở những địa hình trống trải, ngay sát biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

"PKK đang phải tìm biện pháp đối phó vì ông Erdogan có thể ra lệnh cho quân đội tấn công dân quân người Kurd, nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc trong quân đội và thu hút sự ủng hộ của xã hội", Chomani nói.

Dao chinh Tho Nhi Ky gieo hoa cho cuoc chien chong IS - Anh 3

Dân quân người Kurd chiến đấu chống phiến quân IS. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh đó, dường như những đối thủ của ông Erdogan và những người ủng hộ ông Assad là cảm thấy vui mừng nhất, khi một trong những thế lực lớn nhất trong cuộc nội chiến ở Syria giờ đây đang phải vật lộn với những vấn đề nội bộ của mình.

Một nhà ngoại giao thân cận với Nga cho biết ông Assad vẫn đang "chờ đợi và theo dõi" để xem ông có thể lợi dụng tình trạng bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ để gây sức ép buộc Ankara phải thỏa thuận chấm dứt hợp tác với phe nổi dậy, góp phần kết thúc cuộc chiến tương tàn ở Syria.

"Họ (Ankara) đang bị vướng vào những rắc rối của riêng mình, không thể quan tâm quá nhiều đến phần còn lại của khu vực được. Thật khó để giả vờ nói rằng tôi không vui mừng trước việc đó", nhà ngoại giao này nói.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.