Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Iran

GD&TĐ - Mấy tuần qua, lời qua tiếng lại giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy quan hệ Mỹ - Iran vào giai đoạn căng thẳng mới. Trong bối cảnh ấy, giới phân tích đặt câu hỏi: Liệu có một cuộc tấn công của Mỹ vào Iran?

Hassan Rouhani và Donald Trump lớn tiếng chỉ trích nhau
Hassan Rouhani và Donald Trump lớn tiếng chỉ trích nhau

Từ những tuyên bố cứng rắn của hai bên

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một thông điệp giận dữ với lãnh đạo Iran Hassan Rouhani.

"Tổng thống Iran (Hassan) Rouhani đừng bao giờ, đừng bao giờ đe dọa Hoa Kỳ một lần nữa. Nếu khác đi, ngài sẽ phải chịu hậu quả nặng nề, một hậu quả mà rất ít người trong lịch sử đã từng phải chịu đựng. Chúng tôi không còn là quốc gia bị tra tấn bởi những lời điên rồ của ngài về bạo lực và chết chóc. Hãy cẩn thận!" - Donald Trump đã viết trên Twitter - phương tiện từ lâu đã trở thành vũ khí truyền thông quan trọng của ông. Trên mạng xã hội, thông điệp của Donald Trump được thể hiện bằng những chữ in hoa.

Không phải ngẫu nhiên mà trên Twitter của mình, Donald Trump lại nổi cơn thịnh nộ như vậy. Trước đó, Tổng thống Iran

Hassan Rouhani cảnh báo rằng những hành động “thiếu cân nhắc” của Donald Trump rất có thể dẫn đến một cuộc chiến chưa từng thấy.

"Ông Trump đừng chơi trò vờn đuôi sư tử. Có thể hối tiếc về điều này. Mỹ phải biết rằng hòa bình với Iran là bản chất của hòa bình với tất cả mọi người, còn chiến tranh với Iran là một cuộc chiến của tất cả các cuộc chiến tranh cộng lại" – Tổng thống Hassan Rouhani nói tại một cuộc họp với các nhà ngoại giao Iran tại Tehran.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Hassan Rouhani tuyên bố như vậy. Thái độ chống Iran của Donald Trump đã thể hiện rất rõ ngay từ chiến dịch vận động tranh cử của ông (mặc dù vào năm 2013 ông mắng Barack Obama đã có những hành động gây hấn chống lại Iran). Vào đầu tháng 5 năm nay, Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như khôi phục lại lệnh trừng phạt với nước này. Quyết định này không chỉ chống lại Iran, mà còn chống lại các nước đang phát triển có quan hệ thương mại và kinh tế với Iran.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran của Donald Trump gây ra phản ứng tiêu cực bởi chính các nước đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu. Vấn đề ở chỗ, Washington không chỉ lo ngại chương trình hạt nhân của Iran mà cả ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong khu vực. Và nữa, Mỹ không muốn trả lại cho Tehran 150 tỷ USD vốn bị Mỹ đóng băng từ Cách mạng Hồi giáo 1979 theo thỏa thuận.

Thời gian gần đây, những cú va chạm mạnh mẽ hay các động tác thân thiện của Mỹ với Iran cũng không có tác dụng. Còn nhớ, sau phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (nơi người Mỹ chỉ trích mạnh mẽ Tehran), Donald Trump đã 8 lần yêu cầu tổ chức một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hassan Rouhani - Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Iran Mahmoud Vaezi tiết lộ. Tuy nhiên, tất cả 8 lần đề nghị của Donald Trump đã bị từ chối. Ấy là chưa kể, lãnh tụ tinh thần của Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ayatollah Ali Khamenei không ít lần tuyên bố rằng Iran sẵn sàng phát triển quan hệ với tất cả các nước ngoại trừ Hoa Kỳ.

Mỹ sẽ tấn công Iran?

Eo biển Hormuz (mũi tên chỉ), nơi 1/3 sản lượng dầu thế giới đi qua sẽ bị phong tỏa nếu chiến tranh với Iran
Eo biển Hormuz (mũi tên chỉ), nơi 1/3 sản lượng dầu thế giới đi qua sẽ bị phong tỏa nếu chiến tranh với Iran  

Vào đầu tháng Bảy, Washington đe dọa sẽ vô hiệu hóa doanh thu dầu của Iran bằng cách thuyết phục các nước khác ngừng mua dầu của Iran. Trước đó, phát biểu tại Ronald Reagan Foundation ở California, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã xác nhận điều này. Ông

Pompeo cáo buộc các nhà chức trách Iran trong tất cả các tội lỗi có thể. Thực tế là ý định của Mỹ nhằm can thiệp vào việc xuất khẩu dầu của Iran đã nhận được đáp trả mạnh mẽ từ Tổng thống Hassan Rouhani. Tehran đe dọa sẽ chặn tất cả các nguồn cung cấp dầu từ khu vực, thậm chí phong tỏa eo biển Hormuz.

Đáp trả những tuyên bố cứng rắn của Donald Trump, Chuẩn tướng Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Hồi giáo Gulyamhosseyn Geybparvar khẳng định: Tuyên bố mang tính đe dọa của nhà lãnh đạo Mỹ là một phần của cuộc chiến tranh tâm lý. Nhưng Tehran vẫn tiếp tục chống lại kẻ thù và "sẽ không từ bỏ niềm tin cách mạng” của mình. "Mỹ muốn tiêu diệt Iran..., nhưng Trump không thể làm bất cứ điều gì chống lại Iran"- ông Gulyamhosseyn Geybparvar khẳng định.

"Trump có thể đe dọa (Iran-ND) bằng một cuộc xâm lược hoặc can thiệp vũ trang, nhưng tôi không tin vào điều đó. Đó là một trò chơi ngu xuẩn, bởi có thể dẫn đến khó kiểm soát trên phạm vi toàn cầu" - ông Mikhail Krutikhin - chuyên gia phân tích kinh tế, Tiến sĩ Khoa học lịch sử Iran nói với tờ “Tấm Gương”.

Theo Mikhail Krutikhin, địa hình của Iran và sự phân bổ “mục tiêu” trên lãnh thổ của nước này chỉ ra rằng sẽ rất khó để người Mỹ có thể tấn công. Bất kỳ hoạt động mặt đất nào chống lại Iran đều bị loại trừ và các cuộc tấn công với các mục tiêu riêng lẻ cũng rất khó. "Iran sẵn sàng đứng lên cầm súng. Ngoài ra, Iran có thể dễ dàng chặn đường ra khỏi vịnh Ba Tư, nơi 1/3 lượng vận chuyển dầu của thế giới đi qua” - Mikhail Krutikhin giải thích. Vì vậy, đe dọa vẫn chỉ là đe dọa - Krutikhin nhấn mạnh. "Nếu các hoạt động của tàu chở dầu có vấn đề thì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu" - Mikhail Krutikhin nói thêm.

Nhà chính trị học người Mỹ Dmitry Drobnitsky cũng tin rằng hầu như không đáng chờ đợi một sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Iran. "Chắc chắn phần lớn các chính trị gia Mỹ và ngay cả những người đã đặt cược vào Trump có ngủ mơ cũng không tin vào khả năng Mỹ có thể phá hủy nhà nước Iran. Nếu thực tế diễn ra sẽ là thảm họa cuối cùng cho Trung Đông, sau đó sẽ không nơi nào trong khu vực này có thể yên ổn…”- Dmitry Drobnitsky kết luận.

Twitter của Trump là một phương tiện truyền thông có thể góp phần tăng áp lực cho một trò chơi ngoại giao nhất định. Tuy nhiên, đơn giản chỉ là vậy. Với Bắc Triều Tiên, Iran, nếu không gửi sứ giả riêng của mình như Pompeo đến đàm phán, thỏa thuận thì cũng vô nghĩa - Dmitry Drobnisky nhấn mạnh.

Quan hệ Mỹ - Iran từng dịu xuống vào cuối thời của Tổng thống Barack Obama bằng việc ký kết thỏa thuận hạt nhân. Những căng thẳng như hiện nay phần lớn do chính quyền Donald Trump tạo ra. Tuy nhiên, với Mỹ, việc tiêu diệt chế độ Cộng hòa Hồi giáo ở Iran là điều không tưởng. Giới phân tích đặc biệt theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Donald Trump và V.Putin tại Helsinki. Cho dù những vấn đề mà hai Tổng thống thỏa thuận với nhau trong phòng kín, trong đó có vấn đề Iran vẫn chưa được công khai, nhưng dư luận tin rằng, Tổng thống Nga V.Putin sẽ đóng vai trò trung gian quan trọng trong tiến trình làm dịu căng thẳng giữa Iran và Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ