Bị bác sĩ (BS) dọa rằng nếu còn ngồi một chỗ quá nhiều sẽ bị tiểu đường, thoái hóa cột sống, ông Nguyễn V.T (45 tuổi; nhân viên văn phòng tại quận 2, TP HCM) quyết định lên lịch tập luyện để thay đổi lối sống. Mỗi ngày 45 phút chạy bộ buổi sáng, mỗi tuần 3 buổi tập gym nhưng sau 1 tuần "sống lành mạnh", ông… nằm bẹp tại chỗ.
Không lượng sức: Dễ chấn thương, kiệt sức
Anh Trần V.V (40 tuổi; quận 3, TP HCM) tỏ ra hào hứng khi nghe công ty có một hội thao, giao lưu với nhiều đơn vị khác. Nghĩ mình lâu nay làm công việc văn phòng, ra đường cũng toàn chạy xe máy, sẵn dịp này nên vận động cho khỏe người, anh đăng ký liền 3 môn: bóng đá, bóng bàn, trò chơi vận động. Thế nhưng, mới tranh tài được mấy buổi, anh đã bị BS bắt… hạn chế đi lại 3 tuần vì bị chấn thương dây chằng đầu gối lẫn cổ chân bên trái, chưa kể khắp người mỏi nhừ, cảm thấy như kiệt sức.
Nên tập luyện vừa sức, phù hợp với thể trạng và lứa tuổi, bảo đảm cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, tinh thần sảng khoái sau tập
BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Sài Gòn, cho biết tập thể dục là cách nâng cao thể lực, giúp cơ thể khỏe khoắn, tinh thần sảng khoái, lạc quan, yêu đời hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là tập thế nào cho đúng, đủ và thường xuyên. Nhiều người vô tình mắc phải những sai lầm trong cách tập thể dục khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần căng thẳng.
TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, phân tích: Chấn thương và kiệt sức dễ gặp ở người lâu ngày ít vận động, đột ngột tham gia hoạt động thể chất cần nhiều sức lực nào đó hay cố bắt đầu lối sống lành mạnh hơn nhưng không biết cách. Cho dù là người còn trẻ, khỏe, thể chất tốt thì cơ thể cũng cần một thời gian nhất định để thích nghi với lối sống mới.
Xác định rõ tập để làm gì
Theo BS Vui, điều đầu tiên khi quyết định bắt đầu một lối sống có sự hiện diện thường xuyên của thể dục thể thao, phải xác định mình tập vì mục đích gì và tùy theo độ tuổi, mục tiêu cụ thể mà có nội dung tập luyện phù hợp.
Nếu tập không đúng, quá sức, nhất là ở người lớn tuổi, có thể dẫn đến biến chứng cho cơ thể như căng cơ, gãy xương, mệt mỏi, chán ăn… Tập những môn nặng cũng cần lưu ý: ví dụ bạn quá yêu thích thể hình nhưng mua dụng cụ tự tập ở nhà mà không biết cách tập, không có huấn luyện viên hướng dẫn thì có thể dẫn đến bong gân, trật khớp, nặng nề hơn là hít thở không đúng gây vỡ phế nang, tràn khí màng phổi…
Nếu tập để ngăn ngừa bệnh tật, để trị bệnh hay phục hồi chức năng thì càng cần có sự hướng dẫn của người có chuyên môn và tuân thủ các yêu cầu của BS; đồng thời tập đúng, đủ và thường xuyên.
Đừng xem thường biểu hiện nhỏ
TS-BS Lý lưu ý trường hợp bắt đầu tập sau một thời gian ít vận động, tập tăng nặng cường độ thì rất có thể gặp tình trạng đau râm ran, mỏi nhừ một vùng cơ thể. Tình trạng này giống như người leo núi hôm trước mà không khởi động, hôm sau chân bước không nổi.
Cảm giác này xuất phát từ những chấn thương vi thể, có thể tự lành sau vài ngày nghỉ ngơi. Nhất thiết bạn nên nghỉ ngơi, vì chấn thương vi thể cộng dồn có thể làm suy yếu hệ cơ, xương, khớp, các dây chằng… Để không gặp chấn thương vi thể, cách tốt nhất là luôn khởi động trước khi tập, đồng thời nếu đã qua một thời gian không tập thì các buổi đầu tiên nên tập nhẹ, rồi tăng dần cường độ và thời gian tập lên để cơ thể dần thích nghi.
BS Vui khuyên người tập nên chú ý việc ăn uống - không để quá no vì sẽ gây đầy hơi, khó tiêu, về lâu dài có thể dẫn đến viêm loét dạ dày và các bệnh đường tiêu hóa khác; không để quá đói vì có thể khiến kiệt sức, hạ đường huyết, chóng mặt, ngất xỉu…
Ngoài ra, người lớn tuổi nên lưu ý thời gian tập: không quá sớm khi trời còn tối mịt và nhiều sương vì có thể nhiễm lạnh, bệnh; không quá gần giờ đi ngủ vì có thể làm rối loạn nhịp sinh học gây khó ngủ, ngủ chập chờn, không sâu. Tốt nhất là nên tập khi trời hửng sáng, sương sớm đã tan bớt hoặc nếu tập buổi tối thì giờ tập phải cách ít nhất 2 giờ trước khi ngủ.