Cần xử lý nghiêm vi phạm tài chính ở Trường Mầm non Đoọc Mạy (Kỳ Sơn, Nghệ An)

Cần xử lý nghiêm vi phạm tài chính ở Trường Mầm non Đoọc Mạy (Kỳ Sơn, Nghệ An)

(GD&TĐ) - Thanh tra huyện Kỳ Sơn khẳng định bà Nguyễn Thị Lựu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đoọc Mạy (Kỳ Sơn, Nghệ An) và bà Ngân Thị Quỳnh, kế toán nhà trường đã có hành vi biển thủ hàng trăm triệu đồng tiền lương, phụ cấp của giáo viên và tiền hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập của trẻ… Nhưng đã 3 tháng trôi qua kể từ khi có kết luận thanh tra, việc xử lý kỷ luật đối với hai bà này vẫn chưa được tiến hành. 

Ăn chặn tiền của giáo viên và các cháu 

Trường Mầm non Đoọc Mạy có 10  nhóm, lớp với 167 cháu và 14 cán bộ, giáo viên. Trường thuộc xã biên giới đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, tạm bợ. Trong điều kiện đó, đội ngũ giáo viên và các cháu ngày đêm nỗ lực để duy trì việc dạy và học thì ngược lại, bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lựu và kế toán Ngân Thị Quỳnh lại tìm mọi cách để ăn chặn tiền chế độ của họ, kể cả những đồng tiền ăn ít ỏi mà Nhà nước hỗ trợ cho trẻ.

Cần xử lý nghiêm vi phạm tài chính ở Trường Mầm non Đoọc Mạy (Kỳ Sơn, Nghệ An) ảnh 1
Trường mầm non Đoọc Mạy (Huyện Kỳ Sơn – Nghệ An)

Trước sự việc này, UBND huyện Kỳ Sơn đã vào cuộc. Kết luận thanh tra số 569/KL-UBND ngày 16/10/2012 khẳng định: Với tư cách là Hiệu trưởng, là chủ tài khoản nhà trường, bà Nguyễn Thị Lựu đã thực hiện quản lý nhà nước lỏng lẻo, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính; làm trái các quy định của Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ quản lý, sử dụng nguồn ngân sách; lập danh sách thanh toán các chế độ cho giáo viên không kịp thời và đầy đủ; lập bảng thanh toán nhưng trong thực tế lại chưa chi trả hoặc chi trả thiếu, không đầy đủ chế độ cho các đối tượng được hưởng với số tiền 37.696.060 đồng (trong số này có một số khoản như thanh toán chế độ truy lĩnh nâng bậc lương năm 2010, 2011 cho 3 giáo viên gần 7,5 triệu đồng nhưng bà Lựu không chi trả đủ). Ngoài ra, bà Lựu còn biển thủ tiền chế độ hỗ trợ các cháu con hộ nghèo theo Quyết định 112/QĐ-TTg năm 2010…

Đối với kế toán Ngân Thị Quỳnh, kết luận thanh tra khẳng định bà Quỳnh đã lợi dụng chức vụ khi thi hành nhiệm vụ, làm trái các quy định của Nhà nước, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chiếm dụng tiền chế độ chính sách của giáo viên và các cháu để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây bức xúc và ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên, của các cháu; làm mất lòng tin của cha mẹ các cháu đối với nhà trường. Từ năm 2010 đến tháng 9 năm 2012, bà Quỳnh đã chiếm dụng hơn 205 triệu đồng tiền chế độ lương, phụ cấp của giáo viên và tiền hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập của các cháu. Trong số đó, có 108,15 triệu đồng tiền chế độ hỗ trợ chi phí học tập của các cháu trong năm học 2011-2012 và hơn 20,5 triệu đồng tiền chế độ ăn trưa của trẻ. Bà Quỳnh cũng không chi trả gần 25 triệu đồng tiền phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn và 51,4 triệu đồng tiền lương tháng 7 năm 2012 cho giáo viên.

Vừa qua, chúng tôi đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với giáo viên, cha mẹ các cháu Trường Mầm non Đoọc Mạy; lãnh đạo xã Đoọc Mạy và huyện Kỳ Sơn. Một giáo viên (xin không nêu tên) cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa biết huyện có xử kỷ luật hay không. Từ khi có kết luận thanh tra đến nay, rất ít khi Hiệu trưởng có mặt tại trường. Ngày 20/11 - kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, thấy cô Lựu lên phát biểu, người dân địa phương hết sức bất bình.. Mấy tháng liền không được nhận lương và tiền chế độ của  hai năm liền, chúng tôi gặp và hỏi Hiệu trưởng thì được trả lời “Im lặng đi, khi mô (khi nào) ai hỏi thì nói nhận rồi”. Thế nên chị em giáo viên gửi đơn cho Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn, nhưng không thấy Phòng có động tĩnh gì. Sau đó chị em phải gửi đơn cho UBND huyện và UBND huyện đã cho thanh tra”. 

Chúng tôi tìm đến ông Già Bá Hờ, Bí thư Chi bộ bản Phà Lách Phay. Ông Già Bá Hờ bức xúc: “Dân không nhất trí cho cô Lựu làm Hiệu trưởng ở đây nữa đâu, vì Hiệu trưởng và kế toán ăn chặn nhiều tiền quá rồi”. Ông Lầu Nỏ Và, Phó Chủ tịch UBND xã Đoọc Mạy cũng cùng tâm trạng bức xúc đó: “Khi nghe phản ánh của giáo viên, xã cũng đã sang làm việc. Ban đầu xã muốn giải quyết để tránh vượt cấp, nhưng thực tế sự việc đã vượt quá thẩm quyền. Đối với kết luận của thanh tra, chúng tôi cũng thấy chính xác; Hiệu trưởng và kế toán nhà trường cũng đã thừa nhận. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay vẫn chưa thấy xử lý kỷ luật những người vi phạm. Còn cha mẹ các cháu thì không ai còn muốn cô Lựu làm Hiệu trưởng nữa”.

Liệu vụ việc có bị “chìm xuồng”?

Theo ông Phó Chủ tịch UBND xã Lầu Nỏ Và, khi Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn và huyện vào làm việc, nhà trường và xã đã đề nghị tổ chức bỏ phiếu kín đề xuất hình thức kỷ luật đối với Hiệu trưởng và kế toán nhà trường nhưng không được chấp nhận. Bà Vi Thị Khiểu, Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn thì cho rằng: “Sự việc nói trên, Phòng mới biết khi Thanh tra huyện vào cuộc (trong khi giáo viên phản ảnh, đơn thư của họ về vụ việc này đã được gửi cho Phòng?!). Theo sự chỉ đạo của huyện, ngày 18/12/2012, Phòng đã trực tiếp vào trường chỉ đạo tổ chức kiểm điểm”. Trước câu hỏi tại sao giáo viên và xã yêu cầu được bỏ phiếu kín đề xuất hình thức kỷ luật Hiệu trưởng và kế toán nhà trường nhưng Phòng không chấp nhận, bà Khiểu nói: “Không phải không cho, huyện nói không làm, mình chỉ phụ trách chuyên môn nên việc đó vượt quá thẩm quyền”.

Ông Trần Văn Khánh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn (nguyên là Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn) cho biết: “Chủ tịch UBND huyện đã giao cho Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT phối hợp tham mưu hình thức xử lý kỷ luật. Quan điểm của chúng tôi là sẽ xử lý nghiêm, hướng xử lý là sẽ cách chức Hiệu trưởng đối với bà Nguyễn Thị Lựu”. Còn ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thì nói: “Việc xử lý kỷ luật Hiệu trưởng và kế toán Trường Mầm non Đoọc Mạy vi phạm như thanh tra đã kết luận phải theo đúng quy định của pháp luật. Việc làm của Hiệu trưởng và kế toán trường này là không thể chấp nhận được, vì thế chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”. 

Với quyết tâm của Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn là xử lý nghiêm các đối tượng sai phạm, hy vọng vụ việc ở Trường Mầm non Đoọc Mạy sẽ không bị “chìm xuồng”.

Đức Tiến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.