Hưởng ứng với chủ trương đó, nhiều ngành, nhiều địa phương đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thay thế dần các thủ tục hành chính có liên quan đến Sổ hộ khẩu. Một trong những nội dung quản lý có liên quan đến Sổ hộ khẩu nhận được nhiều sự quan tâm của người dân hiện nay đó là, tuyển sinh đầu cấp phải căn cứ vào Sổ hộ khẩu tại một số địa phương.
Nhiều học sinh không có Sổ hộ khẩu thường trú nên không thể đăng ký tuyển sinh đầu cấp vào các trường công lập, trừ các trường điểm, trường chuyên…mà bắt buộc phải theo học các trường ngoài công lập với mức chi phí cao, địa điểm thì cách xa nơi cư trú của học sinh.
Quy định tuyển sinh đầu cấp tại một số địa phương phải căn cứ vào Sổ hộ khẩu thường trú, có nơi đặt ra quy định phải có Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú từ 2 đến 3 năm mới được tuyển sinh, dẫn đến tình trạng “chạy” Sổ hộ khẩu đã và diễn ra phổ biến, gây áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục, cũng như công tác quản lý dân cư hiện nay.
Do đó, vấn đề mà các phụ huynh hiện nay đều mong muốn đó là, có nên bỏ quy định phải có Sổ hộ khẩu thường trú trong tuyển học sinh đầu cấp hay không?
Theo tôi, trước mắt cần thí điểm việc xóa bỏ quy định phải có Sổ hộ khẩu thường trú trong tuyển học sinh đầu cấp, bởi vì việc quản lý theo cách này vẫn có một số khó khăn, bất cập, chưa tạo điều kiện cho người dân làm ăn sinh sống tại địa phương (nhưng không có Sổ hộ khẩu thường trú), đồng thời, việc quản lý trên phát sinh tình trạng “chạy” Sổ hộ khẩu của một bộ phận phụ huynh để học sinh được học tại các trường ở trung tâm thành phố, đô thị, gây áp lực cho công tác quản lý giáo dục, cũng như dẫn đến tình trạng không công bằng giữa các học sinh với nhau.
Để xóa bỏ tuyển sinh đầu cấp theo Sổ hộ khẩu thường trú, cần thiết phải đổi mới biện pháp quản lý như tuyển sinh đầu cấp của các cơ sở giáo dục công lập theo hướng phải căn cứ vào nơi sinh sống thường xuyên của học sinh mà không bắt buộc phải theo Sổ hộ khẩu thường trú.
Theo đó, học sinh được ưu tiên theo học tại các trường gần nơi sinh sống, nếu các trường gần nơi sinh sống của học sinh hết chỗ thì có thể đăng ký theo học tại các trường lân cận.
Để làm được việc này, các cơ quan quản lý giáo dục cần nâng cao chất lượng tại các cơ sở giáo dục các cấp, hạn chế sự phân biệt, khoảng cách về chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục với nhau, đồng thời, tăng cường đầu tư, xây dựng các cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tại các trung tâm thành phố, đô thị.
Có như vậy, mới có thể xóa bỏ việc quản lý tuyển sinh đầu cấp bằng Sổ hộ khẩu đang gây ra những khó khăn, bất cập cho công tác quản lý, cũng như đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo phụ huynh học sinh hiện nay./.