Cần xem xét kỹ lưỡng việc cấm thương nhân phân phối xăng dầu mua hàng của nhau

GD&TĐ - Theo ý kiến chuyên gia, đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau là điều cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.

Nếu không cho phép mua bán giữa các thương nhân phân phối có thể tạo ra rào cản trong việc thực hiện các chiến lược kinh doanh linh hoạt hơn. Ảnh minh họa: INT
Nếu không cho phép mua bán giữa các thương nhân phân phối có thể tạo ra rào cản trong việc thực hiện các chiến lược kinh doanh linh hoạt hơn. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về kinh doanh xăng dầu

Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu có quy định thương nhân không được mua bán với nhau nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả và cắt giảm khâu trung gian, giảm chi phí.

Ông Chinh nhấn mạnh, quy định này được đưa ra sau các cuộc thanh tra, kiểm tra và điều tra của các cơ quan chức năng rồi kiến nghị với Bộ Công Thương và Chính phủ. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo nghị định với nội dung như vậy.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước khẳng định, những quy định này được cân nhắc kỹ lưỡng để thúc đẩy sự cạnh tranh và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp. Ông Chinh đồng thời nhấn mạnh, các doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện.

Theo đó, chuỗi cung ứng xăng dầu được phân cấp gồm khâu tạo nguồn; doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Điều này có nghĩa là các thương nhân phân phối chỉ được mua từ những đầu mối đã được chỉ định. Quy định này được đưa ra nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp mua bán với nhau mà không thông qua các đầu mối, tức giảm bớt khâu trung gian và cải cách quy trình để tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý xăng dầu.

Trước đó, khi sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, ban hành Nghị định 80, Chính phủ đã thông qua việc cắt bỏ bớt khâu trung gian như tổng đại lý. “Thực hiện quản lý theo chuỗi thẳng, chứ không quản lý theo chuỗi ngang”, ông Chinh phân tích.

Nghị định cũng quy định điều kiện để trở thành thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ hoàn toàn khác nhau. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, ở phân khúc nào doanh nghiệp phải đáp ứng đúng điều kiện của phân khúc đó, không có sự phân biệt đối xử.

Đối với thương nhân phân phối, doanh nghiệp chỉ được mua từ đầu mối. Cơ quan quản lý ghi nhận hiện có 30 đầu mối trên thị trường, tạo ra sự cạnh tranh.

Dù vậy, theo ông Chinh, quy định lần này đã rà soát để cắt bỏ nhiều điều kiện với nhóm này, như việc dự trữ xăng dầu do doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm, bỏ quy định kho chứa và có đội xe vận tải, bên cạnh những cải cách thủ tục hành chính, áp dụng số hóa. Trong khi đó, các điều kiện đối với thương nhân đầu mối tăng lên để gắn trách nhiệm tạo nguồn.

Thuận theo nguyên lý thị trường

Tháng 7/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có công văn gửi Bộ Công Thương góp ý Dự thảo Nghị định về Kinh doanh xăng dầu. Trong đó, VCCI đưa ra nhiều ý kiến liên quan tới cơ chế giá bán xăng dầu, điều kiện đầu tư kinh doanh, dự trữ lưu thông...

Về việc thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau, VCCI dẫn Điều 17 của dự thảo quy định quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, trong đó không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.

Theo lập luận của Bộ Công Thương, nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao. Tuy nhiên, VCCI nhấn mạnh lập luận này không có cơ sở và đi ngược quy luật thị trường.

Các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. VCCI đặt giả thiết, có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn.

Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đã là thị trường thì thương nhân phân phối mua ở đâu và bán ở đâu là do họ, không nên hạn chế. Hơn nữa, không phải lúc nào các doanh nghiệp đầu mối cũng đủ lượng hàng, giá cả hợp lý ở từng vùng, từng thời điểm.

Ông Bảo kiến nghị, nên có quy định cho phép thương nhân phân phối mua bán của nhau, với tỷ lệ cụ thể. Ví như, 50 - 70% mua thoải mái của doanh nghiệp đầu mối, còn lại 30% mua bán lẫn nhau. Bởi, đây chính là nghiệp vụ điều hoà thị trường.

“Thị trường có biến động bất thường thì điều hoà lượng hàng từ thương nhân phân phối nhiều hàng sang thương nhân phân phối ít hơn. Do đó, đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau là điều cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng”, ông Bảo góp ý.

Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cần giải thích rõ việc vì sao chỉ mỗi thương nhân phân phối lại không được mua bán lẫn nhau trong dự thảo mới, còn thương nhân đầu mối vẫn được mua hàng của nhau.

Theo ông Thoả, việc chỉ cho thương nhân phân phối mua hàng của thương nhân đầu mối khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu lo ngại sẽ trao quyền quá lớn cho đầu mối, khiến họ phụ thuộc cả về nguồn cung và lợi nhuận.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Thoả cho rằng, nếu dự thảo không cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau thì cần cụ thể hóa thêm những điều kiện trong nghị định.

Cụ thể, quy định một cơ chế liên kết, kết nối chặt chẽ, kiểm soát được lẫn nhau trong hệ thống cung ứng xăng dầu theo “chiều dọc” từ thương nhân đầu mối, đến thương nhân phân phối trở đi thông qua hợp đồng, qua cam kết, có đăng ký hệ thống cung ứng với trách nhiệm cao hơn trong việc đảm bảo nguồn, chia sẻ chi phí kinh doanh, chiết khấu với nhau hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích.

Thẩm định nội dung dự thảo nghị định, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra bất cập của dự thảo nghị định khi quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau. “Việc giới hạn như trên về nguyên tắc sẽ làm hạn chế lựa chọn nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu, có thể chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh tại khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018”, Bộ Tư pháp nêu ý kiến thẩm định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Israel đối mặt với nguy cơ lớn nếu Hezbollah thực sự sở hữu tên lửa Onyx.

Đến lượt Hezbollah phản công

GD&TĐ - Theo Times of Israel, Hezbollah tại Lebanon quyết tâm phản công nhằm vào nhiều mục tiêu của Israel làm dấy lên nguy cơ xung đột toàn diện.

Minh họa/INT

Cuộc chiến truyền thông

GD&TĐ - Bất chấp các cuộc thăm dò giai đoạn tiền bỏ phiếu thì kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới đây vẫn là một ẩn số khó đoán định.