Theo em Nguyễn Thành Trung, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP Quảng Ngãi): “Việc học tập, ôn thi qua mạng rất tiện ích. Tuy giáo viên không đứng trước mặt mình để giảng dạy trực tiếp, song qua các video mình có thể hiểu được vấn đề. Hơn nữa, hầu hết thầy cô giáo dạy dễ hiểu và sau khi giảng giải phần lý thuyết, thầy cô lại có thêm bài tập làm ví dụ minh họa… giúp cho người học khắc sâu kiến thức, dạng bài tập”.
Em Thùy Trang, Trường THPT Quốc học (Bình Định) cũng hay vào các trang web luyện thi để củng cố kiến thức. Thùy Trang cho rằng hình thức luyện thi trực tuyến được nhiều HS đón nhận là vì mức học phí vừa phải, chỉ khoảng 5 nghìn đồng/đề thi, 10 -15 nghìn đồng/ bài giảng 60 phút. Học viên có thể trao đổi với các bạn và thầy cô khác và có các bài ôn tập kiến thức tổng hợp sau những bài mình học và kiểm tra theo hình thức trực tuyến”.
Tuy nhiên, theo Thùy Trang, học trên mạng cũng có cái bất cập. Chẳng hạn như sau khi làm một bài văn, các bạn cần thầy cô chấm điểm, nhận xét, đánh giá thì học trên mạng không thể thực hiện được điều đó. Còn đối với các môn học tự nhiên, gặp bài toán khó, các bạn chẳng thể tự làm, xem cách giải trên mạng vẫn không thể hiểu, nên phải nhờ bạn bè hay thầy cô ở trường hỗ trợ thêm…. Bởi vậy, cần có sự kết hợp giữa học truyền thống với học trên mạng thì việc học, ôn thi mới đạt hiệu quả cao.
Theo ý kiến cá nhân tôi, cái được của cách học trực tuyến là có nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, các em có thể chủ động được thời gian, có thể tham khảo, xem lại nhiều lần. Tuy vậy, thực tế nó chỉ đơn thuần là một bài giảng ghi âm, không có giải đáp thắc mắc, không giảng giải những nội dung chuyên sâu, mở rộng hay chú thích thêm cho HS hiểu cặn kẽ vấn đề.
Mặt khác, chất lượng và tính phù hợp của các trang học online cũng là điều các em cần phải tìm hiểu thật kỹ, chớ vội tin vào lời quảng cáo.