Liên tục những ngày gần đây, tình trạng đuối nước có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Xót xa hơn, có những vụ không chỉ một mà nhiều người bị đuối nước cùng một lúc. Ðiều đáng nói là không chỉ các em nhỏ, học sinh phổ thông bị đuối nước mà ngay cả người biết bơi cũng trở thành nạn nhân do thiếu kỹ năng cứu người.
Chỉ mới bước vào đầu kỳ nghỉ Hè, đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước tập thể thương tâm, nạn nhân là các học sinh. Sáng ngày 30/5, 5 em học sinh lớp 8 tại Nghệ An vừa bị đuối nước tử vong. Trước đó ít ngày, tại tỉnh Quảng Bình chỉ trong vòng 1 tuần cũng đã xảy ra 2 vụ khiến 6 học sinh bị chết do đuối nước. Nhiều địa phương khác, cũng xảy ra tình trạng học sinh bị đuối nước như: Khánh Hoà, Bình Thuận, Long An… mỗi vụ việc có ít nhất từ 2 đến 3 học sinh tử vong. Nhiều vụ đuối nước tập thể xảy ra liên tục đã khiến các bậc phụ huynh hết sức hoang mang, lo lắng.
Các em học sinh được thực hành cứu người đuối nước trên biển. |
Chị Nguyễn Ngọc Châu, một phụ huynh ở TP HCM nói: “Đuối nước xảy ra rất thường xuyên, do các em còn nhỏ thấy nước là thích nhưng không biết rất nguy hiểm. Phụ huynh rất lo lắng khi thấy liên tục xảy ra các vụ việc trẻ bị đuối nước trong những ngày qua. Phụ huynh như chúng tôi thấy rất cần trang bị cho các cháu kỹ năng bơi tự vệ cho mình và biết được kỹ năng cứu bạn đúng cách, điều này chúng tôi thấy ở thời điểm này cần lắm”.
Làm sao để ngăn ngừa được tình trạng đuối nước ở lứa tuổi học sinh? Đây là vấn đề được phụ huynh quan tâm, nhất là vào dịp Hè. Ông Nguyễn Ngọc Thuận, một phụ huynh tại TP HCM cho rằng, hiện nay, ở các địa phương, việc phổ cập bơi lội nơi có nơi không. Nếu có thì chỉ tập trung huấn luyện bơi chứ chưa chú trọng đến trang bị kiến thức và kỹ năng thực tế cho học sinh xử lý tình huống khi bị đuối nước. Trong nhiều trường hợp cụ thể, nếu học sinh được trang bị tốt cách xử lý tình huống thì có thể mang lại nhiều cơ hội sống sót cho chính bản thân cũng như bạn của mình.
Nhiều người vẫn còn nhớ về bài học đau buồn cách đây ít năm, khi một nhóm giáo viên Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đưa học sinh đi dã ngoại hè tại Cần Giờ, trong lúc tắm biển ở ven bờ thì 7 em học sinh bị đuối nước và bị cuốn ra xa. Rât nhiều người khi đó đã đau xót nói rằng, sẽ không có thảm kịch 7 học sinh cùng mất mạng nếu các em biết được cách xử lý ban đầu và được ứng cứu kịp thời, đúng cách.
“Trẻ bây giờ rất hiếu động. Biết bơi rồi cũng chủ quan nên không biết nguy hiểm đang chực chờ. Lớp trẻ bây giờ biết bơi thì chỉ biết bơi thôi, còn kỹ năng xử lý tình huống cấp bách tình huống thì thiếu kiến thức. Đây cũng là điểm nóng mà lớp trẻ đang thiếu, cần phải phổ biến mạnh và rộng rãi hơn nữa”, ông Thuận nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước có thu nhập cao.
Một số chuyên gia huấn luyện bơi lội và chống đuối nước cho rằng, việc trang bị kỹ năng bơi lội là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ngoài việc giúp trẻ biết bơi thì còn phải có kỹ năng xử lý tình huống ở môi trường nước xung quanh. Việc cứu người theo bản năng là tốt, nhưng cứu người cần phải đúng cách, bảo đảm an toàn cho bản thân và cho người được cứu.
“Dù biết bơi, nhưng không biết kỹ năng để cứu đuối và thoát hiểm, thì khi ứng cứu người bị đuối nước sẽ rất nguy hiểm. Vì nếu bị người đuối nước ôm vào, mình không biết kỹ năng thoát ra thì cũng sẽ trở thành nạn nhân. Trước khi cứu người, các em phải được học cách cứu bản thân mình trước”, anh Nguyễn Văn Chung, huấn luyện viên Câu lạc bộ bơi lội Chánh Hưng, TP HCM cho biết.
Xuất phát từ thực tiễn cần thiết trong việc trang bị kỹ năng cứu người đuối nước cho học sinh, trong khuôn khổ Mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, song song với các hoạt động tuyên truyền giúp đỡ ngư dân, nhân dân các địa phương ven biển, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã tổ chức những đợt trang bị kiến thức xử lý tình huống và cứu người đuối nước cho ngư dân.
Học sinh được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ hướng dẫn thao tác cứu người bị đuối nước. |
Đồng thời đơn vị này có hẳn một chuyên đề trang bị kỹ năng “học sinh cứu học sinh bị đuối nước”. Đại tá Đỗ Hồng Đó, Chính uỷ Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết: Hoạt động này bước đầu đã được tổ chức ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và sắp tới sẽ triển khai ở nhiều địa phương ven biển khác.
“Năm nay, chúng tôi tập huấn đuối nuớc cho cả ngư dân, nhân dân và có chuyên đề riêng cho học sinh, thiếu nhi trong việc trang bị kỹ năng cứu người đuối nước. Đối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chúng tôi đã ký kết toàn diện một kế hoạch chung để cùng nhau triển khai rộng tại nhiều địa phương trong thời gian tới”, Đại tá Đỗ Hồng Đó nói.
Việc trang bị kỹ năng học sinh cứu học sinh khi bị đuối nước do lực lượng cảnh sát biển tổ chức tuy chỉ mới được triển khai, nhưng đã tạo được hiệu ứng tốt, sự đồng tình trong cộng đồng xã hội. Trong thời gian tới, để chuyên đề này được triển khai rộng rãi, tiếp cận được các em rất cần sự chung tay góp sức của chính quyền các địa phương và đơn vị có liên quan để góp phần kéo giảm tình trạng tử vong, tử vong tập thể ở lứa tuổi học sinh liên quan đến đuối nước.