Cần thoát khỏi tầm nhìn giáo dục thể chất là môn học phụ

GD&TĐ -  Ngày 12/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm TDTT TPHCM.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra và chỉ đạo nhiều vấn đề tại dự án xây mới Trường ĐH Sư phạm TDTT TPHCM.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra và chỉ đạo nhiều vấn đề tại dự án xây mới Trường ĐH Sư phạm TDTT TPHCM.

Cần thay đổi định hướng và chiến lược phát triển nhà trường

Báo cáo về tình hình hoạt động cũng như những vướng mắc trong việc xây dựng cơ sở mới của trường tại huyện Nhà Bè (TPHCM), TS Châu Vĩnh Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM cho biết: Là trường sư phạm đặc thù có quy mô nhỏ, trường có số lượng tuyển sinh mỗi năm khoảng 300 sinh viên đại học chính quy. Số lượng học viên hệ đại học vừa học vừa làm, đại học liên thông vừa học vừa làm, cao đẳng chính quy, cao học, nghiên cứu sinh cũng ở mức tương tự.

Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học nhỏ bé, nên thách thức đặt ra đối với Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM trong quá trình phát triển là không nhỏ. Nhà trường cần một định hướng lâu dài, khả thi để phát triển, trong đó có việc cần sớm đưa vào sử dụng cơ sở mới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong xu hướng phát triển giáo dục toàn diện, con người là trung tâm, giáo dục thể chất ngày càng có vai trò quan trọng. Giáo dục ngày càng phát triển thì các môn nghệ thuật, rèn luyện thể chất cũng có vị trí ngày càng lớn trong xã hội, khi ý thức rèn luyện thể dục thể thao của người dân ngày càng được nâng cao.

Mức sống của người dân ngày càng phát triển, nhu cầu xã hội trong phát triển thể chất là có. Vì vậy, cần phải nhận thức đầy đủ vấn đề này trong chiến lược phát triển của nhà trường. Cần tư duy lớn hơn và thoát khỏi tầm nhìn giáo dục thể chất là môn học phụ.

Theo Bộ trưởng, Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM phải biết tận dụng mở rộng nhóm ngành đào tạo theo hướng liên ngành, để hoàn thành trách nhiệm sư phạm. Các nước càng giàu thì khoa học về phát triển thể chất càng có thành tựu rất lớn, nhất là nền khoa học liên ngành về phát triển thể chất. Cơ hội phát triển nhóm ngành nghề, phát triển nhà trường là rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM.

Trường cần tư duy phát triển rộng lớn và tiến bộ hơn theo thông lệ và tư duy khoa học phát triển thể chất tiên tiến trên thế giới; rà soát, cơ cấu lại hệ thống ngành nghề, xây dựng hệ thống đào tạo cử nhân đáp ứng yêu cầu xã hội.

Với tính liên ngành rất cao của hoạt động giáo dục thể chất, trường có thể tính đến đào tạo liên ngành với các ngành như y học, sinh học, dinh dưỡng, tâm lý, công nghệ… Cùng với đó lên kế hoạch nhân lực, cơ sở vật chất, các điều kiện và rà soát chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra nhiều hạng mục tại cơ sở đang xây mới của Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra nhiều hạng mục tại cơ sở đang xây mới của Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TPHCM.

Ưu tiên những hạng mục phục vụ sinh viên

Bộ trưởng cũng đề nghị trường cần nghiên cứu, suy nghĩ và thực hiện việc tư vấn cho Bộ GD&ĐT trong việc đổi mới dạy và học môn giáo dục thể chất từ mầm non cho tới đại học.

Đặc biệt, nhà trường cần phải xem nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực TDTT là nhiệm vụ quan trọng, để từ đó xây dựng và phát triển các ý tưởng mà trường ấp ủ (đơn cử như việc thành lập trường phổ thông năng khiếu hơn là ý tưởng thành lập trường phổ thông thực hành).

Về dự án cơ sở mới, Bộ trưởng cho rằng đây là dự án lớn, có tầm quan trọng với sự phát triển của trường. Do đó, việc hoàn thiện cơ sở mới, chuyển sang cơ sở mới phải là một quyết tâm chính trị.

Việc di chuyển nhân lực, đội ngũ từ cơ sở cũ sang mới không khó, nhưng di chuyển cơ sở vật chất học tập, sinh viên… là bài toán không hề dễ dàng. Các lĩnh vực đặc thù như nghệ thuật, TDTT cần phải ở tại trường và rèn luyện, học tập tại chỗ…

Cần phải có tư duy cho thật phù hợp với con nhà nghèo, thay vì dùng nguồn tiền đầu tư cho các hạng mục chưa cần thiết, cần đầu tư cho các hạng mục thực tế và phục vụ tốt hơn cho mục tiêu đào tạo của nhà trường, cho người học. Đây nên là những vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ