Do đó, vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý lúc này không chỉ là kiểm soát thị trường mà còn phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, tránh tạo bong bóng thị trường.
Giá vàng: quá nhanh, quá nguy hiểm
Trưa 28-7, giá vàng thế giới cán mốc 1.982 USD/ounce, cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Mức giá này chỉ giữ được trong vài giờ. Đến cuối ngày, giá vàng giảm về 1.930 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng theo đó mà từ 58,05 triệu đồng/lượng giảm còn 57,4 triệu đồng/lượng.
Còn nhớ, thời điểm cuối tháng 4-2020, Bank of America đã nâng dự báo giá vàng trong 18 tháng tới lên 3.000 USD/ounce, cao hơn 50% so mức giá 2.000 USD mà chính ngân hàng này dự báo. Bank of America dự kiến vàng thỏi sẽ có giá trung bình khoảng 1.695 USD/ounce trong năm nay và 2.063 USD trong năm 2021.
Ngày 27-7, giá vàng vượt qua ngưỡng cản 1.900 USD/ounce, ông Frank Holmes, CEO của US Global Investors cho rằng, đà tăng có thể sẽ không dừng lại cho đến khi giá vàng đạt 4.000 USD/ounce. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, giá vàng đã tăng quá nóng trong ngắn hạn. Trong cơn hoang mang của thị trường, ông Rick Rule, Chủ tịch của Sprott U.S cho biết: Nếu bạn hỏi tôi về triển vọng giá vàng trong 2-3 năm tới, tôi khẳng định là sẽ tăng rất cao. Nhưng nếu hỏi tôi về triển vọng trong hai tháng tới, tôi nghi ngờ là giá vàng đang đi quá xa, quá nhanh... Thực tế, để phòng ngừa rủi ro một số quỹ đầu tư lớn đã quyết định bán ra 50% lượng vàng đang nắm giữ.
Những năm gần đây, giá vàng trong nước đã theo sát diễn biến giá vàng thế giới, chỉ chênh nhau chưa đến 300 nghìn đồng/lượng. Nhưng những ngày qua giá vàng trong nước đã có lúc cao hơn giá thế giới đến 3 triệu đồng/lượng. Do đó, mặc dù vẫn giữ xu hướng đi lên, nhưng với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, nếu tham gia thị trường những ngày qua, hẳn đã nhiều phen "đứt tay". Giá vàng trong nước không chỉ cao hơn thế giới mà chênh lệch giữa giá mua và bán từ vài trăm nghìn đồng trước đây, nay đã bị giãn cách đến 2 triệu đồng/lượng.
Tháng 9-2011, khi giá vàng thế giới thiết lập mức 1.921,17 USD/ounce, thị trường vàng trong nước đã có lúc lên 50 triệu đồng/lượng và cũng nhanh chóng lao dốc về 41 triệu đồng/lượng. Nhưng nếu nói về kỷ lục "giãn cách" thì phải là tháng 2-2013, khi giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn giá thế giới đến 5 triệu đồng/lượng; giá mua và bán chênh nhau đến 3 triệu đồng/lượng. Thời điểm đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi khoảng 400.000 đồng/lượng là đã có dấu hiệu của hiện tượng đầu cơ, làm giá.
Xây dựng sàn giao dịch vàng quốc gia?
Nhìn lại, thị trường vàng trong nước những ngày qua có một số điểm tương đồng với sự biến động mạnh về giá vàng không chỉ trong năm 2011 mà còn kéo dài sang năm 2012, 2013. Giá vàng trong nước thời điểm đó bỏ xa giá thế giới không chỉ do hệ thống quản lý chưa chặt mà còn từ hậu quả của việc huy động và cho vay bằng vàng. Khi NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tất toán tài khoản vàng đã khiến cầu vàng tăng đột biến. Đây cũng là yếu tố thứ nhất.
Yếu tố thứ hai tác động mạnh đến thị trường là quá trình chuẩn hóa thương hiệu vàng quốc gia. Sau khi chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia, thị trường đã có phen "quy chuẩn" đầy tốn kém. NHNN đã cho phép một số ngân hàng thương mại (NHTM) tạm xuất, tái nhập vàng để chuyển số vàng không phải SJC thành vàng miếng nguyên liệu chuyển về trong nước, rồi dập thành SJC. Chênh lệch giữa giá vàng SJC với vàng thương hiệu khác có lúc lên đến 2 triệu đồng/lượng. Người dân muốn đổi vàng của các thương hiệu khác (cùng chất lượng, định lượng) sang vàng SJC lúc đó phải chi 50 nghìn đồng/lượng. Để giảm nhiệt thị trường, tháng 3-2013, NHNN đã tiến hành giải pháp gây nhiều tranh cãi rằng, NHNN quản lý hay kinh doanh vàng? Đó là đấu thầu vàng miếng. Tuy nhiên, tháng 3-2014 việc đấu thầu vàng miếng chấm dứt do thị trường không còn nhu cầu. Theo NHNN, việc can thiệp bằng hình thức đấu giá giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng ổn định, làm mất động lực đầu cơ, góp phần kiềm chế "vàng hóa" nền kinh tế.
Yếu tố thứ ba là tâm lý kỳ vọng lạm phát cao. Cuối năm 2011 lạm phát ở mức 18,13%, lãi suất cho vay tăng cao lên đến hơn 20%/năm và kéo dài từ năm 2009 - 2011; thanh khoản của hệ thống NHTM gặp khó khăn dù lãi suất huy động thị trường 1 ở mức 14%/năm; lãi suất cho vay liên ngân hàng có lúc lên đến 30% - 40%/năm. Dự trữ ngoại hối chỉ ở mức 6,5 tuần nhập khẩu, tương đương 7 tỷ USD.
Thị trường chỉ thật sự ổn định, "đi vào quy lát" từ năm 2014. Sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP tháng 4-2012 (NĐ 24) cho thấy vai trò kiến tạo của quản lý nhà nước. Nhờ có công cụ mạnh mẽ này, cơ quan quản lý siết lại thị trường, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng vào quy củ.
Quay trở lại thời điểm hiện tại, lạm phát được kiểm soát tốt, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, lòng tin người dân đối với VND được củng cố... Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 74 tỷ USD là cơ sở để Nhà nước có thể can thiệp thị trường khi cần thiết. Song, cơn sóng giá vàng những ngày qua cho thấy, trong điều kiện "bình thường mới" cần thay đổi phương thức quản lý thị trường. NĐ 24 về quản lý thị trường vàng đã được sửa đổi bổ sung nhưng hiện bắt đầu không còn phù hợp điều kiện thực tế.
Trong bối cảnh vàng được cho là nơi trú ẩn an toàn, lâu dài thì nhu cầu đầu tư, kinh doanh vàng sẽ ngày càng tăng. Những ngày vừa qua, thị trường có hiện tượng làm giá, tạo chênh lệch cung - cầu ảo. Các chuyên gia đề xuất NHNN nên trả vàng lại cho thị trường bằng việc cho ra đời sàn giao dịch vàng. Đó sẽ là sân chơi của những nhà đầu tư lớn, có sự quản lý của nhà nước. Sàn giao dịch vàng quốc gia sẽ tạo điều kiện các giao dịch lớn phát triển, đồng thời giúp NHNN kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, hiện nay NHNN tích hợp hai đề án “Giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025” và đề án “Hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” thành đề án: “Hạn chế tình trạng vàng hóa và đô-la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.